Cựu tiền vệ Lê Quốc Vượng đã có những phân tích về những vấn đề của ĐT Việt Nam gặp phải trong trận bán kết lượt về AFF Cup 2016 và không quên lên tiếng bảo vệ HLV Nguyễn Hữu Thắng.
Nội dung chính
Trận bán kết lượt về AFF Cup 2016 đã trôi qua được một thời gian nhưng dư âm của nó vẫn là vấn đề được bàn tán xôn xao. Không thể có mặt ở trận chung kết khiến thầy trò HLV Nguyễn Hữu Thắng trở thành tâm điểm của sự chỉ trích.
Với Lê Quốc Vượng, một cầu thủ từng thi đấu trong màu áo ĐT Việt Nam nên anh hiểu được áp lực mà HLV Hữu Thắng cùng các cầu thủ đang gặp phải. Trên trang cá nhân, Quốc Vượng đã có một bài phân tích rất sâu về sai lầm của Đình Đồng và Nguyên Mạnh. Bên cạnh đó, cựu tiền vệ này cũng lên tiếng bảo vệ HLV Hữu Thắng.
Quốc Vượng viết: “Với những gì đã từng sống trong môi trường bóng đá Việt Nam và hiện là một CĐV, tôi xin có vài lời từ đáy lòng tôi. Tiêu cực? Có một số người đã vội quy chụp Đình Đồng và Nguyên Mạnh có hiện tượng tiêu cực. Đầu tiên tôi xin nói thẳng, lúc chọn con người từ thành phần ban huấn luyện và cầu thủ, tiêu chí đầu tiên các bạn có thể dễ dàng nhận ra đó là 'sạch'. Vì quá hiểu bóng đá Việt Nam mà anh Thắng đã chọn những người mà anh ấy biết là có thể tin tưởng dù chuyên môn có thể không bằng người khác.
Tôi muốn nhắc lại bài viết trước đây khi anh Thắng nhận lời làm HLV trưởng rằng cần có một trợ lý, có thể là người nước ngoài, để họ phụ trách vấn đề chuyên môn. Sau 1-2 năm, anh Thắng có thể học thêm về chiến thuật từ họ. Các bạn nhìn xem vai trò của các trợ lý ở đội tuyển là gì ngoài có cho đủ mặt?
Anh Thắng có lý do khi chọn họ là 'lành' nhưng theo tôi nếu có người giỏi và cá tính mà anh Thắng 'dùng' được họ để họ phục vụ tập thể mới là cao thủ. Feguson luôn có một trợ lý lo về chuyên môn còn ông ấy là tổng chỉ huy chung và giờ ông ấy là huyền thoại.
Về pha bóng dẫn tới bàn thua, nó đã lột tả toàn bộ bản chất và thực trạng của bóng đá Việt Nam đó là tâm lý. Hãy lấy Thái Lan để ví dụ cho gần vậy. Các trường tiểu học của họ mỗi tuần 2-3 buổi ngoại khoá tại sân vận động và chủ yếu là chơi bóng đá. Các lứa trẻ của họ từ U16 trở lên đi nước ngoài tập huấn và thi đấu như cơm bữa. Đội tuyển họ mỗi năm ít nhất vào dịp sinh nhật nhà Vua, họ mời toàn hàng khủng (có cam kết chất lượng cầu thủ) để thi đấu cọ sát nên cỡ Đông Nam Á họ xem ra gì.
Việt Nam ngoài Xuân Trường đĩnh đạc và tự tin hỏi còn ai? Anh Thắng đã thua Zico Thái ở điểm này. Đấy là có một nền bóng đá và liên đoàn như vậy. Nên nếu gặp Thái ở chung kết, sợ rằng người hâm mộ sẽ thêm một lần đau. Ai có chút chuyên môn cũng có thể nhận ra tất cả các cầu thủ Việt Nam đều tâm lý nặng, kể cả Công Vinh. Pha bóng dẫn đến bàn thua, Đình Đồng vừa thiếu kinh nghiệm (đưa chân lên phá bóng trước khi xác định điểm rơi quả bóng), vừa áp lực tâm lý (có thể liếc mắt xem sau lưng có đối phương không để Mạnh bắt tiếp).
Pha bóng này nếu gặp một HLV hèn nhát sẽ thay Đình Đồng ngay lập tức và đổ tội cho học trò phản, tương lai của ình Đồng xem như 'đứt'. Tuy nhiên, anh ấy quá hiểu Đồng và không làm vậy. Đó là điều tôi thích nhất trong trận đấu. Các HLV nội không ai có điều đấy vào lúc này. Mình là người hâm mộ, thích đá bóng vì những cảm xúc mà bóng đá mang lại. Vậy khi 10 chống 11, ghi bàn gỡ hoà bằng tinh thần như thế các bạn có nhớ cảm xúc ấy không?
Tôi dám chắc một điều rằng không HLV nội nào có thể thổi được tinh thần máu lửa như vậy được. Và dù HLV khác có giỏi hơn cũng không bao giờ có thể xây dựng được tinh thần đoàn kết như vậy. Xưa nay, Việt Nam có bao lứa cầu thủ hay nhưng tính đoàn kết vẫn chưa phải là cao. Theo tôi đấy là cái gốc, là tiền đề để xây dựng đội tuyển.
Thành công hay không còn phải xem chiến lược của liên đoàn, làm gì để phát triển bóng đá Việt Nam trong vài năm chứ không phải trước mắt thắng thì vỗ tay thua thì quay mặt. Và anh Thắng cần có những cộng sự giỏi về chuyên môn bên cạnh để hỗ trợ anh ấy những gì chưa giỏi (nhân vô thập toàn), chứ một số người nghĩ thay HLV là sẽ vô địch Đông Nam Á ngay thì cứ chờ xem sao"