Quảng cáo

Đăng kiểm xe ô tô và những lưu ý tài xế cần nắm rõ

Giang Ca Giang Ca
Thứ hai, 18/05/2020 12:00 PM (GMT+7)
A A+

Đăng kiểm là thủ tục bắt buộc đối với mọi loại xe ô tô trên thị trường hiện nay. Tuy nhiên khi đăng kiểm, tài xế cần lưu ý và nắm rõ những gì để đảm bảo quyền lợi cho tài sản của mình?

Mọi loại ô tô trên thị trường hiện nay đều phải thực hiện đăng kiểm tại Cục đăng kiểm sau khi hoàn thành thủ tục mua bán giữa các bên. Vậy khi đăng kiểm, chủ nhân của xe cần lưu ý và nắm rõ những điều gì để tránh "mang vạ" vào thân? Tham khảo ngay những chia sẻ sau đây để có thêm thông tin hữu ích:

Đăng kiểm nhằm mục đích gì?

Các cơ quan chức năng cần thực hiện đăng kiểm phương tiện để quản lý tình trạng xe cơ giới cũng như đảm bảo an toàn về vận hành và phát hiện. Đồng thời việc đăng kiểm này cũng giúp khắc phục nhanh chóng một số lỗi từ nhà sản xuất.

luu y khi dang kiem xe o to

Ngoài ra, đăng kiểm xe ô tô còn có mục đích giúp các cơ quan chức năng quản lý một số loại phí và hỗ trợ giám sát xe kinh doanh vận tải và xe vi phạm giao thông một cách chính xác và tổng quan hơn.

Làm gì khi đăng kiểm?

Khi đăng kiểm, nhân viên của các cơ quan đăng kiểm sẽ tiến hành kiểm tra các thông số về an toàn và vận hành, bảo vệ môi trường của xe. Điều này có nghĩa là nhân viên đăng kiểm sẽ không kiểm tra toàn bộ các hạng mục trong xe như nhiều chủ xe vẫn nghĩ từ trước đến nay.

Khi nào cần đăng kiểm?

Việc đăng kiểm xe sẽ được các chủ xe thực hiện trong những trường hợp sau:

- Xe mới, xe cũ đã hết hạn đăng kiểm

- Xe có thay đổi về mặt kết cấu

Trong trường hợp xe sang tên, di chuyển (thay đổi vùng) thì chủ xe chỉ cần làm lại giấy tờ nếu số đăng kiểm cũ còn hiệu lực mà không cần làm thủ tục khám xe.

Với những loại xe con từ 4 - 9 chỗ, lần đăng kiểm đầu tiên sẽ có thời hạn là 2,5 năm. Sau đó, cứ mỗi 1,5 năm (tới năm thứ 7 tính từ năm sản xuất), chủ xe cần mang xe đi đăng kiểm theo quy định.

Từ sau năm thứ 7 trở đi, định kỳ đăng kiểm cho xe sẽ giảm xuống còn 1 năm/lần. Đặc biệt từ sau năm thứ 12, thời gian đăng kiểm sẽ giảm chỉ còn 6 tháng cho đến khi hết hạn hoặc xe không còn đủ điều kiện để lưu thông.

Với các loại xe kinh doanh dịch vụ vận tải, lần đầu tiên đăng kiểm sẽ có thời hạn là 1,5 năm. Sau đó, định kỳ sẽ rút xuống còn 6 tháng/lần.

Giấy tờ cần chuẩn bị

Theo quy định hiện hành, xe nhập khẩu đăng kiểm lần đầu sẽ bao gồm các loại giấy tờ như sau:

- Tờ khai nguồn gốc ô tô nhập khẩu

- Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu

- Giấy hẹn đăng ký từ cơ quan công an

- Bảo hiểm trách nhiệm dân sự (TNDS) bắt buộc

- Bản cà số khung, số máy

Đối với các loại xe cũ, giấy tờ cần chuẩn bị khi đi đăng kiểm sẽ bao gồm:

- Đăng ký gốc

- Bảo hiểm TNDS bắt buộc

- Số đăng kiểm cũ

Một số lỗi khi đăng kiểm

Nếu mắc những lỗi sau, xe sẽ không vượt qua được bài kiểm tra và không được cơ quan đăng kiểm cấp giấy đăng kiểm:

- Lỗi phanh, đèn, còi,

- Màu sơn

- Thay đổi chiều dài, rộng, cao của xe

- Tự ý thay đổi thông số lốp

- Tự ý lắp thêm đèn không đúng trong quy chuẩn như LED bar, còi hụ, đèn nháy (nếu không phải là xe ưu tiên)

- Xe không đủ điều kiện về khí thải hay có lỗi trong hệ thống thước lái, vô lăng.

