Quảng cáo

Giá xăng sẽ tăng lên 25.000 đồng/lít vì thuế?

Thứ năm, 24/08/2017 11:14 AM (GMT+7)
A A+

Thể Thao 247 - Giá xăng hoàn toàn có khả năng sẽ tăng thêm 25.000 đồng/lít nếu các đề xuất thuế phí mới đây được chấp thuận.

Sau rất nhiều ý kiến đóng góp từ phía các cơ quan, hiệp hội và người dân, Bộ Tài chính vẫn bảo lưu quan điểm về đề xuất tăng khung thuế bảo vệ môi trường (BVMT) với xăng từ 3.000 đồng lên 8.000 đồng/lít.

Không chỉ vậy, Bộ Tài chính lại vừa đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với mặt hàng xăng dầu từ mức 10%  hiện nay lên 12%.

Xăng phải cõng thêm thuế

Cụ thể, trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế BVMT mới nhất, Bộ Tài chính vẫn giữ nguyên đề xuất nâng khung thuế BVMT với mặt hàng xăng lên mức tối đa 8.000 đồng/lít; xăng máy bay là 6.000 đồng/lít, các loại dầu lên 4.000 đồng/lít.

Nếu áp dụng theo đề xuất này thì mức thuế BVMT đối với các mặt hàng xăng dầu tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba lần so với hiện nay. Đây thực sự là một gánh gặng đè thêm lên vai người dân và doanh nghiệp.

Giải thích về việc bác ý kiến đóng góp của nhiều tầng lớp trong xã hội, Bộ Tài chính cho rằng việc tính toán điều chỉnh khung thuế không chỉ xem xét đến yếu tố cam kết quốc tế về cắt giảm dần thuế nhập khẩu mà còn xem xét đến nhiều yếu tố khác. Đơn cử như xăng dầu là sản phẩm khi sử dụng gây tác động rất xấu đến môi trường nên cần có chính sách nhằm khuyến khích sử dụng năng lượng thay thế. Bên cạnh đó, giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới nói riêng và nhiều nước khác trong khu vực ASEAN.

Việc Bộ Tài chính bảo lưu quan điểm giữ nguyên đề xuất khung thuế suất quá cao và đề nghị tăng thuế VAT khiến người dân, doanh nghiệp, chuyên gia phản ứng mạnh mẽ. Anh Lê Văn Quý (quận Thanh Xuân, Hà Nội) làm nghề xe ôm nói: “Những người nghèo như chúng tôi sẽ phải gánh hết các khoản này. Tôi không hiểu sao đề xuất tăng thuế BVMT đối với xăng dầu lên mức tối đa 8.000/lít đã bị dư luận phản ứng kịch liệt mà nay họ còn đề xuất tăng thuế VAT lên mức 12%. Dân làm sao chịu nổi!”.

Bộ Tài chính cho rằng giá xăng trong nước còn rẻ so với nhiều nước nên phải tăng thuế lên 8.000 đồng/lít.

Người tiêu dùng chịu ảnh hưởng nặng nề

Lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh đầu mối xăng dầu phân tích tăng thuế VAT chắc chắn giá xăng dầu sẽ phải tăng lên. Nếu tăng thuế VAT lên mức 12% thì giá xăng tăng thêm khoảng 300 đồng/lít, chưa tính các loại thuế và phí khác.

“Trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu, thuế VAT đánh trên tổng các thành phần khác nên có thể ví von VAT là thuế chồng thuế và có giá trị tuyệt đối chỉ sau thuế BVMT” - vị này nói.

Theo tính toán của các chuyên gia, hiện 1 lít xăng đang phải cõng rất nhiều loại thuế và phí. Cụ thể: Thuế nhập khẩu áp trên mỗi lít xăng khoảng 1.300 đồng, thuế BVMT 3.000 đồng, chi phí định mức 1.050 đồng, lợi nhuận định mức 300 đồng, quỹ bình ổn giá 300 đồng, thuế tiêu thụ đặc biệt gần 1.400 đồng, thuế VAT hơn 1.500 đồng…

Như vậy, tổng các loại thuế và phí 1 lít xăng người dân mua phải “gánh” khoảng 8.800 đồng. Trong khi đó giá xăng RON 92 bán lẻ ngày 23-8 được Petrolimex niêm yết ở mức 17.480 đồng/lít. Như vậy, thuế phí chiếm hơn 50% giá xăng.

