Quảng cáo

BYD và các hãng xe Nhật ‘ngấm đòn’ vì cuộc chiến giá ô tô điện tại Trung Quốc

Thứ sáu, 02/08/2024 06:56 AM (GMT+7)
A A+

Các khoản trợ cấp và chất lượng xe ngày càng cải thiện đang khiến nhiều hãng xe gặp khó tại thị trường Trung Quốc, trong đó bao gồm cả BYD.

Theo tờ Nikkei Asia, sau khi quỹ Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett bán một số cổ phiếu BYD vào tuần trước, truyền thông xã hội Trung Quốc rộ lên những suy đoán rằng động thái này là do cuộc chiến giá xe điện khốc liệt.

Berkshire đã giảm dần tỷ lệ sở hữu tại BYD từ năm 2022. Việc bán cổ phiếu tuần trước đã đẩy tỷ lệ sở hữu xuống dưới 5%, ngưỡng bắt buộc phải công khai giao dịch cổ phiếu.

Mặc dù Berkshire không đưa ra lý do cho việc bán, một số người trong thị trường tin rằng thời điểm này là hợp lý. Cổ phiếu BYD đã tăng gần ba mươi lần so với khi Berkshire đầu tư vào công ty năm 2008 với giá 8 đô la Hồng Kông mỗi cổ phiếu.

BYD và các hãng xe Nhật ‘ngấm đòn’ vì cuộc chiến giá ô tô điện tại Trung Quốc 507085

Thời điểm này cũng hợp lý trong bối cảnh BYD đang lo ngại về khả năng duy trì tăng trưởng lợi nhuận. Lợi nhuận trước thuế trong quý I tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước lên 5,7 tỷ nhân dân tệ (785 triệu đô la). Tuy nhiên, 40% mức tăng trưởng lợi nhuận là do các khoản trợ cấp tăng. Trong khi đó, cổ phiếu BYD giảm 9% so với năm ngoái.

Trung Quốc đang tăng gấp đôi các khoản trợ cấp để khuyến khích người dùng mua xe điện mới thay vì các mẫu xe đã qua sử dụng, nhưng Hiroshi Matsumoto, chuyên gia cao cấp tại Pictet Japan, lưu ý rằng các chính sách có nguy cơ thay đổi và có thể dẫn đến phản ứng ngược.

Cuộc chiến giá có khả năng kéo dài, với một phần nguyên nhân đến từ tỷ lệ sử dụng nhà máy giảm của ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc.

Tỷ lệ này đạt đỉnh ở mức 83,6% vào cuối năm 2017, theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố qua công ty nghiên cứu CEIC. Đến tháng 6, tỷ lệ này giảm xuống 73%, trong khi mức hòa vốn là 80%.

BYD và các hãng xe Nhật ‘ngấm đòn’ vì cuộc chiến giá ô tô điện tại Trung Quốc 507086

Sự mở rộng nhà máy nhanh chóng đã khiến tỷ lệ sử dụng chúng suy giảm. Công suất sản xuất ô tô ở Trung Quốc đạt 48,7 triệu xe tính đến năm 2023, theo công ty nghiên cứu GlobalData của Anh, tuy nhiên doanh số bán (bao gồm xuất khẩu) chỉ đạt tổng cộng khoảng 30 triệu xe.

Công suất này dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong năm nay, khi hãng sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi gia nhập thị trường xe điện với nhà máy công suất 100.000 xe và kế hoạch xây dựng thêm nhà máy thứ hai.

Đối với các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản, hoạt động tại Trung Quốc từng là nguồn lợi nhuận chính. Với Nissan và Honda, mỗi hãng đã bán được 700.000 xe ở giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2019, trước đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, doanh số của cả hai hãng trong nửa đầu năm 2024 đã giảm khoảng 50% so với mức năm 2019. Trong cùng khoảng thời gian, doanh số của BYD tăng gần 1,4 triệu xe.Bên cạnh đó, các công ty mới nổi như NIO cũng đã kinh doanh khởi sắc.

BYD và các hãng xe Nhật ‘ngấm đòn’ vì cuộc chiến giá ô tô điện tại Trung Quốc 507094

"Các khoản trợ cấp là một lý do khiến các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc tăng doanh số, nhưng sức mạnh sản phẩm cũng là một yếu tố," Koji Endo, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu doanh nghiệp tại SBI Securities, cho biết."Trong khi các xe điện của Trung Quốc đang dần cải thiện hiệu suất, Nissan và Honda lại không thể tạo ra các mẫu xe bán chạy."

Toyota Motor đang gặp khó khăn trong lĩnh vực xe điện, nhưng hãng đã duy trì được khối lượng bán hàng nhờ sức mạnh thương hiệu của dòng xe sang Lexus cũng như xe hybrid.

Xu hướng của thị trường Trung Quốc được phản ánh thông qua giá cổ phiếu. So với một năm trước, Suzuki Motor - nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đầu tiên rút khỏi Trung Quốc - và Toyota đã tăng hơn 20%. Honda tăng chưa đến 10%, trong khi Nissan giảm hơn 20%.

BYD và các hãng xe Nhật ‘ngấm đòn’ vì cuộc chiến giá ô tô điện tại Trung Quốc 507098

Doanh số của Nissan tại Trung Quốc đạt đỉnh vào năm 2018. Công ty đã trải qua sự xáo trộn về quản lý ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh toàn cầu, bao gồm các vụ bê bối liên quan đến cựu Chủ tịch Carlos Ghosn, nhưng sự sụt giảm dài hạn của giá cổ phiếu trùng hợp với sự suy giảm của hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc.

"Thị trường sẽ không công nhận nỗ lực của Nissan trừ khi hãng hợp tác với các công ty khác hoặc tạo ra kết quả trong số liệu bán hàng," Toru Nakazawa, giám đốc tại KPMG FAS, cho biết.

"Kỷ nguyên mà nhiều nhà sản xuất ô tô có thể đảm bảo lợi nhuận béo bở đã kết thúc," Kazuhiro Toyoda, người đứng đầu bộ phận quản lý cổ phiếu Nhật Bản tại Schroder Investment Management, nói.

Author Thethao247.vn Quốc Bình / Theo nongthonvaphattrien.vn - Copy
Xem thêm