Quảng cáo

Tâm lý chiến, nọc độc của Mourinho

Thứ hai, 24/02/2014 20:30 PM (GMT+7)
A A+

Cuối cùng thì sự bình yên giả tạo đã bị lột mặt nạ. Jose Mourinho chưa bao giờ thay đổi, và tâm lý chiến luôn là một phần của nghệ thuật chiến thắng trong ông. Một thứ nghệ thuật u tối và không phù hợp để là một tấm gương về đạo đức, nhưng là một nọc độc chết người với bất cứ ai là đối thủ của HLV người Bồ Đào Nha.

 

Video bàn thắng: Chelsea 1-0 Everton (Vòng 27 - Premier League 2013/14)

 

Đó là người mà Sir Alex Ferguson cũng phải ngả mũ và tuyên bố rằng mình sẽ "không dại gì đấu khẩu với hắn ta", dù bản thân HLV người Scotland cũng là một nhà tâm lý chiến lão luyện. Patrick Barclay, tác giả của cuốn sách “Bóng đá, địa ngục đẫm máu!: Tiểu sử của Alex Ferguson”, đã khái quát về nghệ thuật tâm lý chiến của Sir Alex như sau: “Khi hai đấu sĩ có sức mạnh tương đương, kẻ tàn ác hơn sẽ chiến thắng, và Ferguson thường giành thắng lợi vì ông tin rằng mình có thể tàn nhẫn hơn những người khác.”

Mourinho sẵn sàng dùng lời lẽ cay độc để tàn phá sự tự tin của đối thủ - Ảnh: Getty


Đến Ferguson cũng phải chào thua

Mourinho là một HLV có niềm tin về sự “tàn ác” ấy lớn hơn. Dù sao thì những lời lẽ cay nghiệt của Sir Alex cũng mang trong đó bầu máu nóng thô kệch nhưng thật thà vốn có của người Scotland. Mourinho thì khác: Ông sẵn sàng chà đạp lên danh dự của người khác một cách lạnh lùng và đầy toan tính, trước khi ngồi khoanh tay nhìn “con mồi” giãy giụa trong một sự tổn thương vô hạn.

Mourinho chỉ giống Ferguson ở một điểm: HLV người Bồ tấn công tất cả những kẻ có thể đe dọa đội bóng của ông ta. Mùa này, Mourinho đã cà khịa với đủ người, từ một tay mới như Brendan Rodgers ("Liverpool là một chú chó Chihuahua"), đến những kẻ địch lâu năm như Arsene Wenger ("ông ta là chuyên gia thất bại) và Manuel Pellegrini ("Man City chỉ được xây dựng cho thành công ăn xổi").

Kết quả? Tất cả đều nổi giận, như chính... Ferguson năm xưa: Khi Mourinho đến nước Anh lần đầu và tuyên bố "Tôi là người đặc biệt", Sir Alex đã đập bàn và văng tục "lại một thằng ranh con láo toét". Một nhà tâm lý chiến bản năng đã nổi giận trước một gã HLV mới nổi và có lẽ cho đến sau này, Sir Alex mới hiểu rằng những gì Mourinho nói xuất phát từ một nghệ thuật đầy lý trí.

Những lời tạo chiến tâm lý của Ferguson mang màu sắc của uy tín và kinh nghiệm mà ông đã tạo ra sau hàng chục năm làm việc ở Premier League. Nhưng các cuộc chiến tranh miệng lưỡi của Mourinho không cần phải dựa vào nền tảng là tầm ảnh hưởng. HLV người Bồ quan tâm đặc biệt đến khía cạnh tâm lý trong thể thao và ông đã áp dụng nó nhất quán từ khi khởi nghiệp đến giờ. Ở đâu, Mourinho cũng thành công, vì sự bài bản, lọc lõi, những lời nói “xóc đến tận óc” và thái độ ngạo mạn, đàng điếm. Đó có thể không phải bản chất của Mourinho, nhưng nếu là diễn, ông cũng xứng đáng được trao giải Oscar cho vai kẻ thù của công chúng.

"Hắn ta lải nhải mọi thứ, trừ bóng đá"

William James, nhà phân tâm học và triết học người Mỹ, đã từng viết: "Chúng ta chỉ mới đánh thức được một nửa khả năng thực sự của mình. Chúng ta chỉ sử dụng được một phần rất nhỏ thể chất và tinh thần của mình, và không hề động đến vô vàn những năng lực đang say ngủ khác". Tâm lý là thứ giúp chúng ta trích xuất những năng lực bị bỏ quên ấy, và ngược lại, cũng có thể đẩy ta vào trạng thái hỗn loạn và trì trệ.

