Ngoại binh tại giải VĐQG - yếu tố giúp bóng chuyền nữ Việt Nam vươn lên?

Thứ ba, 22/03/2022 13:02 PM (GMT+7)
A A+

Đã 10 năm kể từ lần cuối NHM được chứng kiến các ngoại binh thi đấu tại giải bóng chuyền nữ VĐQG, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam lần đầu tính đến cho các CLB thuê ngoại binh thi đấu. Tuy nhiên, ý kiến này vẫn đang bỏ ngỏ.

Chất lượng giải ngày càng đi xuống

Từ năm 2012, giải bóng chuyền nữ VĐQG chính thức cấm ngoại binh với các lý do “thui chột đào tạo trẻ, nhiều VĐV nội thiếu cơ hội để được thi đấu trên sân, chèo kéo các VĐV giữa nhiều CLB khác nhau dẫn đến việc đẩy giá trị chuyển nhượng lên quá cao”... Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV) cho rằng điều này sẽ thúc đẩy các đơn vị tập trung đào tạo trẻ nhằm có nguồn lực lượng kế cận cho các đàn chị đi trước.

anna-seni-ngoai-binh-quen-thuoc-vtv-binh-dien-long-an
Anna Seni - ngoại binh quen thuộc với NHM VTV Bình Điền Long An

Thế nhưng, kết quả ra sao?

Có thể thấy rằng, việc xuất hiện ngoại binh đã tạo nên một “làn gió mới” cho làng bóng chuyền. Dù còn một số vấn đề, tính cạnh tranh của giải đã tăng lên rất nhiều, NHM cũng có cơ hội chiêm ngưỡng tài năng không chỉ các VĐV nước mình mà của cả nước bạn. Việc cấm ngoại binh để đào tạo trẻ chưa thấy hiệu quả ở đâu, chỉ thấy tính hấp dẫn, sự cạnh tranh tại giải đấu giảm xuống rất nhiều. Chưa kể chất lượng VĐV nội đi xuống, ví dụ rõ ràng nhất chính là việc đội tuyển nữ thi đấu đầy chật vật trước Philippines hay Indonesia, trong khi trước kia việc giành chiến thắng trước 2 đội kia là điều hiển nhiên, và lúc đó giải VĐQG vẫn cho ngoại binh thi đấu. 

Do đó, lấy lý do đào tạo trẻ để cấm ngoại binh thi đấu là thiếu cơ sở và không thuyết phục.

Bắt đầu xem xét tính đến thuê ngoại binh

Sau vòng 2 giải VĐQG năm 2022, VFV đã bắt đầu tính đến phương án cho các VĐV nước ngoài tới thi đấu ở Việt Nam. Đây được xem là một phương án có cơ sở bởi rõ ràng rằng, việc xuất hiện các ngoại binh trên sân khiến các VĐV trẻ Việt Nam cần phải cố gắng hơn nhằm có cơ hội được ra sân. 

ngoai-binh-se-duoc-thi-dau-tu-mua-giai-2022-nay
Ngoại binh sẽ được thi đấu từ mùa giải 2022 này?

Không chỉ vậy, các cô gái trẻ sẽ được học hỏi kinh nghiệm từ các VĐV giỏi ở nước ngoài không chỉ từ kỹ thuật, chiến thuật mà còn cả tác phong sinh hoạt, việc tập luyện của họ. Điều này là vô cùng quý giá bởi sẽ giúp các cô gái trẻ theo đuổi nghiệp bóng chuyền biết được ngoại binh họ phát triển từ nền bóng chuyền như thế nào, điều này có thể giúp bản thân các cô gái có động lực để tiến bộ hay không.

Việc thuê ngoại binh thi đấu cũng giúp tính cạnh tranh của các giải đấu quốc nội được nâng cao, chất lượng chuyên môn cũng được cải thiện. Cơ sở này giúp cho việc tài trợ các giải đấu sẽ ngày càng nhiều, tạo điều kiện tốt hơn cho các VĐV.

Bóng chuyền nữ Việt Nam có thực sự vươn lên nhờ ngoại binh?

Không bàn tới các yếu tố bên lề, việc xuất hiện các ngoại binh chính là động lực để thúc đẩy các VĐV nội phải luôn trau dồi chuyên môn và có tinh thần cầu tiến hết mình, điều này giúp họ có sự cạnh tranh không chỉ với ngoại binh mà còn cả các VĐV nước nhà. 

vdv-phai-co-gang-de-the-hien-kha-nang-tren-san
Các VĐV nội sẽ phải cố gắng nhiều để được thể hiện bản lĩnh trên sân

Chính vì lẽ đó, khi độ cạnh tranh ngày càng tăng cao, thì trình độ chuyên môn cũng như thái độ thi đấu cũng cải thiện rõ rệt. Điều này rõ ràng vô cùng có lợi với các VĐV nội, ban huấn luyện đội tuyển khi triệu tập danh sách có cơ hội tuyển chọn khắt khe hơn nhằm giúp đội tuyển bóng chuyền nữ quốc gia có cơ hội cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực và châu lục.

Ngoại binh có thể không phải là tất cả, nhưng là yếu tố quan trọng để giúp nền bóng chuyền nữ nước nhà vươn xa hơn, do đó quyết định đưa ngoại binh quay trở lại là một ý kiến đúng đắn.

Author Thethao247.vn Trung Hiếu / Theo Tạp chí Người Đưa Tin - Copy
bóng chuyền nữ ngoại binh bóng chuyền nữ Việt Nam giải VĐQG
Xem thêm
TIN NỔI BẬT