Hàng thủ ĐT Việt Nam: Những lỗ hổng chờ ông Park vá

15/10/2021 10:07 (GMT+7)

Sau những trận đấu đã qua tại vòng loại World Cup 2022, vấn đề của hàng phòng ngự ĐT Việt Nam đã được bộc lộ một cách rõ ràng hơn.

Những quả phạt đền oan nghiệt

Ai cũng hiểu HLV Park Hang Seo của ĐT Việt Nam ưu tiên hàng phòng ngự đến mức nào. Trong những đợt tập trung, luôn có số đông các hậu vệ đẳng cấp đang chơi bóng tại V-League được triệu tập. Tuy nhiên sau 4 lượt trận tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022, hàng phòng ngự của ‘Rồng Vàng’ lại để lộ ra nhiều khiếm khuyết khiến đội nhà phải nhận nhiều bàn thua không đáng có.

Có một sự thật là trong các trận đấu đã qua, ‘Những chiến binh sao Vàng’ phải chịu rất nhiều quả phạt đền với những pha phạm lỗi trái phép. Dù một phần nguyên nhân do VAR nhưng một phần nữa cũng đến từ chính các chàng trai thuộc binh đoàn áo đỏ. Lối chơi, con người hay đến chiến thuật, tất cả đang vận hành không quá trơn tru.

Thực chất, những bàn thua từ khoảng cách 11m đã đến với ĐT Việt Nam từ vòng loại thứ 2, nơi ‘Rồng Vàng’ chịu tới 3 quả phạt đền. Đầu tiên là ở trận gặp ĐT Thái Lan trên sân Mỹ Đình. May thay khi Văn Lâm hóa người hùng cản phá thành công và giúp cho đội chủ nhà giữ lại 1 điểm. Tiếp đến là trận gặp UAE và Malaysia hồi tháng 6 vừa qua.

VN10

Vấn đề ở đây là các học trò của HLV Park Hang Seo mắc nhiều lỗi sơ đẳng và ở vòng loại thứ 3 đã bộc lộ rõ ra điều đó. Bởi vậy mà các đội bóng hàng đầu Châu Á đã nhìn ra để rồi họ khai thác triệt để. Ngay lượt trận đầu tiên, ĐT Việt Nam đã phải chịu 2 quả phạt đền trong chuyến làm khách tới Saudi Arabia cùng với đó là Duy Mạnh bị truất quyền thi đấu.

Tương tự là trận gặp Oman, 2 tình huống phạm lỗi đến từ những cú vung tay một cách thừa thãi khiến cho binh đoàn áo đỏ bị VAR can thiệp và Văn Toản phải đối mặt với đối thủ trên chấm trắng. Tính đến thời điểm hiện tại, đội bóng thuộc dải đất hình chữ S đã nhận tới 7 quả đá phạt 11m, một con số chẳng ai muốn nhắc tới.

Bên cạnh đó, ‘Rồng Vàng’ không dưới 5 lần chịu những bàn thua tới từ những pha bóng bổng. Nó càng thể hiện rõ trước những đối thủ cao to tại vòng loại thứ 3. Chúng ta hoàn toàn có thể làm được tốt hơn trong những tình huống quyết định, sự tập trung phải được đặt lên hàng đầu và duy trì được tính ổn định.

Cảm xúc cần được tiết chế

Qua từng trận đấu, ĐT Việt Nam đã có những sự trưởng thành đáng nể từ lối chơi cho đến tinh thần. Các cầu thủ của chúng ta có sự điềm tĩnh và có đủ tỉnh táo khi cần thiết. Mặc dù vậy, ở nhiều thời điểm, các chàng trai áo đỏ lại bộc lộ cảm xúc quá mạnh khiến cho mọi thứ diễn ra không theo như ý muốn trước đó và khi nhận về những quyết định bất lợi, tâm lý dần trở nên căng thẳng hơn.

Điển hình trong đó có Duy Mạnh, người được khán giả nước nhà đặt biệt danh là Mạnh ‘gắt’ bởi cầu thủ này có những tình huống lăn xả ở các pha giải vây hay phản ứng một cách thái quá khi không bằng lòng. Lý giải cho điều đó, cầu thủ thuộc biên chế CLB Hà Nội nói rằng mình làm vậy với mục đích là bảo vệ cho đồng đội và giúp đội bóng không bị lép vế so với đội bạn.

Hơn hết, Duy Mạnh nên tiết chế cảm xúc cá nhân

Tuy nhiên, đó không phải là cách tốt nhất khi tiến đến vòng loại thứ 3. Tình huống bị truất quyền thi đấu trong trận gặp Saudi Arabia, Duy Mạnh là người hiểu rõ nhất. Trước khi trọng tài rút ra thẻ vàng thứ 2, trung vệ của ĐT Việt Nam đã có những phàn nàn và nhận 1 tấm thẻ vàng. Nên khi cầu thủ này bị ‘đuổi’ khỏi sân, nhiều khán giả của bóng đá Việt Nam cảm thấy khó hiểu cho quyết định của vị vua áo đen.

Nếu không có tấm thẻ đỏ gián tiếp đó, có lẽ cầu thủ sinh năm 1996 đã được thi đấu trận gặp Australia và tăng cường chất thép nơi hàng thủ. Và nếu Duy Mạnh không dơ tay quá cao thì binh đoàn áo đỏ có thể chỉ chịu thua với tỉ số tối thiểu hoặc nêu cao tinh thần để tìm được bàn gỡ.

Chính vì lý do hàng thủ không có sự tiết chế cần thiết mà đội trưởng Quế Ngọc Hải trong rất nhiều trận đấu đã phải hô hào đồng đội của mình giữ sự tập trung cùng một cái đầu lạnh. Đó là những gì mà Việt Nam cần phải phô diễn trước bạn bè quốc tế.

Đội tuyển Việt Nam: Có áp lực mới có kim cương

Thành Vinh
Daniel
Theo Tạp chí Người Đưa Tin - Copy 15.10.2021