Nếu làng tennis phủi Hà Nội cần tìm ra một cái tên vô địch ở cú forehand thì Thắng “dược phẩm” ắt hẳn là ứng viên nặng kí nhất cho ngôi vị số một, với những chiến tích trứ danh từ cú đánh sở trường của mình.
Nội dung chính
Thắng "dược phẩm" (phải) sở hữu cú forehand trứ danh trong giới quần vợt phủi Thủ đô
Phàm đã là dân phủi nặng, ai cũng có tuyệt chiêu riêng để thiên hạ nhắc một cái là nghĩ ngay đến mình, như Hiếu “trâu đất” với cú trả giao bóng thần sầu, Ngộ “Sóc Trăng” lưới vồ siêu nhanh hay Vũ “chuột con” backhand cực đỉnh…Và Thắng “dược phẩm” thành danh nhờ cú forehand khủng khiếp, làm cho “giang hồ” phải ngả mũ và khiến bao tay phủi “non” lao vào tập luyện, những mong có được cú thuận tay đẳng cấp như anh Thắng.
Cái hay ở cú forehand của Thắng “dược phẩm” không chỉ quý ở chỗ nặng xoáy, mạnh mẽ, mà còn nhờ khả năng “chọn bóng” đầy tinh tế, nhịp rất sớm, áp đặt đối phương và hễ ra tay là ăn điểm. Đó quả thực là cái hiếm có khó tìm, bởi đường bóng tạo ra từ mỗi cú vung tay có đi như trái phá, thì trông Thắng “dược phẩm” đánh vẫn khoan thai, đĩnh đạc chứ không “xôi thịt” như mấy đồng chí cậy tay to, vụt khỏe.
Sở hữu cú forehand hoàn hảo, vậy nên Thắng “dược phẩm” luôn chiếm cửa trên trong những màn đôi công. Ngay cả khi có dịp “giao lưu” với dân chuyên, Thắng “dược phẩm” cũng luôn thể hiện được những phẩm chất tốt nhất từ cú đánh trứ danh của mình. Thành ra nếu muốn chiến với hắn chỉ có cách bắt chước lối Djokovic đấu Del Potro, tung ra những cú đánh thật quái và tìm mọi cách né quả phải của “nó” ra thì mới được.
Theo cựu số 1 Việt Nam, Hoàng Thành Trung (Trung “Vũng Tàu”):“Nếu xét về khả năng đánh đơn trong giới bán chuyên Hà Nội ở thời điểm này, Thắng “dược phẩm” xứng đáng là cây vợt hàng đầu và có lối chơi rất hiện đại, đẹp mắt.”
Là cái tên có tiếng trong giới tennis phủi Thủ đô, nhưng con đường thành danh của Thắng “dược phẩm” lại khác hẳn với các anh em khác trong giới. Hầu hết những tay vợt phủi đình đám ở Hà Nội hiện nay xuất thân từ nhặt bóng đi lên hoặc chuyên nghiệp đứt xích và nổi tiếng nhờ đánh độ, hay làm “Triển Chiêu”. Trong khi, Thắng “dược phẩm” lại là dân chơi tennis văn nghệ, đánh cho vui, một tuần đôi buổi và tuyệt nhiên không qua thầy, thợ đào tạo nào, mà vẫn giành đủ loại danh hiệu lớn nhỏ.
Tất cả những kỹ năng mà Thắng “dược phẩm” có được đều là nhờ “học lỏm” qua tivi từ lúc bé, trong cái thời Safin, Roddick đang ở đỉnh cao và tennis vẫn là khái niệm lạ lẫm với dân Việt Nam hồi nhưng năm 9 mấy 2 nghìn. Với kỹ thuật trau dồi qua màn ảnh nhỏ, cùng ít “giờ bay thật” trong những buổi theo bố ra sân, vậy mà Thắng “dược phẩm” cũng máu mê, đi thi đấu giải U13 toàn quốc và lọt đến tận bán kết, trước khi thua sát nút trước Bùi Trí Nguyên, người sau này trở thành tuyển thủ quốc gia và có lúc đứng ngôi số 3 Việt Nam.
Theo cạ cứng của Thắng “dược phẩm”, tay vợt Tuấn Anh “Ace” khẳng định: “Tài năng thiên bẩm của Thắng là cực tốt và nếu được đầu tư theo chuyên nghiệp, thì chưa biết chừng sẽ làm nên chuyện đấy.”
Dẫu vậy, Thắng “dược phẩm” chỉ khiêm tốn rằng mình là người có chút năng khiếu về tennis và việc theo đuổi con đường chuyên nghiệp là một câu chuyện rất dài, đòi hỏi nhiều yếu tố. Mãi đến khi lên đại học, anh mới đánh tennis nhiều hơn và biệt danh Thắng “dược phẩm” xuất phát từ những ngày tháng tung hoành nức tiếng ở sân câu lạc bộ dược phẩm, 85 Tôn Đức Thắng.
Bẵng đi một thời gian, sau chức vô địch Siêu cup VNtennis miền Bắc 2011, Thắng “dược phẩm” theo công việc, bỏ cuộc chơi, để vào tận Vũng Tàu công tác, rồi lại dính chấn thương, phải mổ chân để chữa trị dứt điểm và vất vả mãi mới lấy lại phong độ. Đến năm 2014, Thắng “dược phẩm” mới trở lại Thủ đô và nhanh chóng để lại dấu ấn khi cùng Tuấn Anh “Ace” giành ngôi vô địch Cúp Độc Lập, nội dung Siêu cúp.
Thắng "dược phẩm" đi gặp nhà vô địch SEA Games
Bây giờ, bên cạnh niềm vui mang vợt đi chiến đấu, Thắng “dược phẩm” còn dành nhiều thời gian cho công việc dạy tennis. Trái ngược với sự nghiệp tập tành, Thắng “dược phẩm” lại “ăn học” rất bài bản cho sự nghiệp huấn luyện. Anh hiện là người duy nhất ở Việt Nam có bằng GPTCA (Global Professional Tennis Coach Association), chứng chỉ huấn luyện tennis ở Học viện do “ông thầy” nổi tiếng Toni Nadal mở.
Thậm chí anh còn cất công sang tận Singapore để gặp gỡ, học hỏi từ chuyên gia ATP, Robert Davis và đương kim vô địch Sea Games Christopher Rungkat. Thế nên, xem Thắng “dược phẩm” đứng lớp chuyên nghiệp lắm, theo sát từng đường bóng, uốn nắn tỉ mỉ cho mỗi động tác mở vợt, vung tay của học trò…và cứ đà này, chắc vài năm nữa, là có đệ tử của “sư phụ” Thắng nổi lên trong làng banh nỉ Thủ đô mà thôi.