Quảng cáo

Nghĩ sáng, tương lai bóng đá Việt rồi sẽ sáng

Thứ sáu, 24/01/2020 06:54 AM (GMT+7)
A A+

Những thay đổi căn bản nhất đang giúp bóng đá Việt Nam chuyển mình, dần trở nên chuyên nghiệp hơn với bóng đá khu vực và châu lục.

Năm 2019 chứng kiến những thành tích đáng tự hào của bóng đá Việt Nam. Ở cấp độ ĐTQG, đoàn quân Park Hang Seo gây tiếng vang tại Asian Cup khi lọt vào tứ kết và khiến những ông lớn như Iraq, Nhật Bản, Jordan phải vã mồ hôi.

Tuy nhiên xưa nay giải VĐQG của Việt Nam chưa bao giờ cho thấy tiềm lực tương xứng với thành tích mà ĐTQG mang lại trên đấu trường châu lục. Thành lập từ năm 1980, giải VĐQG mất 20 năm để lên chuyên nghiệp. Tuy nhiên cái mác chuyên nghiệp không che dấu được sự nghiệp dư bên trong nó.

Một giải VĐQG mà có những CLB thích thì bỏ, thích thì đá, rồi nào là nghi án dàn xếp tỷ số, cho xin điểm, phản đối quyết định của trọng tài bằng cách bỏ trận. Các sân bóng trên cả nước từ đông không còn một chỗ trống đến vắng tanh như chùa bà đanh.

Trong khi đó các CLB vô địch và có thứ hạng cao được hưởng đặc quyền tham dự các sân chơi châu lục. Nhưng điều họ làm là trốn tránh, thi đấu thiếu nhiệt huyết để rồi bị loại. Hệ quả là giờ đây AFC đã cắt suất tham dự chính thức AFC Champions League của các đại diện Việt Nam.

Tuy nhiên năm 2019 đã chứng kiến một bộ mặt mới, CLB Hà Nội đã xuất sắc vào đến trận chung kết Liên khu vực với CLB April 25 của CHDCND Triều Tiên. Dù thất bại nhưng ấn tượng mà Hà Nội để lại là rất sâu đậm. Những khoảnh khắc Quang Hải và các đồng đội nỗ lực trong suốt chiều dài mùa giải cho thấy sự coi trọng đấu trường này của đội bóng số 1 Việt Nam.

Không chỉ Hà Nội, một đội bóng khác của Việt Nam là Becamex Bình Dương cũng có những nỗ lực không kém khi vào đến trận chung kết ASEAN Zone. Dù chi phí dành cho AFC Cup rất cao và có thể ảnh hưởng đến thành tích của đội nhà ở V-League nhưng cách mà Hà Nội và Bình Dương đã làm ở giải đấu vừa qua xứng đáng được ngợi khen.

Cũng trong năm qua, phong trào bóng đá trẻ được đẩy mạnh. Các trung tâm như HAGL, Viettel, PVF,... tiếp tục mở các đợt tuyển sinh lớn. Hầu hết các CLB đã có những lứa trẻ từ cấp U11, U13, U15, U17, U19... làm nòng cốt kế cận.

Các sân bóng cũng dần kéo lại khán giả. HAGL, Nam Định, Hải Phòng có thể tự hào vì các SVĐ chật kín NHM đến theo dõi. Những cuộc đại chiến giữa Hà Nội và TP HCM giờ đây được coi là derby của V-League khi khán giả phải xếp hàng, thậm chí mua vé chợ đen để có trên tay một tấm vé vào sân.

Trước nay cầu thủ Việt Nam được biết đến là những người yếu thể chất, không đáp ứng đủ thể lực cho 90 phút thi đấu chuyên nghiệp. Thế nhưng nhìn vào cách HLV Park giúp ĐT Việt Nam chơi sòng phẳng, ngang ngửa với các đội bóng hàng đầu châu lục thì mới thấy công tác y tế, dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe quan trọng đến nhường nào.

Chính vì lí do ấy mà rất nhiều CLB ở V-League đã bắt đầu thuê chuyên gia thể lực, HLV thể lực, điều mà một vài năm trước chưa từng có tiền lệ. CLB TP Hồ Chí Minh là một trong những đội bóng đi đầu về công tác này. Thậm chí một đội bóng thuộc dạng "con nhà nghèo" như Nam Định cũng đã có HLV thể lực.

Về mặt truyền thông, tất cả các đội đều xây dựng kênh fanpage chính thức riêng. Đây là nơi thông báo, quảng bá của CLB đến NHM. Cũng là nơi NHM có điều kiện tiếp xúc gần gũi, giao lưu và nắm được thông tin chính thức từ đội bóng con cưng.

Dù bóng đá Việt Nam vẫn còn đó những vấn đề, vẫn còn đó những nhức nhối nhưng tựu chung lại, các đội bóng đang dần ý thức hơn về sự chuyên nghiệp cả trong câu chuyện chuyên môn lẫn xây dựng hình ảnh.

Với những chuyển biến từng ngày, hi vọng rằng trong năm 2020 bóng đá Việt Nam sẽ có những thay đổi rõ rệt hơn nữa để nâng tầm bóng đá nước nhà và cũng là môi trường tốt, một kết cấu tốt giúp ĐTQG Việt Nam trở nên mạnh mẽ hơn.

Author Thethao247.vn Văn Hải / Theo Tạp chí Người Đưa Tin - Copy
bóng đá Việt Nam V-League Hà Nội
Xem thêm
TIN NỔI BẬT