Hiện tại, các đội bóng và Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam vẫn đang thảo luận để tìm hướng đi tốt nhất cho mùa giải bóng chuyền trong nước vào năm sau.
Kết thúc mùa giải bóng chuyền VĐQG 2022 vừa rồi, Liên đoàn BCVN đã chính thức đề xuất những phương án tổ chức mới nhằm nâng cao chất lượng giải trong những mùa sau.
Cụ thể hơn, sẽ có 6 phương án tổ chức mà Liên đoàn có thể áp dụng trong mùa giải 2023. Mặc dù có những điểm khác nhau, tuy nhiên điểm chung của các phương án là sẽ diễn ra trong 2 giai đoạn, từ tháng 1 đến tháng 5 và từ tháng 10 đến tháng 12.
Trong chiều qua (4/8), Ban Thường vụ của Liên đoàn BCVN đã tổ chức cuộc họp và đưa ra quyết định liệu phương án nào sẽ là tối ưu và khả thi nhất. Hầu hết các ý kiến đều lựa chọn phương án 1.
Phương án 1: Gồm 10 đội nam và 10 đội nữ, thi đấu tập trung, chia nhỏ giai đoạn vào các ngày cuối tuần để phục vụ người hâm mộ.
- Giai đoạn 1: thi đấu vòng tròn 2 lượt từ tháng 1 đến tháng 5, sau đó tính tổng điểm cả 2 vòng để xếp hạng lần lượt từ 1-10. Hai đội xếp cuối sẽ thi đấu vòng chung kết giải hạng A cùng 6 đội nam và 6 đội nữ vượt qua vòng bảng giải hạng A trong cùng năm. Hai đội nhất, nhì sẽ được lên chơi tại giải VĐQG.
- Giai đoạn 2: thi đấu vòng tròn 1 lượt và đấu chéo ở vòng chung kết từ tháng 10 đến tháng 12.
Mặc dù vậy, Liên đoàn giao nhiệm vụ cho Phó chủ tịch Trần Đức Phấn và thư ký Lê Trí Trường tìm hiểu về nguyện vọng của các CLB nhằm sớm ban hành điều lệ.
Được biết, nếu hoạt động một cách tích cực, phương án tổ chức cho giải bóng chuyền VĐQG 2023 sẽ sớm được quyết định trước Đại hội TDTT Toàn quốc vào tháng 11.
Nếu áp dụng phương án 1, vấn đề chi phí sẽ trở nên nan giải với nhiều đội bóng nghèo khi phải thi đấu nhiều trận và thời gian thi đấu kéo dài hơn.
Tuy nhiên, đây cũng là cách giúp bộ môn bóng chuyền phổ biến rộng rãi hơn và quan trọng hơn, giúp nâng cao trình độ chuyên môn của các VĐV khi thời gian cọ xát nhiều hơn hẳn.