Mazda đang cho thấy tham vọng lớn khi đẩy mạnh phát triển nhà máy sản xuất tại Thái Lan cũng như đưa vào lắp ráp ô tô tại Việt Nam sau những hiệu quả ngoài sức mong đợi từ những dòng xe chủ lực của mình.
Việc "cháy hàng" dòng SUV CX-5 trên toàn cầu đã khiến hai nhà máy Mazda tại Nhật phải hoạt động hết công suất. Vì vậy, Mazda buộc phải chuyển việc lắp ráp dòng CX-3 hoàn toàn mới sang Thái Lan.
Trong tháng 2 qua, khi ra mắt dòng Crossover phân khúc B CX-3 hoàn toàn mới, Giám đốc Mazda, ông Masamichi Kogai đã từng khẳng định hãng không có ý định chuyển giao việc lắp ráp ra nước ngoài. Tuy nhiên, kế hoạch này đã không thể được thực hiện vì sự "thành công" vượt xa mong đợi của CX-5.
Hiện nay, hai nhà máy Hiroshima và Hofu đang phải hoạt động đến 95% công suất và không thể tiếp nhận thêm bất kỳ dòng xe nào. Trong khi đó, sức hút của Mazda CX-3 không hề kém cạnh so với CX-5. Chính vì vậy, hãng xe Nhật quyết định chuyển sang lắp ráp tại nhà máy Rayong, thuộc liên minh AutoAlliance.
Bên cạnh kế thừa những công nghệ sản xuất của Ford - đối tác của Mazda trong liên minh AutoAlliance, nhà máy Rayong cũng sẽ nhập khẩu những công nghệ từ Nhật trong thời gian tới. Nhà máy này là nơi lắp ráp nhiều dòng xe ăn khách của của Ford và Mazda như Mazda 2, Ford Fiesta, Ford Everest, Ford Ranger và Mazda BT-50. Việc mở rộng sản xuất sẽ giúp nhà máy tăng sản lượng đến vài ngàn chiếc một tháng.
Ngoài việc giảm tải cho nhà máy tại Nhật, việc lắp ráp tại Thái Lan giúp Mazda giảm những khó khăn liên quan đến thay đổi tỷ giá, tránh phải chịu đánh thuế cao. Không riêng gì Mazda, các hãng sản xuất xe hàng đầu Nhật Bản khác như Subaru, Toyota đã nỗ lực tối ưu hóa chi phí và lợi thế cạnh tranh bằng cách mở rộng các nhà máy sản xuất tại những thị trường tiềm năng.
Theo nhiều nguồn tin đáng tin cậy, Mazda sẽ ra mắt dòng crossover phân khúc B Mazda CX-3 hoàn toàn mới tại nước ta trong năm sau. Nhiều khả năng hãng xe Nhật cũng sẽ lắp ráp dòng xe này ngay tại Việt Nam.
(Thep Đánh giá xe)