Liên tục lọt top 5 trong nhiều mùa giải gần đây, thế nhưng Biên Phòng vẫn cần cải thiện nhiều điều nếu muốn quay lại ngai vàng lần nữa của làng bóng chuyền nam Việt Nam.
Kết thúc mùa giải bóng chuyền VĐQG 2022, bóng chuyền nam Biên Phòng đứng ở vị trí thứ 5 chung cuộc. Đây là thành tích khá tốt với một đội bóng chủ yếu là những cầu thủ trẻ.
Bộ khung cho mùa giải năm nay vẫn là những cái tên trụ cột như Văn Hiệp, Ngọc Thuân, Minh Đức. Ngoài ra, đội còn bổ sung thêm 2 bản hợp đồng là Trần Văn Cường (từ Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động) và đặc biệt là đương kim HCV SEA Games Hernanda Zulfi (Indonesia).
Mặc dù được đánh giá là một đội bóng mạnh, thành tích khá ổn định, thế nhưng bóng chuyền nam Biên Phòng vẫn chưa thể có cơ hội lọt vào chung kết giải VĐQG.
Kể từ chức vô địch lần cuối vào năm 2011 dưới cái tên Sacombank Biên Phòng, đội bóng này vẫn chưa hiện thực hóa được giấc mơ lên ngôi cao nhất thêm một lần nữa. Thành tích tốt nhất từ sau 2011 là vị trí thứ 3 vào năm 2016.
Nhìn vào những trận đấu của mùa giải năm nay, có thể thấy điểm yếu rõ nhất của Biên Phòng chính là tâm lý thi đấu. Với hầu hết những VĐV trên sân là những cầu thủ trẻ, do đó đội bóng thiếu một thủ lĩnh dày dặn kinh nghiệm để dẫn dắt đàn em.
Gặp những đối thủ mạnh như Sanest Khánh Hòa hay Tràng An Ninh Bình, đội bóng quân đội đã thi đấu vô cùng bùng nổ và luôn dẫn trước, thế nhưng việc kiểm soát tâm lý toàn trận chưa tốt khiến Văn Hiệp và các đồng đội đánh rơi chiến thắng, đặc biệt là trận thua đáng tiếc trước nhà ĐKVĐ tại tứ kết giải VĐQG 2022.
Bài toán nhà tài trợ cũng là điều đau đầu với BHL của đội bóng. Mùa giải 2011, với sự giúp sức không nhỏ từ nhà tài trợ là ngân hàng Sacombank, đội bóng này có sự bổ sung đội hình thi đấu chất lượng, qua đó vô địch một cách thuyết phục.
Ngoài ra, vấn đề nhân sự khi thi đấu cũng là điều đáng lo lắng. Hầu hết dàn chính thi đấu trên sân phải thi đấu xuyên suốt toàn giải, và nếu thi đấu kém hiệu quả thì dàn dự bị cũng khó thay đổi cục diện khi chênh lệch về trình độ khá lớn.
Những mùa giải gần đây, Biên Phòng không có nhà tài trợ, điều này khiến mức thu nhập của các VĐV toàn đội không cao. Việc có nguồn xã hội hóa sẽ giúp đội bóng này có nguồn kinh phí hỗ trợ các VĐV và thuê các cầu thủ chất lượng hơn.
Trong tương lai, nếu khắc phục những vấn đề trên, cùng với tiềm lực dàn sao trẻ xuất sắc sẵn có, Biên Phòng hoàn toàn có thể quay trở lại thời hoàng kim như trước đây.