Một trong những ngành công nghiệp ô tô phát triển nhất thế giới hiện đang bị chú ý sau một loạt bê bối liên quan tới vấn đề chứng nhận xe hơi.
Theo tờ Drive (Úc), Chính phủ Nhật Bản đã tuyên bố tiến hành một cuộc điều tra sâu rộng về quy trình tự chứng nhận trong ngành công nghiệp ô tô nội địa.
Cụ thể, tờ Nikkan Jidosha Shimbun đưa tin Bộ Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải đã bắt đầu cuộc điều tra này để xác định liệu các hãng ô tô Nhật Bản có tuân thủ quy định về việc tự chứng nhận ô tô hay không.
Thông báo này được đưa ra chưa đầy sáu tháng sau khi Toyota thừa nhận phát hiện "sự không nhất quán" trong chương trình kiểm tra động cơ, khiến tập đoàn ô tô này phải tạm dừng sản xuất và vận chuyển một số mẫu xe.
Mãi đến cuối tháng 2 năm 2024, nhà chức trách mới hủy các cáo buộc cho Toyota và dỡ bỏ lệnh cấm vận chuyển.
Trước đó, thương hiệu xe nhỏ của Toyota, Daihatsu, đã bị phát hiện gian lận trong các bài kiểm tra an toàn, trong khi vào năm 2022, Hino – bộ phận sản xuất xe tải của Toyota – thừa nhận làm giả dữ liệu trong quá trình kiểm tra động cơ.
Những vụ bê bối này đã gây nên làn sóng phản đối, làm dao động niềm tin của khách hàng, buộc các cấp lãnh đạo của Toyota phải công khai xin lỗi.
Trước tình hình đó, chính phủ Nhật Bản đã quyết định xem xét kỹ lưỡng hơn các tổ chức được ủy quyền tự thực hiện các chứng nhận nhằm loại bỏ những sai sót tiềm ẩn.
Đây không phải lần đầu tiên ngành công nghiệp xe hơi Nhật Bản bỏ qua các quy định đã được đặt ra từ trước.
Vào những năm 1990, các nhà sản xuất ô tô xứ sở mặt trời mọc đã đưa ra cái gọi là "thỏa thuận quý ông", giới hạn công suất của tất cả các xe ở mức 206 kW (tương đương 276 mã lực), nhằm ngăn chặn cuộc đua hiệu suất ngày càng leo thang giữa các thương hiệu đối thủ.
Tuy nhiên, ở thời điểm đó, nhiều phương tiện được quảng cáo chỉ có công suất 206 kW, nhưng thực tế lại sản sinh công suất cao hơn nhiều, như Nissan Skyline GT-R, Toyota Supra và Subaru Impreza WRX STI 22B.