Huyền thoại MU - Sir Alex Ferguson đã chia sẻ về cuộc sống sau khi rời ghế huấn luyện Manchester United, nỗi nhớ công việc và những lo lắng về sức khỏe ở tuổi 82.
Sau 11 năm rời khỏi cương vị huấn luyện viên trưởng Manchester United, Sir Alex Ferguson vẫn là một cái tên không thể thiếu khi nhắc đến lịch sử huy hoàng của Quỷ đỏ. Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi với BBC Breakfast gần đây, huyền thoại 82 tuổi đã chia sẻ những suy nghĩ chân thành về cuộc sống sau khi giải nghệ, nỗi nhớ công việc huấn luyện và những lo lắng về sức khỏe của mình.
Sir Alex Ferguson nghỉ hưu vào cuối mùa giải 2012/13, sau khi dẫn dắt Manchester United giành chức vô địch Premier League lần thứ 13 dưới thời ông. Đây cũng là danh hiệu cuối cùng trong 38 danh hiệu mà ông đã mang về cho Quỷ đỏ trong 27 năm cầm quân, bao gồm 2 chức vô địch Champions League.
Khi được hỏi liệu có nhớ công việc huấn luyện hay không, Ferguson thẳng thắn chia sẻ: "Có, đôi khi tôi nhớ. Tôi nhớ nhất là năm đầu tiên sau khi nghỉ hưu. Khi tôi đến trận chung kết châu Âu, tôi đã nói với Cathy 'đây là điều tôi nhớ' - những trận đấu lớn, các trận châu Âu".
Ông tiếp tục: "Vì thế, tôi đã tham dự hầu hết các trận chung kết châu Âu, vì đó là những sự kiện lớn mà tôi luôn cảm thấy gắn bó, và Manchester United luôn xứng đáng góp mặt."
Những ký ức đáng nhớ về các trận chung kết Champions League dưới thời Ferguson vẫn còn sống động. MU đã giành chức vô địch Champions League trong cú ăn ba mang tính biểu tượng của họ vào năm 1999 và một lần nữa vào năm 2008. Câu lạc bộ cũng đã vào chung kết vào các năm 2009 và 2011, mặc dù phải nhận thất bại trước Barcelona của Pep Guardiola.
Mặc dù đã nghỉ hưu, Sir Alex vẫn là một gương mặt quen thuộc tại Old Trafford. Ông thường xuyên có mặt trong các trận đấu của United cả trên sân nhà và sân khách. Tại Old Trafford, một khán đài đã được đặt tên theo ông kể từ năm 2011, và một bức tượng của ông được đặt bên ngoài sân vận động.
Ferguson chia sẻ về cuộc sống sau khi nghỉ hưu: "Tốt chứ, tôi đã nghỉ hưu được 11 năm rồi nên phải tìm cách thích nghi". Ông cũng nói thêm rằng mình luôn tránh xa những rắc rối.
Tuy nhiên, cuộc sống của ông cũng gặp nhiều thử thách. Năm 2018, cựu chiến lược gia bị xuất huyết não và phải trải qua ca phẫu thuật khẩn cấp. Gần đây hơn, vào tháng 10 năm ngoái, ông đã mất đi người bạn đời Cathy sau 58 năm chung sống.
Ở tuổi 82, Ferguson thừa nhận ông lo lắng về sức khỏe, đặc biệt là trí nhớ. Ông chia sẻ: "Tôi đã 82 tuổi, nên việc lo lắng là điều hiển nhiên. Thực ra, trí nhớ của tôi vẫn ổn, tạ ơn Chúa, nhưng tôi không chắc nó có duy trì được như vậy không. Tôi thực sự lo lắng về điều này, 100%. Sẽ là nói dối nếu tôi nói mình không cảm thấy gì khác biệt".
Để duy trì sự minh mẫn, Ferguson đã áp dụng một số phương pháp: "Tôi đọc rất nhiều, tôi làm bài kiểm tra và tôi nghĩ điều đó có ích. Có các bài kiểm tra trên YouTube với 100 câu hỏi và nếu tôi không làm được 70 phần trăm thì tôi sẽ gặp khó khăn:.
Nỗi lo của Ferguson không phải là không có căn cứ. Những huyền thoại bóng đá như Bobby Charlton và Denis Law đã mắc phải chứng mất trí nhớ. Charlton đã qua đời ở tuổi 86 vào tháng 10 năm ngoái sau thời gian chống chọi với căn bệnh này, trong khi Law đang mắc bệnh Alzheimer ở tuổi 84.
Kể từ khi Ferguson rời đi, Manchester United đã phải vật lộn để duy trì vị thế thống trị như dưới thời ông. Nhiều huấn luyện viên tài năng đã đến và đi, bao gồm David Moyes, Louis van Gaal, Jose Mourinho, Ole Gunnar Solskjaer và Ralf Rangnick, nhưng không ai có thể tái hiện được thành công mà Ferguson đã mang lại.
Hiện tại, Erik ten Hag đang nắm quyền tại Old Trafford, và mặc dù đã có những thời điểm khó khăn, ông vẫn giữ được vị trí của mình nhờ chiến thắng trong trận chung kết Cúp FA trước Manchester City. Tuy nhiên, áp lực từ những ông chủ mới Sir Jim Ratcliffe và INEOS vẫn rất lớn, khi họ mong muốn đưa Man United trở lại thời kỳ hoàng kim như dưới thời đại huy hàng của Sir Alex Ferguson.