Các hãng xe đã phản ứng khác nhau trước mức thuế của Liên minh châu Âu đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm việc tăng giá cũng như xây dựng nhà máy mới tại EU.
Theo tờ Drive, các nhà sản xuất ô tô đã phản ứng sau khi mức thuế lên đến 37,6% được áp dụng đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc vào châu Âu – cộng thêm vào mức thuế nhập khẩu hiện tại là 10%.
Liên minh châu Âu đã áp đặt thuế lên các phương tiện từ quốc gia tỷ dân để đối phó với sự tràn ngập của xe điện giá rẻ được sản xuất với các khoản trợ cấp từ chính phủ Trung Quốc.
Tuy nhiên, thuế nhập khẩu hiện tại đang được coi là tạm thời trong khoảng thời gian bốn tháng trong khi các cuộc đàm phán giữa các quan chức chính phủ và các bên liên quan vẫn tiếp tục.
Tesla – nhà nhập khẩu xe điện lớn nhất từ Trung Quốc vào châu Âu – cho biết họ sẽ buộc phải tăng giá Model 3 do mức thuế mới.
SAIC Motor – công ty nhà nước của Trung Quốc, sở hữu chín thương hiệu xe hơi – cho biết sẽ yêu cầu một phiên điều trần với Ủy ban châu Âu, tuyên bố rằng cơ quan chính phủ này "đã bỏ qua một số thông tin và phản biện được SAIC đưa ra trong quá trình điều tra," theo một tuyên bố cung cấp cho Reuters.
Trong khi các mẫu xe của công ty này sẽ phải chịu mức thuế nhập khẩu cao nhất là 37,6%, một phát ngôn viên của SAIC Motor nói với Reuters rằng họ có đủ xe tồn kho "để duy trì đến tháng 11 mà không cần tăng giá".
Ngoài mức thuế nhập khẩu hiện tại là 10%, BYD sẽ phải chịu thêm mức thuế 17,4% – tuy nhiên các mức thuế này có thể ngắn hạn, khi nhà sản xuất Trung Quốc thông báo kế hoạch xây dựng nhà máy ở Hungary, cùng một nhà máy thứ hai được cho là đang lên kế hoạch ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Chery đã thông báo về một liên doanh mới với EV Motors ở Tây Ban Nha, với một cơ sở sản xuất thứ hai đang phát triển để đáp ứng kế hoạch của họ.
Polestar, thương hiệu xe điện chị em của Volvo – thuộc sở hữu của “ông lớn” xe hơi Trung Quốc Geely – nói với Reuters rằng họ sẽ thực hiện "các biện pháp giảm thiểu" để bù đắp mức thuế, chẳng hạn như giảm chi phí chuỗi cung ứng.
Great Wall Motors (GWM) chưa công khai phản hồi về các mức thuế, nhưng trước đó đã nói với Automotive News Europe rằng họ có kế hoạch xây dựng một nhà máy tại châu Âu.
Một thương hiệu xe điện Trung Quốc khác, Nio, đã cảnh báo rằng họ có thể phải tăng giá các mẫu xe của mình vào cuối năm nay, với mức thuế 20,8% được áp dụng.
BMW – nhà sản xuất xe Mini chạy điện tại Trung Quốc, đang phải đối mặt với mức thuế 20,8% – đã phản đối mức thuế nhập khẩu.
"Điều này không tăng cường tính cạnh tranh của các nhà sản xuất châu Âu," CEO BMW Oliver Zipse nói.
"Ngược lại, nó không chỉ gây hại cho mô hình kinh doanh của các công ty hoạt động toàn cầu, mà còn hạn chế nguồn cung cấp xe điện cho khách hàng châu Âu và do đó có thể làm chậm quá trình hướng tới trung hòa carbon trong ngành vận tải.
"Những biện pháp như vậy xâm phạm mạnh mẽ nguyên tắc thương mại tự do, mà Liên minh châu Âu thường xuyên tuyên truyền."
Chính phủ Trung Quốc đã nói rằng họ sẽ thực hiện "mọi biện pháp cần thiết" để bảo vệ lợi ích của đất nước, điều này có thể bao gồm các mức thuế trả đũa đối với các mặt hàng sản xuất tại châu Âu như rượu và thịt lợn.
"Chúng tôi kêu gọi Liên minh châu Âu tuân thủ cam kết hỗ trợ thương mại tự do và chống lại chủ nghĩa bảo hộ, và hợp tác với Trung Quốc để bảo vệ tình hình chung của hợp tác kinh tế và thương mại Trung Quốc - EU," phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết vào tháng trước.