Nhiều tài xế mới sử dụng phanh một cách không khoa học dẫn đến những sự cố đáng tiếc và thậm chí tai nạn thương tâm.
Nội dung chính
1. Kéo phanh tay sau khi về số P
Trong hộp số tự động có một chi tiết giữ gọi là chốt đỗ (parking pawl) hoặc theo cách gọi của ngành kỹ thuật cơ khí trong tiếng Việt là bánh răng cóc. Bánh răng này bám vào các ngàm giữ, được tạo cách đều nhau trên trục ra của hộp số.
Tuy nhiên, do nhỏ gọn nên bánh răng cóc có thể bị mài mòn dẫn tới trượt, thậm chí phá vỡ nếu bị tác động mạnh (trường hợp xe bị đâm từ phía trước hoặc phía sau), bánh răng có thể bị chốt bất ngờ khi trục hộp số đang quay. Thực tế rất hiếm khi rủi ro này xảy ra, nhưng để đảm bảo chi tiết luôn ở trạng thái làm việc tốt nhất nên về P đúng cách.
Thay vào đó tài xế nên thực hiện lần lượt các bước: Đạp phanh chân để xe giảm tốc và dừng lại, vào số N, kéo phanh tay thả phanh chân sau đó mới vào số P.
Nếu về P trước, vì có khoảng hở dù khá nhỏ giữa bánh răng cóc và ngàm giữ nên trục ra của hộp số sẽ quay, tăng sức ép lên bánh răng cóc. Sức ép này càng lớn nếu độ dốc nơi đỗ càng cao. Áp lực này về lâu dài có thể gây mòn chi tiết cơ khí.
Khi kéo phanh tay, xe đứng yên, lúc này về P, bánh răng cóc nằm gọn trong ngàm giữ giúp xe không bị xê dịch, không có lực ép. Nhờ đó, bánh răng cóc sẽ chia sẻ nhiệm vụ giữ xe đứng yên trên dốc với phanh tay, áp lực làm việc giảm, đỡ bị mài mòn.
2. Rà phanh khi đổ đèo, xuống dốc
Một số tài xế thường rà chân phanh để giảm tốc độ xe khi xuống dốc nhưng đó là cách hoàn toàn sai. Với những cung đèo dài, rà phanh liên tục sẽ khiến phanh nhanh nóng lên và có thể đến một thời điểm bị mất tác dụng dẫn đến xe lao tự do xuống dốc.
Thay vì rà phanh liên tục để giảm tốc độ khi đang đổ đèo, tài xế phải dùng lực hãm của động cơ xe để giảm tốc độ. Điều này thực hiện bằng cách chuyển cần số về số thấp.
Theo lời khuyên của các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về ô tô, khi xuống dốc, đổ đèo nên đi ở cấp số bằng hoặc thấp hơn cấp số vận hành khi điều khiển xe lên dốc.
Lực hãm của động cơ xe ở số thấp có hiệu quả cao hơn rất nhiều so với hệ thống phanh. Người lái phải về số thấp từ trước khi đổ đèo hoặc xuống dốc, vì một khi chiếc xe đã trôi dốc ở tốc độ cao, tài xế không thể điều khiển về số được nữa.
Đối với xe số tự động, tài xế cần chuyển về chế độ sang số bằng tay, được ký hiệu D1, D2 ... hoặc dấu (+) và (-) tùy theo loại xe để giảm cấp số của xe về số thấp. Ngoài ra một số loại xe còn trang bị lẫy chuyển số trên vô lăng để tăng hoặc giảm số, tài xế cần tham khảo kỹ hướng dẫn sử dụng để xử lý trong trường hợp cần thiết.
3. Quên hạ hoặc hạ chưa hết phanh tay
Việc quên phanh tay hoặc chưa hạ hết phanh tay lúc xe dừng, đỗ cũng vô cùng nguy hiểm. Khi cần số chưa về N hoặc xe dừng ở địa hình dốc thì dễ bị trôi. Có nhiều trường hợp khi xe bị trôi, lái xe vội vã vào ca-bin để đạp phanh nhưng lại đạp nhầm chân ga.
Mặc dù phanh tay ít được sử dụng hơn phanh chính và phanh chân nhưng khi đã làm việc thì hệ thống phanh này lại làm việc vài giờ có khi là vài ngày thậm trí là hàng tháng. Do đó, bạn nên tập tạo thói quen khi đỗ xe là phải kéo phanh tay còn khi xe di chuyển thì hãy kiểm tra tablo để chắc chắn mình đã hạ phanh tay.
Hệ thống phanh tay được thiết kế độc lập với hệ thống phanh khác. Hệ thống này có thể dùng phụ giúp cho phanh chân khi phanh chân gặp sự cố. Tuy vậy, về bản chất, phanh tay được thiết kế để hãm các bánh xe khi xe ở trạng thái dừng, nghỉ chứ không phải để giảm tốc. Chính vì vậy, nếu lái xe sử dụng hệ thống phanh tay để giảm tốc sẽ vô cùng nguy hiểm.
4 Hạ phanh tay khi xe chưa dừng hẳn
Bên cạnh việc quên hạ hoặc hạ chưa hết phanh tay, theo thói quen sử dụng ô tô hoặc sơ xuất khiến một số tài xế mới thường hạ thắng tay khi xe chưa dừng lại hẳn. Thật ra, phanh tay không được thiết kế cho khả năng dừng khi xe đang chạy, mà chỉ để giữ xe đứng yên khi xe đã dừng.
Trong trường hợp xe đang di chuyển hay chưa dừng lại hẳn, nếu tài xế sơ suất kéo phanh tay, lực phanh tác động lên 2 bánh sau hoặc 2 bánh trước tùy theo xe đó sử dụng hệ dẫn động cầu trước hay cầu sau, có thể dẫn đến hiện tượng trượt bánh, gây nguy hiểm.
Việc sử dụng phanh tay khi xe đang chạy, chỉ được các tay lái chuyên nghiệp áp dụng để trình diễn những màn drift xe. Tuy nhiên, các xe dùng để biểu diễn thường được “độ” lại hệ thống phanh tay để tạo ra lực phanh lớn hơn.
Với những mẫu xe đời cũ, trong trường hợp bất khả kháng khi phanh chân gặp sự cố, giải pháp được nhiều người sử dụng là kéo phanh tay, nhưng do lực tác động của phanh tay yếu hơn hoặc má phanh bị mòn, nên rất khó phát huy tác dụng.
>>Xem thêm: Kinh nghiệm lái xe số sàn an toàn: 5 điều cấm kỵ cần lưu ý