Tuy đã bị phản ánh khá nhiều trên các kênh truyền thông nhưng hành vi điều khiển xe đạp vào đường cao tốc vẫn tiếp diễn.
Nội dung chính
Tiếp diễn hành vi điều khiển xe đạp trên cao tốc
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện những hình ảnh, video về hành vi đi xe đạp lên đường cao tốc (đường cấm xe đạp) khiến người dùng phẫn nộ.
Mới đây, một hình ảnh ghi lại hiện trường vụ va chạm trên một tuyến cao tốc đã khiến nhiều người phải “ngán ngẩm”. Theo đó, có thể thấy nhóm người điều khiển xe đạp dừng lại xung quanh một người phụ nữ đang nằm trên đường. Theo dự đoán của cộng đồng mạng, có thể người phụ nữ này đã va quẹt với một phương tiện khác và ngã ra đường hoặc gặp vấn đề về sức khỏe đột ngột nên không thể tiếp tục di chuyển.
Tuy nhiên, dù lý do là gì thì hành vi điều khiển xe đạp ở trên đường cấm cũng là sai, có nguy cơ gây nguy hiểm cho bản thân và các phương tiện khác.
Trước đó khoảng vài ngày, một đoạn video được ghi lại trên cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ cho thấy một người đi xe đạp suýt gây ra tai nạn nghiêm trọng. Đáng nói hơn, thời điểm người này điều khiển xe đạp đi trên cao tốc trời còn tối và khu vực diễn ra vụ việc cũng không có hệ thống đèn đường chiếu sáng.
May mắn là tài xế ô tô đã đánh lái kịp thời nên không có thiệt hại nào xảy ra.
Cộng đồng mạng nói gì?
Bên dưới phần bình luận, đa phần người xem đều tỏ ra “sốc” và bất bình với hành động đi xe đạp coi thường pháp luật, cho rằng như vậy sẽ chỉ “mang thiệt vào thân”.
Tài khoản tên L.H cho biết: “Biết là thể dục thể thao rất tốt, nhưng mà lại coi thường chính tính mạng của mình”. Người có tài khoản T.M cảm khái: “Đường cao tốc mà đi như thế này thì có khác gì tự sát!”.
Ngoài ra, cũng có nhiều ý kiến cho rằng cần xử phạt thật nghiêm đối với những hành vi đáng lên án như đi xe đạp lên cao tốc.
Xe đạp có được phép đi lên cao tốc không?
Khoản 12 Điều 3 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định: “Đường cao tốc là đường dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt; không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác; được bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình và chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định”.
Bên cạnh đó, khoản 4 Điều 26 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định các phương tiện không được lưu thông trên đường cao tốc, bao gồm: người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h không được đi vào đường cao tốc.
Như vậy, theo quy định pháp luật xe đạp được phân vào loại phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (khoản 19 Điều 3 Luật giao thông đường bộ 2008) nên sẽ không được đi vào đường cao tốc (trừ trường hợp phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.
Đi xe đạp lên cao tốc có thể phải nhận hình thức xử phạt nào?
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021/ NĐ-CP:
Người đạp xe đạp vào đường cao tốc mà không phải người thực hiện quản lý, bảo trì đường cao tốc sẽ bị xử phạt hành chính từ 400.000 - 600.000 đồng.
Ngoài ra, nếu có căn cứ chứng minh rằng người thực hiện hành vi này gây ra thiệt hại nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về giao thông đường bộ” tại Điều 260 Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 và phải bồi thường thiệt hại nếu có.
Một chuyên gia về giao thông cho biết ngay từ đầu đường cao tốc đã có biển cấm thông báo rất rõ ràng.Do đó, không thể nói những người đi xe đạp không biết gì.Cần có những hình phạt mạnh tay hơn nữa như tịch thu phương tiện hay nâng mức phạt lên gấp nhiều lần đối với những trường hợp cố tình vi phạm.