Bóng đá TP. HCM tụt dốc không phanh, cái giá của tư duy ‘ăn xổi’

20/08/2022 13:20 (GMT+7)

Sài Gòn FC cũng như CLB TP.HCM đang chia nhau 2 vị trí cuối bảng tại V-League 2022 và đây chính là cái giá của tư duy ‘ăn xổi’, thiếu bền vững.

Nghe nội dung bài viết

Phút lóe sáng hiếm hoi

Những người hâm mộ bóng đá TP.HCM đã từng sống trong những tháng ngày hạnh phúc sau khi chứng kiến 2 đội bóng đại diện cho thành phố mang tên Bác là Sài Gòn FC và CLB TP.HCM thi đấu thăng hoa ở mùa giải 2019, 2020. CLB TP.HCM về nhì tại V-League 2019 và 1 năm sau, Sài Gòn FC giành hạng 3 chung cuộc ở V-League 2020.

Những tưởng hai đội bóng này sẽ vực dậy thành công bóng đá của thành phố và trở lại với hình ảnh “ông lớn” của bóng đá phía Nam nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung. Tuy nhiên 2 mùa giải gần đây chứng kiến sự sa sút không phanh của cả hai đội. Điển hình như mùa giải 2021, Sài Gòn FC xếp áp chót trong khi đó CLB TP.HCM xếp hạng 11/14 đội sau 12 vòng đấu.

Cho tới V-League 2022, tình cảnh thậm chí còn thê thảm hơn rất nhiều. Sau 11 vòng đấu, Sài Gòn FC và CLB TP.HCM đang chia nhau 2 vị trí cuối cùng trên bảng xếp hạng. Sài Gòn mới có duy nhất 1 chiến thắng từ đầu giải trong khi con số này của “Chiến hạm đỏ” chỉ là 2. NHM bóng đá TP.HCM dường như đã tỉnh cơn mộng và dần mất niềm tin vào 2 “đứa con tinh thần” của họ.

Bóng đá TP. HCM tụt dốc không phanh, cái giá của tư duy ‘ăn xổi’ 174561
CLB TP.HCM và Sài Gòn đang chia nhau 2 vị trí cuối cùng trên BXH V-League 2022

Vì đâu nên nỗi?

Sài Gòn FC - “Dục tốc bất đạt” 

Với trường hợp của Sài Gòn FC, họ chưa bao giờ chiếm được hoàn toàn tình yêu của người hâm mộ TP.HCM. Ngay cả khi đội bóng này về thứ 3 ở mùa giải 2020 thì khán đài sân Thống Nhất cũng chưa bao giờ được phủ kín. Lý do rất đơn giản, họ mang tên Sài Gòn nhưng hồn cốt lại của CLB Hà Nội khi đội bóng của ông Nguyễn Giang Đông quyết định di cư vào Nam năm 2016.

Việc thiếu bản sắc dẫn đến việc đội bóng phát triển không bền vững. Nhưng khi họ nhận ra vấn đề thì thượng tầng đội bóng lại quá vội vàng trong việc cải tổ để chuyên nghiệp hóa CLB cũng như xây dựng bản sắc riêng cho mình. Chủ tịch hiện tại của đội là ông Trần Hòa Bình muốn “J-League hóa” đội bóng nhưng rõ ràng… dục tốc thì bất đạt!

Bóng đá TP. HCM tụt dốc không phanh, cái giá của tư duy ‘ăn xổi’ 174562
Kế hoạch "J-League hóa" của Sài Gòn FC được thực hiện quá vội vàng

Việc hợp tác với một nền bóng đá hàng đầu châu lục như Nhật Bản là điều rất đáng mừng. Tuy nhiên, CLB Sài Gòn thực hiện nó một cách vội vàng. Họ thay đổi 21 cầu thủ từ mùa giải 2021 trong khi lại thiếu đi lứa cầu thủ trẻ để kế cận. Những cầu thủ mới đến đều quá non yếu về trình độ, kinh nghiệm và không thể lập tức thấm nhuần tư duy chơi bóng hiện đại đến từ Nhật Bản.

