Các nhà sản xuất ô tô trên thế giới dự đoán năm nay sẽ là một năm đầy thách thức trong bối cảnh nhu cầu mua xe suy giảm, cùng với đó là chi phí sản xuất tăng cao.
Tập đoàn Mercedes-Benz Group AG ngày 8/5 cho biết sẽ kéo dài thời gian sản xuất ô tô sử dụng động cơ đốt trong do doanh số bán xe điện gây thất vọng.
Hãng xe Nhật Bản Toyota Motor Corp cũng sẽ tăng cường sản xuất dòng xe hybrid (sử dụng động cơ đốt trong kết hợp môtơ điện) sau khi ghi nhận doanh thu giảm tới 20% trong năm tài chính này.
Trong khi đó, BMW AG, dù có doanh thu bán xe điện khá tốt, cũng đang phải đối mặt với chi phí sản xuất ngày càng tăng.
Lạm phát kéo dài, tăng trưởng kinh tế chậm chạp ở châu Âu và sự phục hồi chậm hơn dự kiến ở Trung Quốc đang gây áp lực lên ngành ô tô. Các hãng xe điện Trung Quốc có mức giá bán thấp cũng tạo ra khó khăn cho các nhà sản xuất khác.
Giám đốc Tài chính Toyota Yoichi Miyazaki chia sẻ: “Cuộc chiến giá cả ở Trung Quốc đang ngày càng khó khăn hơn. Chúng tôi sẽ phải chịu đựng thêm vài năm nữa cho đến khi có thêm nhiều mẫu xe điện chạy bằng pin ra mắt."
Vào tháng 4, doanh thu của Mercedes giảm đáng kể do hãng thực hiện chuyển đổi mẫu mã và nhu cầu xe điện yếu, trong khi Volkswagen AG và Stellantis NV cũng có sự khởi đầu chậm chạp trong năm nay.
Nhà sản xuất phụ tùng đến từ Đức Continental AG kỳ vọng thu nhập sẽ cải thiện trong nửa cuối năm nhờ giá xe tăng và chi phí được cắt giảm. Doanh số bán xe điện của BMW tăng 28% sau khi thương hiệu Đức này giới thiệu nhiều mẫu xe chạy pin song song với các mẫu chạy xăng.
Tuy nhiên, đa số các hãng sản xuất ô tô đang gặp khó khăn do một số nước dừng trợ cấp cho xe điện, khiến loại phương tiện này kém hấp dẫn hơn trong mắt khách hàng.Vấn đề cơ sở hạ tầng và chi phí sạc cũng khiến người mua tiềm năng mất hứng thú.
Giám đốc Tài chính của Continental Katja Garcia Vila nhấn mạnh: “Một số khách hàng (các hãng xe) đã trì hoãn việc ra mắt sản phẩm, kể cả trong lĩnh vực xe điện, do đó gây ra sự chậm trễ trong việc tăng sản lượng của chúng tôi.”
Giám đốc điều hành Mercedes Ola Källenius thông báo rằng hãng sẽ tiếp tục sản xuất xe động cơ đốt trong và hybrid “vào thập kỷ 2030” nếu nhu cầu còn cao.Xe động cơ đốt trong cỡ lớn vẫn mang lại lợi nhuận lớn nhất, với Ferrari và Porsche nằm trong số các hãng đứng đầu.
Với việc Trung Quốc dự kiến bán xe động cơ đốt trong đến hết năm 2060, các hãng xe hạng sang vẫn thấy tiềm năng cho các sản phẩm truyền thống tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới.
Dù quá trình chuyển đổi sang xe điện chậm lại, các nhà sản xuất ô tô vẫn đang hướng tới tương lai.Toyota cam kết phát triển ô tô điện một cách dài hạn và sẽ đầu tư thêm 3,2 tỷ USD vào kế hoạch trung hòa carbon và phát triển phần mềm.
Ngày 7/5, Ferrari thông báo xây dựng nhà máy ở Italy để sản xuất xe hybrid và xe điện.Bên cạnh đó, cả BMW và Mercedes đều có kế hoạch giới thiệu thế hệ xe điện mới vào giữa thập kỷ này.