Từ một vận động viên đầy triển vọng bỗng nhiên mất một chân vào năm 2017 thế nhưng nghị lực sống đã giúp cô dùng chân giả để chơi thể thao và gặt hái được những thành công mà nhiều người mơ ước.
Với 5 triệu lượt thích và 204.000 người theo dõi trên TikTok, hợp đồng với một trong những công ty thể thao lớn nhất Vương quốc Anh, Milly Pickles đã tự giúp mình trở thành siêu sao trên mạng internet. Cô đã trải qua một chặng đường dài trong 4 năm kể từ vụ tai nạn đã hoàn toàn thay đổi cuộc đời cô.
Vào ngày 29/09/2017, khi còn là một sinh viên tại Đại học Bournemouth, Milly đã bị điện giật. Dòng điện lên tới 750V khiến cô bị thương nặng và phải chiến đấu để giành giật sự sống. May mắn thay, các bác sĩ đã cứu sống cô, nhưng điều đó đồng nghĩa với việc chân phải của Milly bị cắt cụt và cô phải tạm ngừng tình yêu dành cho thể thao của mình. Cô cũng bị mất ngón chân cái ở bàn chân trái khi dòng điện chạy từ chân phải, qua xương chậu và xuống cả chân trái của cô. May mắn thay, cột sống của Milly không bị tổn thương, mặc dù kích thước giày của cô đã giảm từ 7 xuống còn 4 rưỡi!
Sau 20 cuộc phẫu thuật và phải nằm viện hai tháng rưỡi, cuối cùng cô đã được phép về nhà để tiếp tục hồi phục. Mặc dù ban đầu phải ngồi xe lăn nhưng sự quyết tâm và dũng cảm đã giúp cô có thể đứng và đi lại trước kế hoạch. Trên thực tế, với chiếc chân giả của mình, Milly thậm chí còn trở thành đội trưởng của đội bóng lưới (Netball) địa phương.
Từng chơi bóng vợt tại trường đại học và là một người hâm mộ thể thao cuồng nhiệt, các đồng đội của cô đã bắt đầu gây quỹ để mua một chiếc chân giả trị giá tới 6000 bảng Anh và không có sẵn trên Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS). Trong vòng chưa đầy ba tháng, họ đã đạt được mục tiêu 3000 bảng Anh trên nền tảng JustGiving. Điều này đã giúp Milly mua được chiếc lưỡi dao giả đầu tiên của mình và bắt đầu hành trình học chạy và chơi thể thao trở lại.
Cô cũng cầm máy ảnh lên và bắt đầu tự quay phim. Trước hết, Milly đăng thông tin về cuộc sống khi là một người cụt chân và một vận động viên khuyết tật, sau đó cô quay cảnh mình học chạy sau khi lắp chân giả vào tháng 11. Milly nói với The Telegraph rằng cô thấy hầu như không có người dùng chân giả nào đăng video lên mạng.
Ban đầu cô chỉ nhận được một vài bình luận, nhưng việc tận tâm đăng bài mỗi ngày và trả lời các câu hỏi từ người hâm mộ đồng nghĩa với việc lượng khán giả của Milly nhanh chóng tăng lên. Cô bắt đầu hoạt động trên tài khoản TikTok vào tháng 3 năm 2020 trong suốt lệnh phong tỏa đầu tiên. Đến cuối năm đó, Milly đã có trên 200.000 người theo dõi và con số đó vẫn đang tiếp tục tăng lên.
Những câu chuyện như thế này sẽ khiến thương hiệu lớn chú ý, cô được chọn là vận động viên khuyết tật đầu tiên hợp tác với công ty GymShark. Việc Milly đăng những thành công và thất bại của mình lên mạng cho thấy cô mong muốn rèn luyện và truyền cảm hứng cho nhiều người.
Milly trò chuyện với The Telegraph: "Nhiều người nói với tôi rằng 'Bạn đã làm tôi cảm thấy tốt hơn bởi vì tôi có thể phải mất chân. Và bạn đã làm tôi nhận ra rằng cuộc sống thật tươi đẹp, và điều đó không sao cả". Tôi thực sự hạnh phúc khi biết rằng mình có thể giúp đỡ mọi người và mang đến niềm an ủi”
Các bài đăng của Pickles không chỉ truyền cảm hứng cho những người khuyết tật mà còn chấn chỉnh những người có thông tin sai lệch. Với lượng người hâm mộ ngày càng tăng và chỉ mới lắp chân giả được vài tháng, Milly đang cải thiện hàng tuần và nhắm mục tiêu quay trở lại với những cuộc đua tài thể thao.