(LMHT) Động thái gây tranh cãi này liệu có làm ảnh hưởng đến tâm lý của các tuyển thủ nhà T1?
Ngay sau khi giành vé tới tham dự Chung Kết Thế Giới 2024, ban lãnh đạo của T1 đã có một nước đi gây tranh cãi khi công bố dịch vụ trò chuyện mang tên “b.stage Pop”. Đây là một dạng fan service cho phép người hâm mộ tham gia một nhóm chat kín và được gửi tin nhắn trực tiếp tới các thành viên nhà T1.
Các tuyển thủ cũng sẽ dành thời gian trả lời lại tin nhắn, giải đáp các thắc mắc, chia sẻ về cuộc sống thường ngày cũng như các hoạt động giao lưu khác. Tất nhiên, họ không túc trực 24/07 mà chỉ dành ra một khoảng thời gian nhỏ trong ngày để kiểm tra hộp thư.
Dịch vụ trò chuyện này không còn xa lạ trong ngành giải trí tại Hàn Quốc và từng được áp dụng cho các nhóm nhạc KPOP. Đây là một cách để đội tuyển kiếm thêm doanh thu, bên cạnh các hoạt động livestream, quảng cáo và tiền thưởng từ giải đấu.
Theo thông báo từ T1, dịch vụ trò chuyện “b.stage Pop” sẽ chính thức được mở bán vào 12h00 ngày 20/09 (theo giờ Hàn Quốc). Dịch vụ sẽ chia làm 2 gói với mức giá cụ thể như sau:
- Trò chuyện với 01 tuyển thủ T1: 3,4 USD (khoảng 83.000 VNĐ) / tháng.
- Trò chuyện với 05 tuyển thủ T1: 13,4 USD (khoảng 329.000 VNĐ) / tháng.
Trước mắt, T1 sẽ mở chỉ mớ bán giới hạn các gói này trong vòng 2 tháng kể từ ngày 20/09 đến 18/11. Được biết, 18/11 là ngày hết hạn hợp đồng của 4 tuyển thủ nhà T1 bao gồm Zeus, Oner, Gumayusi và Keria.
Chỉ có Faker là còn hợp đồng đến hết ngày 17/11/2025. Việc giới hạn thời gian của T1 được cho là nhằm tránh các rủi ro về mặt pháp lý và phải bồi thường, cũng như tránh đưa ban lãnh đạo vào thế bất lợi khi đàm phán lương với tuyển thủ.
Kể từ sau khi bị antifan tấn công DDoS, T1 đã đối mặt với những khó khăn về tài chính do không thể livestream, thậm chí có thể phải bồi thường hợp đồng cho các nền tảng. Do đó, việc ban lãnh đạo tích cực "bào" các tuyển thủ trong những tháng cuối cùng này là điều hoàn toàn dễ hiểu. T1 cũng chỉ là một tổ chức kinh doanh, và lợi nhuận phải là thứ được ưu tiên hàng đầu.
Do tính năng được ra mắt vào thời điểm khá nhạy cảm nên T1 đã chịu về nhiều chỉ trích từ CDM. Một số người lo tuyển thủ sẽ bị ảnh hưởng thời gian tập luyện ngay trong kỳ Chung Kết Thế Giới quan trọng nhất. Một số khác thì e ngại antifan có thể lạm dụng dịch vụ để quấy rối, lăng mạ tuyển thủ. Điều này từng xảy ra trong các nhóm chat KPOP.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng việc được trò chuyện và nhắn tin với các tuyển thủ nhà T1 là một dịch vụ vô cùng hấp dẫn. Tin chắc rằng không ít người sẽ sẵn sàng chi ra hơn 3 USD mỗi tháng để được trò chuyện và nhắn tin với Faker. Tuy nhiên, với mức giá này, không loại trừ khả năng sẽ có nhân viên nhà T1 trả lời thay tuyển thủ.