Quảng cáo

Sao dân phải chịu trách nhiệm "gánh" thêm 8000đ thuế xăng?

Thứ năm, 18/05/2017 14:52 PM (GMT+7)
A A+

Thể Thao 247 - Chủ tịch Hiệp hội Xăng Dầu Việt Nam cho rằng: “Là người công dân phải có nghĩa vụ nộp thuế, đóng góp cho ngân sách. Khi thuế nhập khẩu giảm tiếp xuống 0% thì phải tăng thuế khác để bù vào”. Rất nhiều độc giả đã lên tiếng phản đối ý kiến này.

Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu: "Chúng tôi ủng hộ sớm điều chỉnh thuế nội địa lên"

Phát biểu tại Hội thảo Thị trường xăng dầu và vấn đề thể chế diễn ra sáng nay (16/5), ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp Hội Xăng Dầu Việt Nam cho hay: “Về động tĩnh tăng thuế bảo vệ môi trường lên 8.000 đồng/lít nhưng chưa có lộ trình cụ thể. Chúng tôi rất ủng hộ sớm điều chỉnh thuế nội địa lên, ít nhất là đưa thuế tiêu thụ đặc biệt và bảo vệ môi trường lên làm sao cho chiếm trên 50% cơ cấu giá để đảm bảo thu ngân sách Nhà nước”.

“Là người công dân phải có nghĩa vụ nộp thuế, nộp ngân sách”, ông Ruệ nhấn mạnh.

Ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp Hội Xăng Dầu Việt Nam

Theo đại diện Hiệp hội Xăng Dầu Việt Nam: "Thuế nhập khẩu giảm tiếp xuống 0% thì phải tăng thuế khác để bù vào. Rõ ràng đây là trách nhiệm của công dân với đất nước. Nếu giảm thuế nhập khẩu mà tăng thuế nội địa thì giá bán lẻ xăng dầu không thay đổi, giá vẫn thế. Vì giá bán lẻ phụ thuộc vào nhiều loại thuế, tăng cái này, giảm cái kia thì vẫn không thay đổi”.

Trước đó, Hiệp hội Xăng Dầu nhiều lần đề xuất, ngay năm 2018, Chính phủ cần xem xét điều chỉnh tăng các sắc thuế nội địa của sản phẩm xăng dầu để đảm bảo nguồn thu ngân sách Nhà nước, bù đắp phần hụt thu do cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết quốc tế, đồng thời cùng xử lý hài hòa 3 lợi ích, lợi ích Nhà nước, lợi ích người tiêu dùng, lợi ích của doanh nghiệp, nhất quán trong chủ trương đường lối phát triển thị trường xăng dầu trước mắt cũng như lâu dài của Việt Nam.

Liên quan tới nội dung này, ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước cho biết, về các loại thuế, hiện Chính phủ đang rà soát. Theo ông Quyền, đối với các sắc thuế nội địa, trong đó có thuế bảo vệ môi trường sẽ rà soát theo hướng phù hợp với lộ trình giảm thuế nhập khẩu.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh: “Nói khung thuế lên 8.000 đồng/lít nhưng khi đấy là mức tối đa, khi điều chỉnh còn phụ thuộc vào sức chịu đựng của nền kinh tế để làm sao cho phù hợp. Khung là khung cho phép, còn điều chỉnh thế nào thì Chính phủ sẽ có tính toán cẩn thận để đảm bảo lợi ích của người dân, nhà nước, doanh nghiệp".

Nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá: Cần nhìn tổng quát hơn khi tăng thuế bảo vệ môi trường!

Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Tiến Thoả - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, cần phải có cái nhìn tổng quát hơn khi tính tới việc tăng thuế bảo vệ môi trường.

