Quảng cáo

Chuyện ASIAD 2018: Ăn chia huy chương, nhập tịch ‘cân tất'

Hữu Doãn Hữu Doãn
Thứ ba, 04/09/2018 10:07 AM (GMT+7)

Thể Thao 247 - Ngay tại đại hội thể thao lớn nhất châu lục, vẫn có những câu chuyện khiến các CĐV phải hoài nghi về tính công bằng tại đại hội.

ASIAD 2018 về cơ bản đã diễn ra một cách thành công. Cơ sở vật chất của nước chủ nhà được đánh giá cao, khâu chuẩn bị như khách sạn, làng VĐV, giao thông cũng khá thuận tiện trong những ngày chính của đại hội. Tuy nhiên, giải đấu ở Indonesia cũng có những câu chuyện rất riêng, những câu chuyện đậm chất... ao làng thường chỉ diễn ra ở SEA Games.

Xử ép để... vơ vét HCV

Đóng góp lớn vào thành tích 31 HCV của đoàn chủ nhà Indonesia, không thể không nhắc tới bộ môn thương hiệu của quốc gia này, Pencak Silat. Việc Indonesia tỏ ra mạnh mẽ ở môn võ cổ truyền rõ ràng điều không hề khó hiểu, nhưng khi họ giành tới 14/16 HCV của toàn giải lại là một câu chuyện khác.

Trên thực tế, Pencak Silat của Indonesia không mạnh tới như vậy. Ngay tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đã từng một thời lật đổ quốc gia này tại các đấu trường SEA Games và cho tới thời điểm hiện tại, chúng ta cũng chẳng hề ‘ngán’ các đối thủ khác. Tuy nhiên, với cách chấm điểm mập mờ (một tổ 5 trọng tài hoạt động riêng biệt, VĐV nào được nhiều trọng tài chấm thắng nhiều hơn sẽ chiến thắng), không khó để Pencak Silat trở thành môn thi dễ bị thao túng nhất. Đã từng có trận đấu ngay tại ASIAD 2018, một trọng tài chấm VĐV Việt Nam được 9 điểm sau 3 hiệp (so với 7 của đối phương), nhưng trọng tài khác cho tới điểm -1.

ASIAD,ASIAD 2018, Indonesia, Bahrain

Ăn chia huy chương: Chuyện thường ở... châu lục

Tại ASIAD, vẫn luôn có những bộ môn thế mạnh từng quốc gia. Nếu như Trung Quốc có Wushu, Thái Lan có Cầu mây, Hàn Quốc có Taekwondo, Nhật Bản cho Judo, Karate... đến năm nay Indonesia có Pencak Silat. Thế nên, câu chuyện ăn chia huy chương cũng trở nên dễ thực hiện.

Nếu như ở Taekwondo, Judo hay Karate (các môn đã thuộc hệ thống thi đấu Olympic), những quốc gia quê hương không quá áp đảo thì tại Wushu, Trung Quốc giành tới 10/14 HCV. Mạnh cả về thực lực lẫn biểu diễn, người Trung gần như chỉ không giành HCV ở những nội dung họ không tham dự. Động thái ‘nhường sân’ ấy nhanh chóng được Indonesia cụ thể bằng 1 tấm HCV biểu diễn Thái cực quyền/Thái cực kiếm nữ.

(Nói thêm về Wushu biểu diễn, những VĐV ở các quốc gia khác thường không giành quá 9.72 điểm chung cuộc. Nhưng khi VĐV Trung Quốc tham gia, họ thường giành ít nhất 9.74 điểm. Khoảng cách 0.02 điểm này không hề nhỏ ở cấp độ tranh HCV. Thậm chí có VĐV còn giành 9.76 điểm biểu diễn, một con số mà các VĐV khác không thể giành được).

Tương tự Wushu, Thái Lan giành tới 4/6 HCV Cầu mây một cách dễ dàng. Ở cả 2 nội dung còn lại mà họ không đăng ký tham gia (đội Regu Nam và đội 4 người Nam), Indonesia cũng giành được 1 tấm HCV, Malaysia là chủ nhân của tấm HCV còn lại.  Đáp lại tấm thân tình của người Thái, Indonesia tổ chức môn thi đấu mới toanh là dù lượn, và mỗi bên cùng nhau giành thêm 2 tấm HCV để nâng cao thành tích trên bảng tổng sắp.

Một bộ môn mới khác cũng được đưa vào tại ASIAD 2018 lần này, Jetski (đua xe nước), Indonesia, Thái Lan, UAE và... Campuchia, mỗi nước giành một tấm HCV.

‘Nhập tịch’ cân tất

Sử dụng VĐV nhập tịch là một câu chuyện không hề mới trong làng thể thao thế giới, nhưng để làm được như Bahrain tại ASIAD 2018, không phải quốc gia nào cũng đủ mạnh tay.

Cụ thể, Bahrain giành tổng cộng 26 tấm HC tại kỳ ASIAD 2018 (12 HCV), 25 trong số đó thuộc về môn điền kinh. Chính xác hơn nữa thì đó là những nội dung chạy. 12 HCV và 6 HCB điền kinh giúp Bahrain trở thành cường quốc số 2 ở môn này (sau Trung Quốc dù bằng số HCV), và có thứ hạng cao trên bảng tổng sắp ASIAD.

Đáng chú ý, toàn bộ các VĐV giành HCV cho Bahrain đều là người gốc Phi nhập tịch. Birhanu Balew (HCV 5000m Nam) là người gốc Etiopia. Hassan Chani (HCV 10.000m Nam) là người gốc Ma rốc. VĐV trẻ tuổi đầy tiềm năng Hassan Chani (HCV 100m, 200m, 4x100m Nữ) là người gốc Nigeria...

Các VĐV gốc Phi trước đây từng khoác áo Qatar tạo nhiều ấn tượng tại bộ môn điền kinh của ASIAD. Có lẽ đây là động lực để Bahrain, vốn là một quốc gia nhỏ bé (về diện tích) ở bán đảo Ả Rập, quyết định nhập tịch các VĐV gốc Phi để thi đấu tại Olympic 2016 và ASIAD 2018.

Không tìm thấy trận đấu nào.

Tin liên quan