Quảng cáo

Turbo là gì? Nguyên lý hoạt động và 7 lưu ý khi sử dụng

Thứ ba, 11/04/2023 10:42 AM (GMT+7)
A A+

Turbo tăng áp, hay Turbocharger là 1 thiết bị được vận hành bởi luồng khí thải của động cơ, giúp tăng sức mạnh của động cơ mà không cần phải tăng dung tích xy lanh. Cùng tìm hiểu cụ thể về khái niệm của Turbo, các ưu nhược điểm và các lưu ý khi sử dụng động cơ Turbo ngay trong bài viết dưới đây.

Động cơ Turbo là gì?

Turbo tăng áp, hay còn gọi là Turbocharger, là một thiết bị cảm ứng cưỡng bức, được gắn vào họng xả của động cơ. Có tác dụng đưa thêm không khí nén vào buồng đốt động cơ, từ đó giúp tăng công suất của động cơ mà không cần tăng dung tích xi lanh. 

Turbo là gì
Động cơ Turbo

Cụ thể hơn, Turbo là một thiết bị giúp nhồi không khí nén vào động cơ, tạo nên áp suất tăng từ 1,4 đến 1,5 lần, làm cho nhiên liệu được đốt cháy trong một khoảng thời gian ngắn hơn. Kết quả là giúp tăng hiệu suất hoạt động của động cơ lên từ 30 đến 40% mà không cần tăng thể tích buồng đốt.

Về mức tiêu thụ nhiên liệu, lấy ví dụ với động cơ 1.6 Turbo, thì ta sẽ có công suất bằng hoặc hơn động cơ 2.4L thông thường, nhưng mức tiêu thụ xăng sẽ chỉ ngang với động cơ 2.0L.

Cấu tạo động cơ Turbo

STT

Bộ phận

Mô tả

Chức năng

1

Trục Turbo

Bộ phận nối liền giữa cánh quạt nén khí và cánh quạt Tuabin (cánh quạt đón dòng khí thải động cơ).

Dẫn truyền động năng từ quạt Tuabin sang quạt nén khí.

2

Cánh quạt Tuabin

Là cánh quạt được gắn trực tiếp vào trục Turbo, nằm bên trong vỏ nén khí.

Tiếp nhận dòng khí thải từ động cơ, làm quay trục Turbo, từ đó làm chuyển động cánh quạt nén khí.

3

Cánh quạt nén khí

Là bộ phận được gắn ở đầu còn lại của trục Turbo, nằm bên trong vỏ hút khí. 

Quạt nén khí chuyển động với tốc độ cao, hút không khí sạch rồi nén chúng ở áp suất cao, đưa vào bên trong buồng đốt.

4

Vỏ hút khí

Là bộ phận có thiết kế hình xoắn ốc, bao bọc quanh lấy phần quạt nén khí.

Giúp tạo ra và định hướng đường đi của dòng khí nén.

5

Vỏ nén khí

Là bộ phận hình xoắn ốc, bao bọc lấy quạt Tuabin, với của xả hướng ra ngoài.

Có tác dụng tiếp nhận luồng khí xả từ động cơ, dẫn động chúng làm quay cánh quạt và đưa luồng khí thải ra bên ngoài.

6

Ổ bi đỡ

Bộ phận được thiết kế ở 2 đầu của trục Turbo.

Chúng vừa là bộ phận nâng đỡ, cố định trục động cơ, vừa là bộ phận giúp giảm ma sát, tăng tốc độ quay của quạt và trục.

7

Bộ phận làm mát

Là bộ phận kết nối trực tiếp với Turbo.

Sử dụng hệ thống làm mát bằng bằng không khí, làm giảm nhiệt độ của khí nén trước khi đưa vào buồng đốt.

Turbo là gì
Cấu tạo động cơ Turbo

Nguyên lý hoạt động của động cơ Turbo

Nguyên lý hoạt động của Turbo tăng áp là tối ưu hóa nguồn năng lượng từ khí xả, để dẫn động Tuabin quay máy, bơm không khí vào buồng đốt. Bộ Turbo tăng áp gồm 2 thành phần chính, là Tuabin và bộ nén khí, chính là hai cánh quạt được gắn trên 2 đầu trục Turbo. 

Khí xả của động cơ được dẫn tới, làm xoay cánh quạt Tuabin, sau đó làm quay trục Turbo và xoay cánh quạt ở đầu kia, theo cơ chế ngược lại. Không khí sạch sau đó sẽ được hút và nén vào khoang nạp khí của động cơ, tăng hiệu suất đốt cháy nhiên liệu, đồng thời tăng công suất hoạt động của động cơ. 

Turbo được lắp ở ngay cửa xả khí của động cơ, vì vậy để tránh dòng khí thải bị dội ngược lại vào buồng đốt, hệ thống đã được trang bị thêm hệ thống van an toàn.

