Quảng cáo

6 cách giúp vượt qua cảm giác quá tải trong công việc

Author Thethao247.vn Lê Nhung - 14:29 27/08/2018 GMT+7
Sự quá tải trong công việc là vấn đề vô cùng phổ biến ở bất kì ngành nghề, lĩnh vực nào, ai cũng đều có thể gặp phải mặc dù đó là việc làm yêu thích. Điều này sẽ gây ra nhiều hệ lụy như năng suất công việc không đảm bảo, luôn trong tình trạng lo lắng, không kiềm chế được cảm xúc… Vậy chúng ta cần làm gì khi khối lượng công việc vượt tầm kiểm soát?

Trao đổi về vấn đề này, Trưởng phòng Nhân sự công ty Tuyển dụng và tìm kiếm việc làm CareerLink cho biết sự quá tải là dấu hiệu làm việc quá sức mình, không biết phân phối hợp lý cũng như khối lượng công việc quá nhiều. Vì vậy, khi cảm thấy bị choáng ngợp trong công việc, vận dụng những chiến lược sau đây có thể giúp bạn quản lý hiệu quả.

Xem thêm các việc làm được cập nhật mới nhất tại careerlink.vn

Quyết định điều gì cần được thực hiện ngày hôm nay và tuần này

Có thể bạn sẽ thấy bị quá tải khi suy nghĩ về tất cả các công việc cần phải thực hiện trong những tháng tới. Thế nên, hãy ngừng lại việc suy nghĩ “tất cả cùng một lúc” đó mà chỉ nên nghĩ về ngắn hạn: hôm nay và tuần này cần phải làm gì. Việc chia nhỏ nhiệm vụ lớn thành những công việc nhỏ có thể giải quyết trong thời gian ngắn sẽ giúp bạn giảm bớt “gánh nặng” đáng kể.

Đừng làm anh hùng, hãy tìm kiếm sự trợ giúp!
Mặc dù khối lượng công việc đang “vượt ngưỡng” thế nhưng với cái tôi quá lớn nên bạn không muốn sự giúp đỡ của bất kì ai, bạn muốn tự lực cánh sinh để giải quyết chúng để rồi mọi việc ngày càng tệ đi. Thực sự đây không phải là một ý hay. Hãy dừng lại và hỏi: Tôi đang làm việc gì mà người khác cũng có thể đảm trách hoặc ít nhất là giúp đỡ?, sau đó đề nghị được hỗ trợ. Trong công việc chẳng thể tránh khỏi khó khăn, thế nên hãy nhờ sự trợ giúp khi cần thiết, vừa giúp bạn vượt qua được áp lực vừa không làm gián đoạn tiến độ các dự án quan trọng.

Ghi nhớ điều gì bạn có thể và không thể kiểm soát

Chúng ta thường tiêu tốn quá nhiều năng lượng cho các phần trong công việc mà chúng ta không thể thay đổi được. Do đó, hãy lập danh sách những gì cần làm trong tầm kiểm soát và tập trung thời gian, năng lượng của bạn ở đây đồng thời để qua một bên các vấn đề không thể tác động. Chỉ tập trung vào những gì bạn có thể giải quyết sẽ phần nào giúp giảm được các áp lực không đáng có.

Tâm sự với những người biết lắng nghe

Khi đã khá “mệt mỏi” với công việc hằng ngày, đối mặt với nhiều áp lực và quá tải về tinh thần thì bạn có thể tâm sự với ai đó để giãi bày tâm tư, những khúc mắc trong công việc. Chia sẻ cùng một người đồng nghiệp đáng tin cậy, hẹn một bữa cà phê cùng người bạn thân lâu ngày không gặp… biết đâu họ có thể cho bạn những lời khuyên hữu ích hay chí ít họ cũng sẽ lắng nghe những câu “than vãn” của bạn một cách chân thành, từ đó tâm trạng phần nào sẽ thoải mái hơn.

Thư giãn, nghỉ ngơi

Hãy cố gắng tạo điều kiện cho bản thân cách sinh hoạt lành mạnh, tập thể dục đều đặn và đặc biệt chú ý đến chế độ dinh dưỡng hằng ngày. Khi có được thể trạng tốt bạn sẽ khó bị đánh bại bởi áp lực, quá tải trong công việc. Nghỉ ngơi hợp lý cũng là một cách giúp tái tạo lại năng lượng, đầu óc sẽ trở nên minh mẫn hơn để giải quyết những khó khăn của công việc.

Sắp xếp trao đổi với cấp trên

Bạn thấy rằng công việc của mình hiện tại khá vất vả, một mình phải đảm đương và phụ trách khá nhiều nhiệm vụ, thường xuyên làm thêm giờ mới có thể giải quyết xong việc trong ngày… Đến lúc này bạn cần có một cuộc nói chuyện trực tiếp và nghiêm túc với sếp của mình, để bày tỏ những vướng mắc cũng như mong muốn cấp trên nhìn nhận và thấu hiểu được áp lực mà bạn đang gặp phải. Gợi ý với sếp rằng có thể chia bớt việc cho những đồng nghiệp khác hoặc tuyển thêm nhân sự.

career giảm căng thẳng công việc quản lí nhân sự
Xem thêm
TIN NỔI BẬT