“Theo tôi với những sản phẩm đầu vào thì phải có tư tưởng bao đồng hơn, không thể chỉ tính vòng 1 chặn luôn mà phải tính làm sao thu bền vững. Nghĩa là, đầu vào thì “ăn" ít thôi để vòng 2 sản xuất phát triển. Khi thuế giảm sẽ giúp thị trường tăng cung, sản xuất nhiều hơn, giá thành những sản phẩm thụ hưởng từ xăng dầu sẽ rẻ hơn, giải quyết công ăn việc làm bền vững. Như vậy, tới vòng 3 ta mới thu bền vững”, ông Thoả nói.

Ông Thoả cũng nhấn mạnh thêm rằng: “Tư tưởng tài chính về nuôi dưỡng nguồn thu chính là như thế đó. Tất nhiên về ngân sách phải tính chi tiết cụ thể để bảo đảm nguồn thu của nền kinh tế nhưng không nên chỉ tính riêng xăng dầu và tách riêng nền kinh tế".

Theo đánh giá của ông Phan Thế Ruệ, thị trường xăng dầu Việt Nam chịu áp lực bởi cam kết quốc tế và của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã cam kết. Tính đến thời điểm hiện nay (2017) mức tiêu thụ xăng dầu vào khoảng 16 triệu m3, sản xuất trong nước đáp ứng khoảng 40%, còn lại 60% phải nhập khẩu. Nếu nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động thương mại thì khả năng cân đối đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Theo ông Ruệ, thị trường xăng dầu Việt Nam hiện nay đang vận hành theo Nghị định 83 của Chính phủ từ năm 2014. Nghị định 83 CP đã có những quy định tiếp cận tốt hơn về các thành phần kinh tế được tham gia các đầu mối xuất nhập khẩu đến nay đã có 29 đầu mối, có hơn 100 thương nhân phân phối với lực lượng đông đảo các Tổng đại lý, Đại lý với hơn 13.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên cả nước.

Năm 2015-2016, giá dầu thô thế giới ở mức thấp, biến động không nhiều, vì vậy Nghị định 83 đã làm cho thị trường xăng dầu ổn định, nguồn cung đảm bảo, chất lượng xăng dầu về cơ bản đã đáp ứng theo tiêu chuẩn quy định, giá bán lẻ xăng dầu được điều chỉnh phù hợp với biến động giá dầu thế giới.

Tuy nhiên, ông Ruệ cho rằng, nhìn vào dài hạn đến năm 2025-2030, nếu các cơ chế quản lý vận hành thị trường xăng dầu ngắn hạn (4-5 năm) thì ngày càng bất cập, trước sức ép của mở cửa thị trường, lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu vào năm 2024 (về 0%). Đặc biệt sức ép bảo vệ thị trường trong nước kể cả hệ thống lọc hóa dầu trong nước, hệ thống phân phối các doanh nghiệp Việt Nam.

"Một vấn đề đang hiện hữu, các cơ quan hoạch định chính sách tài chính đang phải xử lý phần hụt thu ngân sách trong lộ trình giảm thuế nhập khẩu xăng dầu. Đây là nguồn thu quan trọng đóng góp cho phát triển đất nước", ông Ruệ phát biểu.

Ngoài ra, theo ông Ruệ, để bảo vệ sản xuất trong nước, cần có những rào cản kỹ thuật hoặc những rào cản WTO không cấm để bảo vệ thị trường, các doanh nghiệp trong nước. Hiện nay, Việt Nam đã ký kết nhiều FTA đa phương và song phương, tuy không có cam kết mở cửa thị trường về cơ chế chính sách nhưng các dòng thuế nhập khẩu đã giảm sâu và mức độ giảm khác nhau giữa các đối tác, đặc biệt nhất là Asean xăng giảm thuế nhập khẩu xuống 20%, dầu 0% trong khi đó FTA Việt Nam – Hàn Quốc thuế nhập khẩu xăng xuống 10%, dầu 5%, đi đến loại trừ các dòng thuế nhập khẩu là nội dung cơ bản của mở cửa thị trường.

