Quảng cáo

SEA Games 32 - cột mốc lịch sử của bóng chuyền nam Đông Nam Á

Ý. Nguyễn Ý. Nguyễn
Thứ sáu, 31/03/2023 22:03 PM (GMT+7)

Chủ nhà Campuchia đã chuẩn bị cho SEA Games 32 từ tháng 8/2022, những đội bóng muộn nhất cũng tập trung ngay từ tháng 3, trong khi đó Á quân Việt Nam chỉ có đúng 1 tháng tập luyện.

Đối với bộ môn bóng chuyền nam trong nhà khu vực Đông Nam Á, SEA Games 32 chính là cột mốc lịch sử cho một thời kỳ ngự trị mới. Tham dự gồm có chủ nhà Campuchia - HCĐ, ĐKVĐ Indonesia, Á quân Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Myanmar, Malaysia và Singapore. 

Thái Lan quyết đòi lại món nợ với Việt Nam và Campuchia

Ngoại trừ Indonesia là vượt trội, các đội bóng còn lại đều bước vào tình thế căng thẳng. Bắt đầu từ Thái Lan, nếu không phải thi đấu trên sân khách thì nhiều khả năng họ đã góp mặt tại trận chung kết SEA Games 31 chứ không phải xuống tranh HCĐ với Campuchia. 

SEA Games 32 là 'cột mốc lịch sử' của bóng chuyền nam Đông Nam Á 264058
Tuyển bóng chuyền nam Thái Lan (áo trắng) thua Việt Nam ở bán kết SEA Games 31

Với sức ép của hàng ngàn khán giả tại nhà thi đấu Đại Yên, họ đã gục ngã không chỉ trước Việt Nam mà còn thua cả Campuchia sau 5 set ở trận tranh HCĐ. Người hâm mộ bóng chuyền Việt Nam đã không ngừng tiếp thêm sức mạnh cho người hàng xóm Campuchia ở dưới sân đấu, Tổng thư ký Liên đoàn bóng chuyền Campuchia đã quỳ rạp xuống đất để cảm ơn NHM Việt Nam sau chiến thắng.

Dù vậy, chúng ta không thể coi thường đội bóng xứ chùa vàng khi chỉ mang theo quân lực trẻ nhưng đã làm khó được Việt Nam, duy nhất là họ không có NHM tiếp sức. Để đòi lại món nợ, tuyển bóng chuyền nam Thái Lan đã củng cố lại lực lượng và tập trung vào cuối tháng 3 vừa qua.

Campuchia quyết tâm giành HCV lịch sử trong kỳ SEA Games đặc biệt

Đội tuyển Campuchia tập trung từ tháng 8/2022 với HLV trưởng Jun Li và HLV chiến thuật đến từ Cuba. Họ đặt mục tiêu cao nhất là tấm HCV trong kỳ SEA Games đặt biệt - kỳ SEA Games đầu tiên mà Campuchia đăng cai tổ chức, nhưng thực tế phía lãnh đạo chỉ đặt chỉ tiêu bảo vệ HCĐ. 

SEA Games 32 là 'cột mốc lịch sử' của bóng chuyền nam Đông Nam Á 264061
Bóng chuyền nam Campuchia mang về tấm huy chương đầu tiên trong lịch sử trên đất Việt Nam

Tại SEA Games 31, Campuchia cũng từng đưa Thái Lan vào set 5 trong hai lần gặp mặt (1 thua ở vòng loại, 1 thắng ở trận tranh HCĐ). Không chỉ có thời gian dài huấn luyện, đội còn được cọ xát quốc tế với U20 Cuba, Singapore, U19 Pháp, hay mới nhất là giải giao hữu do Malaysia tổ chức (Malaysia đội A và đội B, Campuchia và Singapore). 

Với lực lượng hiện tại của đội tuyển bóng chuyền nam Campuchia, kể cả Việt Nam hay Thái Lan đều chưa thể chắc chắn mang về chiến thắng. Trong khi đó, họ lại có lợi thế sân nhà. 

Philippines khủng hoảng lực lượng, Myanmar có nguy cơ giải tán ĐTQG 

Sau thành công tại SEA Games 30 trên sân nhà với tấm huy chương bạc, bóng chuyền nam Philippines bắt đầu yếu thế. Thậm chí, họ đã không giành được tấm vé vào bán kết SEA Games 31 tại Việt Nam. Hiện tại, đội bị khủng hoảng lực lượng. 

SEA Games 32 là 'cột mốc lịch sử' của bóng chuyền nam Đông Nam Á 264064
Đội trưởng Bryan Bagunas rời đội tuyển quốc gia

Chưa nói đến những VĐV giải nghệ, ngôi sao số 1 Bryan Bagunas cùng một vài đồng đội khác đã từ chối lên tuyển. Lý do tay đập này đưa ra là bận kết hôn, nhưng truyền thông Philippies đã tiết lộ là họ bất mãn khi Liên đoàn sa thải HLV trưởng. 