Ngoài ra, với một số lỗi nhẹ như sau, xe vẫn được đăng kiểm và chủ xe sẽ khắc phục sau khi hoàn thành thủ tục đăng kiểm:

- Lỗi hệ thống điều hòa

- Lốp mòn

- Lỗi một số hệ thống liên quan đến tính năng mở rộng của xe như cảnh báo điểm mù, cảm biến.

Ôtô "độ" có được đăng kiểm không?

Trong trường hợp ô tô "độ" có được đăng kiểm không? Đây là câu hỏi được rất nhiều chủ xe quan tâm.

Trên thực tế, một số bộ phận được nâng cấp mà không ảnh hưởng đến đăng kiểm như camera lùi, cảm biến, camera hành trình, màn hình, loa trong xe, thay đổi đèn từ nguyên bản sang LED hay Projector nhưng vẫn đảm bảo quy chuẩn về ánh sáng.

Cùng với đó, những kiểu nâng cấp không được chấp nhận, theo quy định tại Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm giao thông đường bộ: 800.000 - 1.000.000 đồng nếu tài xế điều khiển xe lắp thêm đèn phía trước, phía sau, trên nóc, dưới gầm, một hoặc cả hai bên thành xe.

Như vậy, trong trường hợp ô tô "độ" đèn chiếu sáng với mục đích tăng hiệu quả chiếu sáng và đảm bảo việc tăng sáng theo quy chuẩn của cục đăng kiểm đồng thời không ảnh hưởng tới người đi đường thì vẫn được thực hiện đăng kiểm. Đồng thời trên thực tế, đăng kiểm không xử phạt đối với việc "độ" bóng cho đèn pha.

Quy trình đăng kiểm

Quy trình đăng kiểm sẽ được thực hiện theo các bước cụ thể như sau:

- Bước 1: Xếp xe

- Bước 2: Vào làm hồ sơ

- Bước 3: Chờ xe

- Bước 4: Nộp phí và chờ tem

luu y khi dang kiem xe o to

Thông thường, quy trình này diễn ra khá nhanh chóng, chỉ khoảng 30 phút. Tuy nhiên thời gian này không cố định và sẽ có sự thay đổi phụ thuộc vào lượng xe cũng như thời gian chờ tại mỗi trạm.

Chi phí đăng kiểm

Với xe con, chi phí đăng kiểm được quy định hiện hành là 240.000 đồng và lệ phí cấp chứng nhận là 50.000 đồng. Ngoài ra, phí kiểm định và lệ phí cấp chứng nhận của các loại xe khác, chủ xe có thể tham khảo chi tiết sau đây:

 

Loại phương tiện

Phí kiểm định (nghìn đồng)

Lệ phí cấp chứng nhận (nghìn đồng)

Xe tải, đoàn ôtô (ôtô đầu kéo, sơmi rơ-moóc), có trọng tải trên 20 tấn và các loại ôtô chuyên dụng

560

50

Xe tải, đoàn ôtô (ôtô đầu kéo, sơmi rơ-moóc), có trọng tải đến 20 tấn và các loại ôtô chuyên dụng

350

50

Ôtô tải có trọng tải trên 2 tấn đến 7 tấn

320

50

Ôtô tải có trọng tải đến 2 tấn

280

50

Máy kéo bông sen, công nông và các loại vận chuyển tương tự

180

50

Rơ-moóc và sơmi rơ-moóc

180

50

Xe khách trên 40 ghế (kể cả lái xe), xe buýt

350

50

Xe khách từ 25 dến 40 ghế (kể cả lái xe)

320

50

Xe khách từ 10 đến 24 ghế (kể cả lái xe)

280

100

Xe dưới 10 chỗ

240

50

Xe cứu thương

240

50

Kiểm định tạm thời (tính theo % giá trị phí của xe tương tự)

100%

70%

đăng kiểm xe ô tô lưu ý khi đăng kiểm xe ô tô
Xem thêm