Những phát biểu của ông Phan Thuế Ruệ, lãnh đạo của Hiệp hội Xăng Dầu Việt Nam, đồng thời cũng là nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ phía độc giả. Trong hàng nghìn bình luận gửi về báo, nhiều ý kiến công khai phản đối phát ngôn của ông Ruệ. Dưới đây là tổng hợp các ý kiến của độc giả gửi về trang tin Dantri:

Thuế tăng, môi trường có được cải thiện?

Nhiều độc giả cho rằng, việc đóng thuế là trách nhiệm của người dân nhưng điều quan trọng là tiền thuế của dân có được sử dụng đúng mục đích hay không.

Độc giả Nguyễn Thế Vinh bình luận: "Muốn đất nước phát triển, từng đồng thuế của người dân cần được hạch toán, báo cáo rạch ròi. Đến bao giờ người dân mới được quyền giám sát đồng thuế mà mình mồ hôi công sức kiếm được”.

Hay như độc giả Nguyễn Thành Nam cho rằng: "Tôi đồng ý cho các vị tăng. Nhưng các vị có đảm bảo tăng giá xong rồi thì môi trường sẽ được cải thiện hay không?”. Độc giả Đậu Tài cũng bình luận: "Chỉ khi chính phủ công khai minh bạch chi tiết khoản tiền dự tính thu được do việc xăng tăng giá vào khoản nào thì mới nói chuyện xem người dân nên có trách nhiệm đóng góp hay không!”

Nhiều ý kiến lo ngại, việc tăng khung thuế bảo vệ môi trường sẽ khiến giá xăng dầu chịu áp lực tăng giá, gây ảnh hưởng tới sản xuất - kinh doanh cũng như đời sống của người dân.

Độc giả Sat Thu bình luận: "Xăng tăng doanh nghiệp làm làm ăn khó khăn, dân thì khổ, lấy tiền đâu để đóng thuế, vậy nhà nước bị thất thu không? Thu được 1 cái bỏ đi cả trăm thứ khác sao? Xăng có giảm mới thúc đẩy được các doanh nghiệp và nhiều ngành sản xuất khác như vậy nhà nước mới thu được thuế chứ. Đó mới là sự hiệu quả. Dân có giàu thì nước mới mạnh, vẫn là câu cũ nhưng để hiểu nó có vẻ khó”.


Nếu mức sống được nâng cao, hoàn toàn ủng hộ ngài Chủ tịch

Đồng quan điểm, độc giả Huy Nguyen cũng cho rằng: "Không biết ngài Chủ tịch hiệp hội xăng dầu sử dụng xe công hay xe tư? Cứ đi xe tư và bỏ tiền túi ra đổ xăng là sẽ biết nên hay không nên thôi. Ngoài ra, còn kéo theo rất nhiều hệ lụy nữa: hàng hóa sẽ hạn chế lưu thông, sản xuất sẽ đình trệ, giá cả sẽ tăng cao... đời sống nhân dân không biết được nâng cao theo giá xăng không, nếu được thì hoàn toàn ủng hộ ý kiến của ngài Chủ tịch”.

Câu chuyện hàng loạt dự án thua lỗ, làm thất thoát tiền ngân sách, tiền thuế của người dân cũng được độc giả đặt ra.

Theo độc giả Lê Bá Tâm: "Là công dân chúng tôi sẳn sàng góp công sức, trí tuệ và hơn thế nữa cho đất nước. Nhưng công dân không có nghĩa vụ nuôi dưỡng những tổ chức, cá nhân kìm hãm sự phát triển của đất nước bằng suy nghĩ không phù hợp, thiếu công bằng, độc quyền... mà cụ thể ở đây là ngành dầu khí biết bao công trình, dự án thất thoát, thua lỗ, phá sản. Tài nguyên quốc gia thuộc sở hữu toàn dân chứ không phải của riêng ngành dầu khí, thử hỏi các anh đã và đang làm gì? Trước khi phán xét!”

Độc giả Thành Hải Nguyễn hài hước: "Tăng lên luôn 80.000 đồng để bù lỗ cho mấy dự án dầu khí luôn, tăng vậy sao đủ?"

