Quảng cáo

Bóng đá không cần những gã đồ tể

Lê Minh Tuấn Lê Minh Tuấn
Thứ tư, 24/03/2021 16:38 PM (GMT+7)
A A+

Khi Ramsey cũng như Hùng Dũng hứng chịu cú tắc bóng khủng khiếp từ đối thủ, bóng đá không còn đẹp như mục đích mà nó được tạo ra.

Tháng 2 năm 2010, Aaron Ramsey phải hứng chịu một trong những chấn thương kinh hoàng nhất lịch sử giải Ngoại hạng Anh. Từ một pha bóng 50/50, Ryan Shawcross đá thằng vào ống đồng tiền vệ trẻ người xứ Wales. Hệ quả, cẳng chân phải của Ramsey gãy làm đôi, anh rời sân với bình thở oxy cùng sự nghiệp lụi tàn theo năm tháng.

“Tôi nghe thấy tiếng xương ở chân của Ramsey bị vỡ tan. Khoảnh khắc nghe tiếng la hét của cậu ấy, tôi không còn muốn ở trong trận đấu này nữa”, Dave Kitson, cầu thủ dự bị của Stoke ngày hôm ấy chia sẻ với The Sun.

Ramsey
Ramsey gãy cẳng chân sau pha triệt hạ của Shawcross. Ảnh: Getty

Thay vì bảo vệ đồng đội hoặc đưa ra những lời bào chữa như Shawcross đã làm, Kitson bày tỏ sự ân hận dù không tham gia trận đấu hôm đó. Cầu thủ dự bị của Stoke sau đó rời Stoke ngay trong năm 2010.

“Trong khoảnh khắc ấy, tôi biết tôi không còn muốn chơi bóng cho đội bóng này. Tôi muốn trở thành cầu thủ bóng đá nhưng không phải theo cách ấy. Cuộc sống còn nhiều điều tuyệt vời hơn.

Khi chứng kiến cách Wenger nhìn Ramsey, tôi cảm nhận đó là ánh mắt của người cha dành cho đứa con trai. Ông ấy cũng quay sang nhìn tôi và tôi hoàn toàn xấu hổ, chỉ vì là người của đội bóng này.”

Dave Kitson tiếp tục chỉ trích lối chơi tiêu cực mà HLV Tony Pulis áp dụng cho Stoke City: “Tôi chưa bao giờ thấy một HLV nào muốn thắng một trận bóng đến mức mất kiểm soát như ông ấy.

Ông ấy khiến phòng thay đồ tràn ngập sự hung hãn, có rất nhiều câu chửi thề và các cầu thủ buộc phải giành chiến thắng bằng mọi giá.

Tôi công nhận Pulis là HLV giỏi, vì ông ấy có được những chiến thắng. Ông ấy đã thành công với lối chơi của mình, còn tôi thì chọn cách rời khỏi CLB. Tôi không muốn là một phần của đội bóng này”.

Cú sút kiểu triệt hạ của Ryan Shawcross khiến Aaron Ramsey – khi ấy 20 tuổi – gãy xương mác và xương chày. Tuyển thủ xứ Wales phải rời xa sân cỏ 8 tháng và chưa bao giờ trở lại là chính mình.

Chấn thương của Ramsey năm 2010 giống hệt những gì Đỗ Hùng Dũng phải nhận ở trận gặp TP HCM, còn Shawcross hay CLB Stoke năm ấy nhìn chung có nét giống Hoàng Thịnh và những cầu thủ thi đấu kiểu "đồ tể", những người khiến V-League từng một thời bị gán với biệt danh "Võ League".

Ryan Shawcross bào chữa đó là tình huống anh chủ đích phá bóng, còn sự quyết liệt là một phần lối chơi của cầu thủ này, là cách chơi của Stoke City. Nhưng Shawcross hay Stoke thừa hiểu những nguy hiểm với đối thủ của họ, nhưng họ vẫn bất chấp “trình diễn” lối chơi đáng sợ đó, chỉ để đổi lấy một chiến thắng xấu xí.

Sau pha bóng năm 2010, Shawcross tiếp tục đóng vai “đồ tể” trên sân, để rồi 9 năm sau khi gieo nỗi kinh hoàng cho Ramsey, hậu vệ của Stoke tự tay phá hủy sự nghiệp của mình với một pha tắc bóng sai của chính anh. Cổ động viên gọi đó là quả báo.

Hoàng Thịnh mới đây cũng đã nhận án phạt nặng, kèm theo vô vàn sự chỉ trích đến từ cổ động viên. Nhưng còn Ramsey, Hùng Dũng hay rất nhiều cầu thủ là nạn nhân của lối đá bạo lực, công lý có lẽ chẳng bao giờ đến với họ.

Kitson
Kitson không còn muốn chơi cho Stoke sau pha phạm lỗi của Shawcross. Ảnh: getty

Dave Kitson thà rời Stoke để xuống chơi cho đội bóng hạng dưới, còn hơn phải chơi bóng cho CLB mang tư tưởng triệt hạ đối phương. Điều đó có nghĩa bất cứ cầu thủ nào cũng có quyền lựa chọn cách chơi của mình, để không bao giờ phải cảm thấy hối hận.

Thay vì triệt hạ, xin lỗi rồi chịu phạt, các cầu thủ nên thay đổi thứ bóng đá của mình từ trong tư duy, đừng để môn thể thao vua trở thành trò chơi của những gã đồ tể.

Hùng Dũng muốn NHM thông cảm và động viên Hoàng Thịnh

VIDEO: HLV Park Hang Seo nắm tay an ủi Đỗ Hùng Dũng (Nguồn: CLB Hà Nội)
hùng dũng chấn thương chấn thương kinh hoàng ramsey chấn thương
Xem thêm