Quảng cáo

Luật FIFA 'nói' gì về trường hợp trọng tài từ chối penalty của TP HCM?

Thứ bảy, 25/07/2020 15:34 PM (GMT+7)
A A+

Luật FIFA sẽ có tiếng nói quan trọng để quyết định xem tiếng còi của trọng tài đã hợp lý chưa khi không thổi penalty cho TP HCM ở trận đấu vừa qua.

90 phút tại Thống Nhất đã khép lại với chiến thắng 3-0 thuộc về Hà Nội. Tuy nhiên dư âm để lại là tiếng còi của trọng tài Trần Văn Trọng. NHM tranh cãi vì hai tình huống bóng chạm tay Thành Chung, nhưng không một lần trong số đó ông Trọng tuýt còi dù đứng ở vị trí rất thuận lợi.

Dư luận, CĐV hay thậm chí các chuyên gia đều nhận định riêng cho mình một ý kiến. Để giải quyết những xung đột đó, luật FIFA là cơ sở và quy chuẩn để tất cả có thể đối chiếu.

Trong điều 12 của luật bóng đá mà IFAB ban hành đăng tải trên trang chủ FIFA có quy định về các trường hợp thổi phạt khi bóng chạm tay.

Theo đó các trường hợp chắc chắn có lỗi khi một cầu thủ cố tình dùng tay chơi bóng, bao gồm cả việc đưa tay hướng về phía bóng. Cầu thủ giành quyền kiểm soát bóng sau khi chạm tay và ghi bàn hoặc tạo ra cơ hội ghi bàn. Cầu thủ ghi bàn trực tiếp khi trước đó đã chạm tay, dù cố ý hay không kể cả thủ môn.

Trường hợp có thể sẽ bắt lỗi nếu cầu thủ để bóng chạm tay khi tay ở trạng thái khiến cơ thể lớn bất thường. Và nếu tay vượt quá phần vai, trừ khi cầu thủ đó cố gắng chơi bóng nhưng để bóng chạm tay.

Các trường hợp trên đều được công nhận là lỗi kể cả bóng chạm tay cầu thủ trực tiếp từ một bộ phận của cầu thủ khác gần đó.

Những trường hợp không tính là lỗi nếu một cầu thủ để bóng chạm tay từ một bộ phận khác trên cơ thể hoặc một cầu thủ khác. Bóng chạm khi tay khép kín và không làm cơ thể lớn hơn bình thường. Bóng chạm tay khi cầu thủ bị ngã nhưng tay không làm cơ thể lớn hơn bình thường.

Như vậy nếu đối chiếu hai tình huống của Thành Chung, ở pha bóng đầu tiên, Công Phượng sút bóng vào chân Thành Chung rồi bật lên tay, khi đó tay của cầu thủ này đang cố gắng khép sát người. Trọng tài có lý trong quyết định của mình.

Nhưng tình huống thứ hai lại phức tạp hơn khá nhiều. Sầm Ngọc Đức sút bóng đập người Quang Hải rồi chuyển hướng trúng tay Thành Chung. Đối chiếu với điều luật FIFA, trường hợp này rơi vào tình huống có thể bị thổi phạt do tay chạm bóng ở tư thế khiến cơ thể lớn hơn bình thường, đồng thời bóng đập tay từ một cầu thủ khác.

Vậy thì đáng ra trọng tài Trần Văn Trọng thổi phạt penalty cho TP HCM mới là đúng. Nhưng một chi tiết quan trọng trong quy định này của FIFA là nó rơi vào tình huống "có thể thổi phạt". Từ "có thể" ở đây đồng nghĩa việc nhận định thuộc về trọng tài.

Trọng tài sẽ có quyền xem xét về mức độ cố ý của cầu thủ, bóng có hướng về khung thành và có cơ hội tạo nên bàn thắng hay không,... Nghĩa là FIFA sẽ không cứng nhắc trong việc cứ bóng chạm tay là sẽ có penalty mà còn tùy thuộc vào nhận định của trọng tài chính.

Trong điều luật của FIFA có sự mở rộng về định nghĩa chạm tay này thì việc những ý kiến tranh cãi xung quanh là điều hoàn toàn dễ hiểu. Những tình huống nhạy cảm như thế, các trọng tài chỉ có tích tắc để đưa ra quyết định và mỗi người sẽ có cách xử lý khác nhau.

Chính sự trái chiều trong nhận định của mỗi người dựa trên căn cứ về luật của FIFA mà đến ngay cả Trưởng ban trọng tài Dương Văn Hiền cũng phải khó xử khi được hỏi về 2 tình huống ấy.

"Thành Chung để bóng chạm tay trong thế bị động, tốc độ bóng nhanh và khoảng cách gần. Tư thế của cậu ấy cũng tự nhiên. Trọng tài không thổi phạt là chính xác. Ở pha bóng thứ 2, tôi không tiện theo dõi nên cần chờ báo cáo từ giám sát và băng hình kỹ thuật trận đấu".

Highlights TPHCM 0-3 Hà Nội FC (Vòng 11 V-League 2020). Nguồn: NEXT Media

Author Thethao247.vn Văn Hải / Theo Tạp chí Người Đưa Tin - Copy
hà nội tp hcm trọng tài trần văn trọng
Xem thêm
TIN NỔI BẬT