Quảng cáo

7 việc cần làm trong khi chờ kết quả phỏng vấn

Author Thethao247.vn Nguyễn Nam - 09:00 07/04/2020 GMT+7
Sau buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng thường yêu cầu bạn đợi một thời gian để họ ra quyết định về lời mời làm việc. Tuy nhiên, điều bạn cần làm lúc này không chỉ dừng lại ở việc chờ đợi. Bạn cần thực hiện các hoạt động khác để tăng cơ hội được tuyển dụng và thậm chí có thể giúp bạn làm tốt hơn trong các cuộc phỏng vấn trong tương lai. Dưới đây là 7 việc cần làm trong khi chờ kết quả phỏng vấn cực kỳ hữu ích dành cho bạn.

Đánh giá buổi phỏng vấn

Đây là thời điểm lý tưởng để xem xét lại tất cả những gì bạn đã thực hiện trong buổi phỏng vấn, đánh giá những gì diễn ra tốt đẹp và xem xét những gì cần cải thiện.

Hãy viết một bản tóm tắt các câu hỏi bạn đã được hỏi cùng với câu trả lời của bạn. Ngoài ra, lưu ý lại bất cứ điều gì bạn muốn nói với người phỏng vấn nhưng không có cơ hội để nói với họ. Bạn có thể nhận ra rằng bạn đã quên đề cập đến một trong những điểm mạnh quan trọng của bạn. Điều này sẽ cho bạn một bài học tham khảo cho tương lai nếu có một cuộc phỏng vấn tiếp theo và cũng có thể đánh giá rằng bạn có khả năng được nhận hay không.

Gửi một lời cảm ơn

Hãy sử dụng thời gian chờ đợi kết quả phỏng vấn để kết nối lại với nhà tuyển dụng tiềm năng, cảm ơn họ đã dành thời gian cho mình và chứng tỏ rằng bạn thích thú với vị trí ứng tuyển. Đó là một việc cần thiết và đơn giản, nhưng phần lớn người tìm việc đã quên đi bước quan trọng này.

Gửi một lời cảm ơn đến người phỏng vấn không chỉ là lịch sự mà nó còn cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn quan tâm đến công việc. Đồng thời cũng khiến họ nhớ đến tên của bạn. Nếu có điều gì đó đặc biệt khiến bạn yêu thích về công ty, hãy cho họ biết. Đây là một cơ hội nữa để thuyết phục họ rằng bạn là người tốt nhất cho công việc.

Các chuyên gia nhân sự của trang tuyển dụng và tìm kiếm việc làm Careerlink.vn khuyên rằng tốt nhất là gửi email hoặc nhắn tin trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm cuộc phỏng vấn diễn ra.

Giữ lời hứa

Nếu trong buổi phỏng vấn bạn đã hứa với nhà tuyển dụng về việc sẽ gửi cho họ xem sau về những sản phẩm, tác phẩm bạn đã làm thì đừng quên chúng. Đính kèm chúng với thư cảm ơn để nhà tuyển dụng dễ nhớ về bạn nhất. Điều này thể hiện tính chuyên nghiệp trong công việc của bạn và giúp nhà tuyển dụng có thêm căn cứ để quyết định có tuyển dụng bạn.

Để ý đến email và điện thoại của bạn

Bạn cần đảm bảo để không bỏ lỡ một cuộc gọi hay email từ nhà tuyển dụng. Trước khi ứng tuyển, hãy chắc chắn rằng số điện thoại và email trong CV là đúng và luôn có thể liên lạc được. Sau buổi phỏng vấn, hãy lưu ý đến những số lạ gọi đến hoặc email ẩn trong hộp thư của mình.

Kiên nhẫn

Bạn không nên liên tục hỏi nhà tuyển dụng về kết quả phỏng vấn, thay vào đó hãy xin một thời hạn cụ thể.

Nhà tuyển dụng rất có thể đã phỏng vấn thêm một số ứng viên khác và để xem xét xem ai phù hợp cho công ty thì cần có thời gian. Một người tuyển dụng giỏi sẽ không muốn đưa ra quyết định nhanh chóng. Kiên nhẫn đợi và chỉ khéo léo nhắc nhở về sự tồn tại của bạn có thể để lại ấn tượng tốt cho nhà tuyển dụng.

Nếu bạn không được nhận, hãy lịch sự với người phỏng vấn

Hãy cảm ơn những công ty đã dành thời gian và sự quan tâm của họ mặc dù bạn chưa phải là người phù hợp vào thời điểm này. Sau đó, bạn có thể hỏi xem họ có thể chia sẻ bất kỳ phản hồi nào không và xem xét bạn cho bất kỳ vị trí nào trong tương lai tại công ty mà bạn có thể phù hợp.

Nếu bạn không được nhận, bạn cũng cần biết được nguyên nhân và lịch sự là cách dễ nhất để có được phản hồi từ nhà tuyển dụng.

Sử dụng thời gian chết để có được nhiều cuộc phỏng vấn

Đừng để thời gian chết chỉ vì chờ đợi. Hãy sử dụng thời gian trong khi đợi kết quả của cuộc phỏng vấn để ứng tuyển một vài vị trí thích hợp khác. Điều này không chỉ mang đến cho bạn nhiều cơ hội hơn để được tuyển dụng mà còn giảm bớt căng thẳng bằng cách khiến bạn quên đi cảm giác chờ đợi. Hãy tưởng tượng bạn còn có các cuộc phỏng vấn với 2-3 nhà tuyển dụng khác, chắc chắn bạn sẽ bớt lo lắng hơn rất nhiều khi chỉ chờ kết quả phỏng vấn. Lời khuyên dành cho bạn là đừng ngừng xin việc cho đến khi bạn chấp nhận lời mời làm việc và lên lịch cho ngày làm việc đầu tiên của bạn.

phỏng vấn careerlink
Xem thêm
TIN NỔI BẬT