Hãng game lớn nhất Trung Quốc - Tencent đã phải sa thải 5.500 nhân viên và cắt phúc lợi do tình hình kinh doanh khó khăn.
Đầu tuần trước, Tencent đã công bố báo cáo hàng quý với doanh thu sụt giảm 3% (19.7 tỷ USD so với 20.4 tỷ USD trong quý II năm 2021). Đây là lần đầu tiên công ty này ghi nhận sự sụt giảm doanh thu kể từ khi được niêm yết trên thị trường chứng khoán vào năm 2004.
Lợi nhuận của Tencent cũng đã giảm xuống chỉ còn 8.5 tỷ USD so với 9.25 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù ghi nhận doanh thu tăng từ các tựa game mới như LMHT Tốc Chiến, Valorant, V Rising và Return to Empire nhưng các tựa game cũ PUBG Mobile, Vương Giả Vinh Diệu và LMHT của công ty này lại suy giảm.
Kết quả kinh doanh không mấy khả quan đã khiến ông lớn công nghệ Trung Quốc này phải sa thải 4,7% lực lượng lao động, tương đương với 5500 nhân viên. Đây cũng là sự sụt giảm nhân sự đầu tiên của Tencent kể từ năm 2014.
Theo Bloomberg, quá trình tuyển dụng tại các công ty công nghệ lớn nhất của Trung Quốc đã chậm lại do các quy định nghiêm ngặt của nước này. Sau một thập kỷ phát triển, có lẽ đã đến lúc ngành công nghệ Trung Quốc gặp phải các rào cản đầu tiên, từ trong nước.
Cũng theo Bloomberg, giá trị thị trường ngành công nghệ tại Trung Quốc đã bốc hơi 1 tỷ USD do các quy định hà khắc của chính phủ nước này. Do đó, việc doanh thu suy giảm và sa thải nhân viên đang là xu hướng chung. Được biết, Alibaba cũng đã mất 9000 nhân viên trong quý 2 năm 2022.
"Chúng tôi đang cố gắng loại bỏ các hoạt động kinh doanh không cốt lõi, thắt chặt chi tiêu và cắt giảm chi phí hoạt động, cho phép chúng tôi tuần tự tăng thu nhập không theo IFRS, bất chấp điều kiện doanh thu khó khăn" - Đại diện Tencent tuyên bố.
Chính phủ Trung Quốc đã dành nhiều tháng trời để "chỉnh đốn" lại ngành công nghiệp trò chơi điện tử tại nước này với mục đích "làm giảm chứng nghiện game của trẻ em". Kết quả là doanh thu của hàng loạt gã khổng lồ công nghệ như Tencent và NetEase sụt giảm.
Bắc Kinh đã ngừng phê duyệt các tựa game mới trong một khoảng thời gian dài, và chỉ mới bắt đầu duyệt lại từ tháng 4/2022. Tuy nhiên trong số các tựa game được phê duyệt sau tháng 4, không có cái tên nào của Tencent.
Hãng game này đang gặp rắc rối thực sự tại thị trường trong nước, buộc họ phải sinh tồn dựa vào doanh thu của các tựa game cũ như Vương Giả Vinh Diệu. Dẫu vậy, ông lớn công nghệ này cũng không chịu ngồi yên.
Nhận thấy thị trường game trong nước ngày càng khó khăn, Tencent đã và đang điên cuồng mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài, thông qua các thương vụ mua bán và sáp nhập.
Tổ chức này đã thực hiện hàng loạt thương vụ lặng lẽ nhưng hiệu quả, qua đó vượt mặt Microsoft để trở thành công ty game lớn nhất thế giới.
Trong tương lai, chắc chắn chúng ta sẽ còn thấy nhiều tựa game gắn mác Tencent hơn nữa. Và quá khứ đã chứng minh các thương vụ thâu tóm của họ hoạt động vô cùng hiệu quả, Riot Games là một ví dụ điển hình.
Cộng đồng quyên góp tiền mua PS5 cho game thủ bại não