Nhà máy mới này của Mercedes-Benz sẽ thu hồi đủ nguyên liệu thô để sản xuất 5.000 viên pin điện mỗi năm.
Theo trang Autocar, cơ sở mới của Mercedes-Benz tại Küppenheim, miền nam nước Đức, sẽ thu hồi các vật liệu như lithium, cobalt và nickel từ các viên pin điện hiện có để sử dụng trong việc sản xuất các tế bào pin mới.
Quy trình của Mercedes bao gồm tách nhôm, đồng, sắt và nhựa có trong mỗi viên pin, sau đó sử dụng dung dịch để thu hồi các kim loại quý từ phần "khối đen" còn lại ở các điện cực. Khối này sẽ được hòa tan thành dung dịch lỏng và lọc để tách rời than chì, sắt và nhôm, trước khi được trung hòa bằng amoniac và hydrogen peroxide.
Sau đó, nó được xử lý bằng axit sulfuric, amoniac và dung môi hữu cơ, tạo ra các sulfat của đồng, cobalt, mangan, nickel và lithium. Cobalt và nickel được kết tinh trước khi được thu hồi.
Khi hoạt động hết công suất nhà máy sẽ sản xuất 2.500 tấn vật liệu tái chế, đủ để chế tạo 50.000 mô-đun pin (tương đương 5.000 viên pin điện) mỗi năm.
Nhà máy cũng tiêu tốn ít năng lượng hơn so với các quy trình luyện kim truyền thống (như nấu chảy), giúp cơ sở ở Küppenheim hoạt động theo hướng trung hòa carbon.
Để đạt được điều này, nhà máy sẽ hoàn toàn sử dụng năng lượng tái tạo, với mái nhà được lắp đặt hệ thống pin mặt trời có khả năng cung cấp lên đến 350 kW.
“Chúng tôi hiện đang cố gắng sử dụng năng lượng bền vững tại Küppenheim,” ông Jörg Burzer, thành viên hội đồng quản trị của Mercedes phụ trách sản xuất, chất lượng và quản lý chuỗi cung ứng cho biết. “Công nghệ đổi mới này cho phép chúng tôi thu hồi các nguyên liệu thô quý giá với mức độ tinh khiết cao nhất có thể từ pin. Điều này biến các viên pin ngày nay thành mỏ nguyên liệu bền vững trong tương lai.”
Phát biểu tại buổi lễ khai trương nhà máy, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết: "Toàn thế giới đang nói về việc giảm rủi ro và bảo đảm nguồn nguyên vật liệu – còn cách nào tốt hơn là tái sử dụng các nguyên liệu đó?"
Nhà máy Küppenheim được hỗ trợ bởi công ty tái chế pin Primobius cũng như Bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu của Đức.