Thất bại tại mùa giải 2021 khiến Sài Gòn FC tiếp tục vội vàng trong đường hướng phát triển ở mùa giải 2022. Họ lại “đập đi xây lại” đội bóng khi quyết định trẻ hóa lực lượng cũng như thay mới dàn ngoại binh. Với chất lượng đội hình thiếu chiều cả về chất và lượng, không mấy bất ngờ khi họ lại đang ngụp lặn ở đáy BXH V-League 2022.

CLB TP. HCM - Xây nhà từ nóc!

Sau khi bóng đá TP.HCM thật sự trở thành vùng trắng của V-League khi Sài Gòn Xuân Thành, Navibank Sài Gòn chính thức giải thể, CLB TP.HCM dần vươn lên như cứu cánh cuối cùng của người hâm bộ bóng đá thành phố mang tên Bác. Họ đã gặt hái được những thành công nhất định, đặc biệt là quãng thời gian gắn bó với HLV Chung Hae Seong.

Tuy nhiên thay vì phát triển bóng đá một cách bền vững khi đầu tư đồng bộ từ trên xuống, từ chất lượng cầu thủ, nâng cấp cơ sở vật chất cũng như đầu tư vào bóng đá trẻ thì CLB TP.HCM lại chỉ tập trung vào bề nổi. Họ chi rất nhiều tiền để đem về những bản hợp đồng đình đám có giá trị hàng chục tỷ tuy nhiên công tác đào tạo trẻ vẫn bị ngó lơ.

Bóng đá TP. HCM tụt dốc không phanh, cái giá của tư duy ‘ăn xổi’ 174563
CLB TP.HCM vẫn hoàn toàn ngó lơ với công tác đào tạo trẻ

Dẫu vậy cách mua ngoại binh của TP.HCM cũng rất “khác người”. Mùa giải 2021, họ mua toàn bộ những cầu thủ ở mặt trận tấn công tuy nhiên tất cả đều “hữu danh vô thực”. Ngoài Lee Nguyễn vẫn để lại chút dấu ấn thì những ngoại binh mà đội bóng này đem về trong 2 mùa giải qua đều để lại nỗi thất vọng to lớn. 

Đến tận mùa giải 2022, TP.HCM vẫn đang phải loay hoay để tìm nguồn ngoại binh chất lượng, gồng gánh đội bóng. Mùa này, hai tân binh là tiền vệ Bruno Consendey và tiền đạo Mauricio Cordeiro chưa ghi được bàn thắng nào. Trong khi đó, các chân sút nội lại chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của ban huấn luyện.

Thậm chí khi đội bóng đang gặp nguy, họ đã phải gọi trở lại Lee Nguyễn dù cầu thủ này vừa ổn định cuộc sống tại Mỹ chưa lâu. Việc thay tướng giữa chừng khi chủ tịch Nguyễn Hữu Thắng thay HLV Trần Minh Chiến sắm vai thuyền trưởng cũng khiến đội bóng không duy trì được sự ổn định cần thiết và sa sút là điều dễ dàng đoán được.

Bóng đá TP. HCM tụt dốc không phanh, cái giá của tư duy ‘ăn xổi’ 174564
"Con tàu đắm" TP.HCM đang được gửi gắm vào bàn tay lèo lái của HLV Nguyễn Hữu Thắng

V-League 2022 vẫn còn nửa mùa giải nữa và Sài Gòn FC cũng như CLB TP.HCM vẫn còn thời gian để thay đổi tình hình. Nhưng nếu nhìn vào chất lượng đội hình hiện tại của hai đội, chỉ có CLB TP.HCM là sáng cửa trụ hạng trong khi đó Sài Gòn FC nếu không nâng cấp đội hình thì rất khó để thoát ra khỏi vũng lầy hiện tại. 

Tuy nhiên đây cũng chỉ là bài toàn trước mắt để hai đội bóng này tiếp tục có mặt trên bản đồ của V-League mùa giải 2023. Nếu thật sự muốn phát triển bền vững cũng như lấy lại bản sắc của bóng đá TP.HCM, họ sẽ phải thay đổi rất nhiều về cách làm bóng đá. Phải từ bỏ tư duy ‘ăn xổi’ và không được nóng vội trong cuộc cách mạng của riêng mình. 

Phúc Minh
Theo ArtTimes - Copy 20.08.2022