Mourinho ý thức được điều này từ lúc còn theo học Đại học thể thao Lisbon: "Bóng đá đối với tôi thực nhất là nhân học, tức là đặt con người lên trên tất thảy." Ông hiểu rằng chiến thắng được tạo ra bằng ưu thế trên nhiều mặt, mà tác động đến tâm lý con người là một phần không thể thiếu: "Một giảng viên đại học đã nói với tôi rằng một HLV phải sở hữu tất cả mọi thứ: Một nhà chiến thuật, người tạo động lực, nhà lãnh đạo, và nhà tâm lý học, bởi vì mọi HLV đều hiểu quá rõ về bóng đá, nên sự khác biệt chỉ được tạo ra trên những lĩnh vực khác. Ông ấy là giảng viên triết học, và tôi đã lĩnh hội được điều đó." - Mourinho kể lại trên BBC. Như Tito Vilanova từng bảo: "Hắn ta lải nhải về mọi thứ trong phòng họp báo, trừ bóng đá."

Hãy nhớ lại một chút. Trước trận chung kết Cúp UEFA năm 2003, Mourinho đã bắt đầu buổi họp báo bằng lời chỉ trích trực diện rằng chiến thuật của đối thủ Celtic là tiêu cực, thậm chí “khủng khiếp và hung hãn”. Hơn một thập kỷ sau, ông ví von lối chơi của West Ham là “kiểu đá của thế kỷ 19”. Nếu như khi còn ở Porto, ông đã ném chiếc áo đấu của kình địch Lisbon mà cầu thủ của ông vừa trao đổi với đối thủ xuống đất ngay trước hàng chục ống kính truyền hình, thì khi đã là HLV của Real Madrid, ông bắn tin cho cánh báo chí rằng tình bạn giữa Casillas và Xavi (Barca) khiến ông ngứa mắt. Dù là thô bạo hay không, thì Mourinho cũng luôn gửi đi một thông điệp: Có những kẻ thù không bao giờ được đội trời chung.

Tức là Mourinho không hề thay đổi từ những ngày đầu tiên. Như Gerard Houllier từng bảo, "30 phút trong cuộc họp báo là quãng thời gian quan trọng nhất trong một tuần", Mourinho đã sử dụng hiệu quả từng phút một để công kích các đối thủ của mình, và đó là một chiến lược đầy toan tính: HLV người Bồ nhớ mọi điểm yếu của những người ông tấn công. Với Wenger, ông mỉa mai chuyện không danh hiệu. Với Pellegrini, ông nhắc lại rằng HLV người Chile đã phá vỡ lời thề "không thèm đấu khẩu với Mourinho" khi hai người còn ở TBN. Với Ranieri, một HLV già cả tội nghiệp ít Cúp khác, Mourinho mắng rằng đó là một "HLV hạng hai" và một "ông già thất bại".

 Đừng nói chuyện đạo đức với Mourinho

Nhưng nghệ thuật của Mourinho không chỉ đơn giản là ghi nhớ và toan tính như những báo cáo phân tích các đối thủ của ông. Nó được biểu đạt bởi khả năng ngôn ngữ đặc biệt của ông, mà ví dụ điển hình là quãng thời gian Mourinho làm việc ở Inter. Khi mới đặt chân đến Italy, ông mới học tiếng Ý được ba tuần, nhưng đã đối đáp trôi chảy và chỉ một năm sau, bắt đầu dùng miệng lưỡi để khuấy tung phòng họp báo, mà "đỉnh cao" của sự cay nghiệt ngôn từ là định nghĩa "lũ điếm trí thức" ông gán cho cánh báo chí Italy.

Miệng lưỡi ấy được hỗ trợ bởi thần thái của một người Bồ Đào Nha tinh quái điển hình và cực kỳ bất cần, thậm chí đến mức coi thường những quy ước ứng xử của nghề HLV. Mourinho có thể chỉ trích rằng lối chơi của đối thủ quá tiêu cực, dù ông là một bậc thầy của bóng đá tiêu cực. Mourinho có thể lá mặt lá trái đến lật lọng: Hôm nay ông bảo rằng mình tôn trọng Wenger, nhưng ngày mai lại bảo đó là một chuyên gia thất bại, và ngày kia lại phủ nhận những lời mình đã nói.

Mourinho có lẽ đủ thông minh để hiểu rằng đạo đức và thể diện của ông sẽ bị đóng lên đinh câu rút, nhưng như ký giả Barclay đã viết trong tiểu sử của Ferguson về tâm lý chiến, "kẻ tàn ác hơn luôn chiến thắng", HLV người Bồ có lẽ không quan tâm đến chuyện tư cách của ông bị đem ra mổ xẻ như thế nào. Ông chỉ cần những lời nói của mình luôn phải thật cay độc và tàn phá sự tự tin của đối thủ. Đó không hẳn là một phương pháp được hoan nghênh, nhưng nó thực sự có hiệu quả.

Phạm An

Author Thethao247.vn / Theo Tạp chí Người Đưa Tin - Copy
Jose Mourinho Chelsea Ngoại hạng Anh chuyển nhượng Bóng đá Anh
Xem thêm
TIN NỔI BẬT