Ra về tay trắng liên tiếp 3 kỳ SEA Games (hạng 4), bóng chuyền nam Myanmar đang đối mặt với nguy cơ giải thể nếu không giành được tấm huy chương nào tại Đại hội năm nay. Thông tin này được các cầu thủ tiết lộ, ngay cả chính bản thân họ và HLV cũng chưa biết chắc rằng số phận sẽ ra sao nếu lại về nước không thành tích. 

SEA Games 32 là 'cột mốc lịch sử' của bóng chuyền nam Đông Nam Á 264071
Bóng chuyền nam Myanmar phải có huy chương tại SEA Games 32

Phía lãnh đạo đã đưa cả hai đội bóng chuyền nam và nữ Myanmar sang Hàng Châu (Trung Quốc) tập huấn từ tháng 11/2022 đến đầu tháng 3/2023. Trước đây, Myanmar từng là Vương của Đông Nam Á khi 3 lần lên vô địch vào các năm 1977, 1979, 1983. 

Đội tuyển Việt Nam chuẩn bị tập trung, tiếp tục đổi HLV

Gọi ai lên đội tuyển Việt Nam tưởng chừng sẽ là cái khó nhất của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam nhưng vấn đề gọi HLV trưởng mới là đau đầu. Hầu như, mỗi năm hay mỗi giải đấu đều thay đổi HLV trưởng. Gần nhất là tại SEA Games 31, Liên đoàn thuê HLV Trung Quốc Li Huang Ning nhưng đã chấm dứt hợp đồng sau khi Đại hội kết thúc. 

SEA Games 32 là 'cột mốc lịch sử' của bóng chuyền nam Đông Nam Á 264072
Bóng chuyền nam Việt Nam phải bảo vệ thành công ngôi Á quân

Hiện tại, HLV trưởng mới được bổ nhiệm là ông Trần Đình Tiền - HLV trưởng CLB Biên Phòng. Ngày mai (1/4), toàn đội sẽ hội quân tại Ninh Bình. Mục tiêu năm nay là bảo vệ tấm huy chương bạc, nhìn chung là khó khăn không hề nhỏ. Thậm chí, họ chỉ có đúng 1 tháng luyện tập. 

Singapore trở lại đấu trường Đông Nam Á, Malaysia trở thành ẩn số 

Trong chuyến làm khách tại Campuchia vào tháng 10/2022, đội tuyển bóng chuyền nam Singapore đã gửi tín hiệu trở lại đường đua Đông Nam Á. Lần gần nhất họ xuất hiện là tại SEA Games 30 với vị trí cuối cùng. Sau đó, họ đã ở ẩn và bí mật tập luyện trong suốt 3 năm qua. 

SEA Games 32 là 'cột mốc lịch sử' của bóng chuyền nam Đông Nam Á 264073
Singapore chính thức trở lại đường đua Đông Nam Á

Trong lịch sử, Việt Nam từng hai lần đối đầu đội bóng đảo quốc sư tử. Đầu tiên là vòng bảng SEA Games 2015, Việt Nam thắng 3-0 (25-17, 25-18, 25-20) và lần thứ 2 là tranh hạng 5-7 tại SEA Games 2019 cũng với chiến thắng 3-0 (25-16, 25-20, 25-19).

Tại SEA games 31, Malaysia chính là đội bóng trẻ nhất với 9 VĐV sinh năm 2000 đến 2002 và cũng là đội bóng đứng cuối BXH. Nhưng tại trận ra quân giải đấu giao hữu do họ tổ chức, đội tuyển Malaysia bất ngờ thắng 3-0 trước Campuchia, chính thức trở thành ẩn số mới của Đông Nam Á. 

SEA Games 32 là 'cột mốc lịch sử' của bóng chuyền nam Đông Nam Á 264074
Team A của ĐTQG Malaysia thắng 3-0 trước Campuchia

SEA Games 32 nội dung bóng chuyền nam sẽ được tổ chức tại thủ đô Phnom Phenh - Campuchia. Thời gian thi đấu diễn ra từ ngày 3/5 đến 8/5 với sự tham dự của 8 quốc gia là chủ nhà Campuchia, đương kim vô địch Indonesia, Á quân Việt Nam, hạng 4 Thái Lan, Philippines, Myanmar, Malaysia, Singapore.

Theo đó, sẽ có 2 bảng đấu và thi đấu 1 vòng tròn tính điểm. Ở mỗi bảng, sẽ lấy 2 đội có thành tích tốt nhất để bước vào bán kết, 2 cặp đấu bán kết được xác định là: Nhất bảng A - Nhì bảng B, Nhì bảng A - Nhất bảng B.

Tin liên quan
Bảng tổng sắp
huy chương SEA Games 32
TT Quốc gia Vàng Bạc Đồng Tổng
1 Việt Nam Việt Nam 136 105 114 355
2 Thái Lan Thái Lan 108 96 108 312
3 Indonesia Indonesia 86 81 109 276
4 Campuchia Campuchia 81 74 126 281
5 Philippines Philippines 58 86 116 260
6 Singapore Singapore 51 42 64 157
7 Malaysia Malaysia 34 45 97 176
8 Myanmar Myanmar 21 25 68 114
9 Lào Lào 6 22 60 88
10 Brunei Brunei 2 1 6 9
11 Đông Timor Đông Timor 0 0 8 8