Turbo là gì
Nguyên lý hoạt động của Turbo

Các loại Turbo

Trên thực tế, có 3 loại Turbo phổ biến đó là:

  • Single Turbo: Đây là loại Turbo tăng áp đơn, có cấu tạo truyền thống và cũng là loại Turbo được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Chúng có ưu điểm là lắp đặt đơn giản , hiệu suất cao, phù hợp với các động cơ nhỏ.
Turbo là gì
Single Turbo
  • Twin-scroll Turbo: Hay còn gọi là Turbo tăng áp cuộn kép, là loại Turbo được trang bị cho động cơ đốt trong, nhưng thay vì 1 ống Tuabin, nó được trang bị tới 2 ống. 2 ống Tuabin được nối trực tiếp với 2 ống xả riêng biệt. Loại Turbo này thường được sử dụng cho các động cơ từ 4 xi lanh trở lên, tận dụng tối đa lượng khí thải từ động cơ.
Turbo là gì
Twin-scroll Turbo
  • Twin-Turbo/Bi-Turbo: Turbo tăng áp kép là hệ thống cùng lúc được trang bị 2 bộ Turbo truyền thống, thường được sử dụng cho các động cơ V6, V8,...
Turbo là gì
Bi-Turbo

Ưu nhược điểm của động cơ Turbo

Bên cạnh những ưu điểm nổi bật so với dòng động cơ thông thường, động cơ tăng áp Turbo vẫn còn tồn tại một số nhược điểm nhỏ.

Ưu điểm: 

  • Tăng sức mạnh cho động cơ: Để tạo ra cùng 1 công suất, xe được trang bị Turbo sẽ chỉ cần một động cơ với dung tích buồng đốt nhỏ hơn.
  • Tiết kiệm nhiên liệu: Turbo tạo ra công suất lớn hơn động cơ thường, với cùng một lượng nhiên liệu.

Nhược điểm:

  • Chi phí cao hơn: Những dòng xe được trang bị động cơ Turbo sẽ có giá thành cao hơn đáng kể so với động cơ thường.
  • Động cơ nóng hơn: Turbo tạo ra một lượng nhiệt khá lớn khi xử lý lượng khí thải động cơ. Chính vì thế, những dòng xe được trang bị Turbo cũng được trang bị bộ tản nhiệt lớn và mạnh mẽ hơn. 
  • Tốn dầu hơn: Turbo có khả năng quay tới 250.000 vòng/phút, chính vì vậy nên sẽ cần lượng dầu dồi dào, liên tục. Xe sẽ cần trang bị máy bơm dầu lớn hơn, hệ thống tản nhiệt dầu riêng biệt, và thay dầu thường xuyên hơn. 
Turbo là gì
Động cơ Turbo

7 lưu ý cho xe sử dụng động cơ Turbo

Dưới đây là những lưu ý cho xe sử dụng động cơ Turbo, giúp đảm bảo yếu tố an toàn và duy trì tuổi thọ cho động cơ xe.

1. Hạn chế việc di chuyển ngay sau khi nổ máy

Do Turbo sử dụng dầu bôi trơn chung với động cơ, nên tại thời điểm nổ máy, dầu đang nguội, đặc và lưu chuyển khá chậm. Vì vậy, nên cho xe nổ máy từ 2 - 3 phút trước khi lăn bánh, để tạo nhiệt độ lý tưởng để lưu chuyển dầu, bôi trơn các chi tiết.

2. Không tắt máy ngay sau khi dừng

Đối với động cơ tăng áp, nên hạn chế tắt máy ngay sau khi dừng xe. Bởi với động cơ tăng áp, nhiệt độ sinh ra rất cao, và dầu nhớt sẽ bị hấp thụ nhiệt từ động cơ. Nếu tắt động cơ đột ngột khi vẫn còn đang nóng, dầu sẽ không được lưu chuyển mà chỉ tiếp xúc cục bộ ở một số vị trí, việc này khiến dầu bị biến chất nhanh hơn. 

3. Chú ý khi xe vào cua

Bộ Turbo tăng áp sẽ có độ trễ nhất định khi tăng tốc, dễ khiến dẫn đến hiện tượng thiếu lái hoặc dư lái khi vào cua, dẫn đến xe bị trượt, mất kiểm soát. 

4. Sử dụng xăng có chỉ số octane đúng khuyến cáo

Người dùng nên sử dụng loại xăng có chỉ số octane đúng khuyến cáo, nếu không, xe có thể sẽ bị kích nổ nhiên liệu sai thời điểm, ảnh hưởng đến tuổi thọ của động cơ và bộ turbo tăng áp.

5. Thay lọc xăng đúng hạn

Bộ tăng áp Turbo quay bằng khí xả từ động cơ, do đó rất nhạy cảm với chất lượng khí xả. Nêu lọc xăng bị lẫn bẩn, xăng bị nhiễm tạp chất, sẽ lọt vào buồng đốt, làm tỉ lệ hỗn hợp xăng và không khí bị sai lệch. Ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng khí xả, gây hại không nhỏ cho Turbo.

6. Bảo dưỡng hệ thống làm mát khí nạp định kỳ

Hệ thống làm mát khí nạp tăng áp Turbo cần được bảo dưỡng sau mỗi 160.000 k hoặc sớm hơn. Bên cạnh đó cũng nên kiểm tra hệ thống làm mát và thay nước làm mát ô tô thường xuyên.

7. Kiểm tra hệ thống đường dẫn khí cao áp định kỳ

Nhiều trường hợp hệ thống Turbo tăng áp bị lỗi do hệ thống đường dẫn khí cao áp gặp trục trặc, ảnh hưởng đến lượng khí nạp vào động cơ. Lúc này, Turbo sẽ phải làm việc với công suất lớn hơn để bù vào. Do đó, nên kiểm tra hệ thống đường dẫn khí cao áp định kỳ để xử lý kịp thời nêu xảy ra rò rỉ. 

Trên đây là toàn bộ thông tin, kiến thức về động cơ tăng áp Turbo, hy vọng thông tin là hữu ích với bạn.

Author Thethao247.vn Thùy Linh / Theo ArtTimes - Copy
Xem thêm
TIN NỔI BẬT