Đâu là những điểm hạn chế của Esport tại Việt Nam?

Thứ sáu, 18/01/2019 14:54 PM (GMT+7)
A A+

Thể Thao 247 - Dù không còn là khái niệm quá xa lạ những vẫn còn đó những điều kìm hãm sự phát triển của Esport tại thị trường Việt Nam...

Vài năm trở lại đây, Thể Thao Điện Tử (Esport) dần có những thay đổi rõ rệt và phát triển theo hướng chuyên nghiệp tại Việt Nam. Các hãng phần cứng cũng như Gaming Center đã bắt đầu bỏ tiền tài trợ cho các đội tuyển. Điều này giúp ích phần nào cho đời sống của game thủ, có lương thưởng và việc tập luyện cũng vì thế mà thuận lợi hơn trước rất nhiều. Nhưng so với lớp đàn anh trước đây, những người "“thi đấu vì đam mê không màng vật chất"”thì sự thành công của lớp trẻ hiện tại còn thua kém rất nhiều.

Tuy rằng đã có những sự chuyển biến rõ rệt, nhưng đối với những người thực sự tâm huyết thì Esport tại Việt Nam chỉ như một chú bé, chăm sóc mãi mà chẳng chịu lớn. Vậy đâu là những điểm hạn chế của Esport tại Việt Nam?

 

Gia đình và xã hội

Khái niệm về Esport chưa được xã hội thừa nhận rộng rãi tại Việt Nam. Với tư tưởng có phần cũ kỹ lạc hậu, nhiều người vẫn coi việc chơi game là vô bổ, tốn thời gian, tiền bạc và sức khỏe thậm chí còn gây ra nhiều tệ nạn khác. Từ đó chơi game chẳng bao giờ được coi như là 1 nghề nghiệp chính thống và game thủ cũng khó có thể kiếm ra tiền từ niềm đam mê để trang trải cho cuộc sống và gia đình

Còn nhớ cách đây vài năm huyền thoại QTV – một trong những game thủ thành công và có thu nhập khá cao từ việc chơi game chuyên nghiệp - cũng đã có những chia sẻ về “Nghề làm game thủ” trong 1 buổi stream khi được fan hâm mộ hỏi. Bạn đọc có thể theo dõi trong video sau:

QTV: “Cuộc đời game thủ chỉ hơn sinh viên nghèo được ly café”

Thiếu nguồn tài trợ

Tuy rằng các hãng đã dành sự quan tâm nhất định đến các đội tuyển game nhưng vẫn chưa quá nhiều và thường xuyên. Việc tài trợ cho một đội tuyển nào đó thì mối quan tâm đầu tiên từ phía nhà tài trợ chính là lợi nhuận họ thu lại được. Cả về danh vọng lẫn tiền bạc thì gần như sẽ chẳng có team nào đáp ứng được những điều kiện này.

Cả GAM…

… và Refund Gaming là điểm sáng hiếm hoi của cộng đồng Esport Việt

Còn nhớ trong năm 2017, đội tuyển LMHT của Việt Nam GIGABYTE Marines (GAM) đã nổi lên như 1 hiện tượng khi có cho mình tấm vé tham dự CKTG năm đó nhưng rồi cuối cùng vẫn phải ra về với đôi bàn tay trắng. Trong giai đoạn 2018, cộng đồng PUBG Việt Nam sục sôi với trận đấu đạt Top 1 của Refund Gaming tại PGI 2018 cũng như đứng thứ 10 chung cuộc của giải đấu. Tuy nhiên đó vẫn chỉ là những điểm sáng hiếm hoi để giữa hàng tá đội tuyển cần được đầu tư để phát triển.

 

Hệ thống giải đấu

Ở Việt Nam, có lẽ chỉ có 2 tựa game Esport đạt được nhiều thành công nhất là LMHT và FIFA Online. Cả 2 sản phẩm này đều có cùng  Nhà phát hành là Vietnam Esports. Họ có sự đầu từ bài bản từ hệ thống giải đấu, stream, caster hay cơ sở vật chất cho đến mức thưởng ngày 1 nâng cao hơn qua các năm. Bên cạnh đó thì cộng đồng cũng được đầu tư chăm chút với sự kết nối cao, định hướng chuyên nghiệp ngay từ những ngày đầu tiên phát triển.

Cũng phải kể đến PUBG với rất nhiều giải đấu được tổ chức trong năm qua, thu hút lượng lớn người xem cũng như đội tuyển đến tham dự. Tuy nhiên vẫn chỉ là những bước đi chập chững khởi đầu để tìm cho mình con đường lên chuyên nghiệp của tựa game này.

Xuất phát từ cộng đồng game thủ

Một trong những lý do lớn nhất khiến Esport Việt không thể lớn mạnh còn đến từ phía chính game thủ. Sự thiếu đoàn kết trong cộng đồng, điển hình là "cuộc chiến không hồi kết" giữa Dota 2 và LMHT hay CS:GO giữa Đột Kích. Mỗi bên đều có những lập luận riêng để bảo vệ tựa game của mình và bài xích tựa game kia thay vì ngồi lại cùng nhau phát triển.

Xét về bản chất, kỹ năng của những game thủ đến từ Việt Nam chẳng thua kém bất kì "cường quốc" nào trong ngành công nghiệp game trên toàn thế giới. Chúng ta thua họ khi bước ra đấu trường thế giới chính là thua về kinh nghiệm thi đấu chứ ko nằm ở kỹ năng. Nhưng rất nhiều game thủ vẫn giữ cho mình suy nghĩ "chơi game cho vui" chứ chưa thực sự coi Esport là một nghề nghiệp.

Ring of Elysium đã cấm toàn bộ IP tại Việt Nam ngay từ khi mới ra mắt

Ý thức của game thủ cũng góp phần không nhỏ trong việc làm ảnh hưởng đến sự phát triển của Esport tại Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà khá nhiều tựa game lớn phải cấm địa chỉ IP của Việt Nam vì những lý do như tình trạng xử dụng tool hack/cheat hay thiếu ý thức khi tham gia khi thường xuyên troll, phá game gây ảnh hưởng đến người khác.

Trên đây là ý kiến của cá nhân người viết bài về những yếu tố gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của Thể Thao Điện Tử (Esport) Việt Nam. Còn bạn? Bạn nghĩ sao về vấn đề này?

Author Thethao247.vn Quách Việt Hưng / Theo Tạp chí Người Đưa Tin - Copy
Esport Esport Việt Nam CS:GO Dota 2 LMHT FIFA Online
Xem thêm
TIN NỔI BẬT