Nếu thuế BVMT tăng lên mức kịch khung đề xuất là 8.000 đồng/lít, tăng thuế VAT lên 12% thì giá xăng bán lẻ có thể sẽ bị đẩy lên hơn 25.000 đồng/lít. Khi đó số tiền thuế và phí mà người dân mua xăng phải đóng cho mỗi lít xăng lên đến hơn 14.000 đồng!

Tăng thuế xăng 8.000 đồng/lít, ngân sách có thêm 5 tỉ USD

Trong văn bản góp ý về thuế BVMT gửi cơ quan chức năng, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) cho rằng khung thuế dự kiến trong tờ trình mức trần 8.0000 đồng/lít là quá cao và sẽ gây khó khăn rất lớn cho người dân và DN. Do đó VINPA đề nghị mức thuế BVMT với mặt hàng xăng nâng từ 3.000 đồng/lít lên tối đa 5.000 đồng/lít.

Theo tính toán của VINPA, nếu tăng thuế BVMT lên xăng dầu như đề xuất là 8.000 đồng/lít xăng và 4.000 đồng/lít dầu diesel thì mỗi năm ngân sách sẽ thu được 100.000 tỉ đồng, tức gần 5 tỉ USD.

Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng cho hay với phương án tăng thuế BVMT của Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung về đối tượng và khung mức thuế đảm bảo trách nhiệm BVMT của cá nhân, tổ chức khi sử dụng xăng dầu. Tuy nhiên, hiệp hội cho rằng nếu thuế BVMT đối với xăng được thu theo khung mức thuế tối đa 8.000 đồng/lít đối với xăng RON 92 thì mức thuế này bằng 93% giá nhập khẩu. Riêng thuế BVMT chiếm đến 60,61% tổng số thuế...

“Với mức thu thuế như vậy sẽ rất khó giải thích với người tiêu dùng” - VINPA nêu quan điểm.

Minh bạch khoản chi, khỏi phải tận thu

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nghịch lý là dù đề nghị tăng thuế VAT, tăng thuế môi trường nhưng đến nay Bộ Tài chính vẫn chưa đưa ra được các nghiên cứu cụ thể rằng việc tăng các khoản thuế sẽ bổ sung cho sách được bao nhiêu; nó ảnh hưởng đến người dân, từng nhóm người dân như thế nào, lợi và hại của việc tăng thuế ra sao.

Đặc biệt thu thuế BVMT để dùng khoản thuế này đầu tư ngược lại cho các dự án BVMT nhưng theo ông Hiếu, xung quanh sắc thuế này còn nhiều bất cập. Chẳng hạn đầu vào thu bao nhiêu thuế thì rất rõ nhưng đầu ra, tức chi khoản tiền thuế này lại không rõ ràng, minh bạch.

“Nếu minh bạch, quản lý tốt phần chi ngân sách, giảm sự lãng phí, giảm tham nhũng… sẽ đủ cân đối ngân sách, không cần tăng thuế” - ông Hiếu nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia khác cũng đánh giá một trong những lý do của việc tăng thuế BVMT là nhằm tăng thu cho ngân sách. Tuy nhiên, vấn đề là nó không được dùng cho đúng tên gọi của sắc thuế này, tức là BVMT mà có phần để bù đắp các khoản hụt thu ngân sách do thuế nhập khẩu giảm.

Bằng chứng là theo một báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy thu ngân sách từ thuế này rất lớn nhưng chi rất ít: Năm 2016, tổng thu đến 42.393 tỉ đồng thuế BVMT trong khi mới chỉ chi cho cùng mục đích có 12.290 tỉ đồng, tức mới chỉ chi 28,9%.

“Thuế BVMT thu ba, bốn đồng thì chi ra cho mục đích này chỉ khoảng một đồng. Như vậy thuế dư thừa, tại sao lại còn tăng thu thuế BVMT lên gấp 2-3 lần để làm gì?” - một chuyên gia đặt vấn đề.

Theo: PLO

Author Thethao247.vn Anh Mỹ / Theo Tạp chí Người Đưa Tin - Copy
giá xăng tăng thuế xăng dầu thuế bảo vệ môi trường thuế phí xăng dầu tăng thuế xăng
Xem thêm
TIN NỔI BẬT