Độc giả Hoang Doan: “Cái nào hợp lý thì người dân sẽ ủng hộ, nhưng thấy dạo này nhiều điều bất hợp lý lắm, thu nhập người dân thấp, thuế trăm loại đổ lên đầu, rồi các công trình vô nghĩa nhìn tỷ mọc lên như nấm”.

Hoặc có độc giả phản đối một cách dí dỏm: "Theo tôi thì cứ làm sao tăng khoảng vài trăm nghìn một lít xăng là hợp lý. Như thế thì ai đi xe nữa môi trường sẽ xanh sạch đẹp hơn”.

Cũng có độc giả khẳng định sẽ “đi bộ vì lo giá xăng tăng” hoặc đồng loạt kêu gọi “tăng lương để đủ tiền mua xăng”. Không ít ý kiến cho rằng ngành xăng dầu nên bỏ độc quyền, giảm bớt thuế phí để người dân có thể được sử dụng xăng dầu giá rẻ hơn trong tương lai.

Kinh tế Việt Nam mãi không ngóc đầu lên được?

Trong khi đó, một độc giả khác chia sẻ trên diễn đàn chứng khoán VIETSEC như sau:

Tôi hoàn toàn đồng ý với ông Ruệ, mọi công dân đều phải có trách nhiệm với đất nước. Người tiêu dùng phải có nghĩa vụ nộp thuế. Tuy nhiên, một người từng là quan chức điều hành kinh tế, giờ lại là lãnh đạo một hiệp hội ngành nghề như ông Ruệ thì phải có trách nhiệm phát ngôn cho chính xác. Thế nhưng, hôm nay ông đã nói sai sự thật.

Ông Ruệ khẳng định rằng, tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ không làm thay đổi giá xăng vì thuế nhập khẩu giảm. Điều này chỉ trấn an được những người thiếu hiểu biết. Để tôi chứng minh cho ông thấy rằng ông đã nói sai sự thật một cách nghiêm trọng đến nhường nào.

Căn cứ để tính giá xăng trong nước là giá xăng giao dịch tại thị trường Singapore. Tôi vừa cập nhật giá xăng A92 giao dịch hôm qua, ngày 15-5, là 60,24 USD/thùng. Như vậy, giá nhập khẩu CIF (tức đã gồm chi phí vận chuyển, bảo hiểm) về đến cảng VN, dùng để tính giá xăng là 62,74 USD/thùng.

Với mức thuế nhập khẩu hiện nay là 10,21%, số tiền thuế nhập khẩu trong một lít xăng A92 khoảng 900 đồng/lít. Thuế bảo vệ môi trường của xăng A92 hiện nay là 3.000 đồng/lít. Cộng với tất cả các loại thuế phí khác, giá xăng sẽ vào khoảng gần 17.000 đồng/lít.

Tôi đã tính khi thuế nhập khẩu về 0% và thuế môi trường tăng lên 8.000 đồng/lít thì giá xăng A92 sẽ là 21.400 đồng/lít.

Vậy thì sao ông Phan Thế Ruệ có thể nói là giảm thuế này thì phải tăng thuế kia và giá sẽ không thay đổi? Chênh lệch tới 4.400 đồng/lít mà gọi là không đổi được sao? Ông Ruệ có thể trả lời trước hàng chục triệu người tiêu dùng và hàng trăm ngàn doanh nghiệp sẽ bị tác động bởi việc tăng thuế môi trường này xem vì sao ông dám nói như vậy hay không?

Bây giờ thì tôi đã có câu trả lời vì sao nền kinh tế ở cái đất nước này mãi không ngóc đầu lên được.

Theo: Dantri

Author Thethao247.vn Anh Mỹ / Theo Tạp chí Người Đưa Tin - Copy
tăng thuế xăng dầu tăng thuế bảo vệ môi trường tăng thuế xăng thuế bảo vệ môi trường
Xem thêm
TIN NỔI BẬT