HLV Park Hang-seo chỉ là ‘số 3’ tại AFF Cup 2018?

31/10/2018 10:06 (GMT+7)

Thể Thao 247 - Đạt được thành công ngoài mong đợi với những đội tuyển trẻ ở Việt Nam nhưng HLV Park Hang-seo sẽ phải làm nhiều điều để chứng minh mình là số 1 tại AFF Cup 2018.

Video: HLV Park coi Công Phượng là lá bài tẩy

Bắt đầu chính thức dẫn dắt ĐTQG Việt Nam kể từ tháng 10/2017, HLV Park Hang-seo sớm gặt hái được thành công. Ông cùng ĐT Việt Nam chính thức giành vé dự Asian Cup 2019 ở trận đấu ra mắt, rồi sau đó là hành trình cổ tích đưa U23 Việt Nam giành ngôi Á quân châu lục. Tại ASIAD vừa qua, ĐT Olympic Việt Nam cũng tạo được ấn tượng mạnh khi giành hạng 4, sau thất bại ở bán kết với nhà vô địch của giải đấu, ĐT Olympic Hàn Quốc.

Gặt hái được những thành công cùng U23 Việt Nam chỉ 5 tháng sau thất bại của đội bóng này tại SEA Games 2017, HLV Park Hang-seo ngay lập tức được đánh giá cao. Tại AFF Cup 2018, ông cũng là một trong những nhà cầm quân được giới mộ điệu tin tưởng vào khả năng thành công của mình. Tuy nhiên, bản thân vị chiến lược gia người Hàn Quốc và ĐT Việt Nam sẽ gặp những trở ngại không nhỏ, tới từ những người đồng cấp có danh tiếng.

Park Hang-seo, ĐT Việt Nam, Việt nam, AFF Cup 2018

Ngay trước thềm AFF Cup 2018, ĐT Philippines công bố một thông tin gây sốc. Họ chính thức bổ nhiệm ông Sven-Goran Eriksson làm HLV trưởng ĐTQG nước này, và nhận nhiệm vụ ngay tại giải đấu hấp dẫn nhất khu vực.

HLV Park Hang-seo từng đạt được nhiều ấn tượng cùng các CLB hạng trung ở Hàn Quốc, và là trợ lý của HLV Guus Hinddink tại ĐT Hàn Quốc năm 2002, thời điểm họ đã vào tới bán kết World Cup. Thế nhưng, so về thành tích, ông Park không thể sánh bằng vị chiến lược gia người Thụy Điển.

HLV nổi tiếng Sven-Goran Eriksson đã từng tạo tiếng vang nhờ việc giúp ĐT Anh lọt tới tứ kết 2 kỳ World Cup (2002 và 2006). Ngoài ra, ông từng dẫn dắt ĐTQG Mexico, CLB Man City, CLB Fiorentina, CLB AS Roma và CLB Leicester City....

Park Hang-seo, ĐT Việt Nam, Việt nam, AFF Cup 2018

Ngoài ông Sven-Goran Eriksson, thì HLV trưởng của ĐT Thái Lan, ông Milovan Rajevac cũng đã từng 1 lần vào tới tứ kết World Cup. Năm 2010, khi dẫn dắt Ghana, vị chiến lược gia người Serbia đã làm nên điều thần kỳ trên đất Nam Phi. Họ suýt chút nữa đã vào tới bán kết, nếu A. Gyan không đá hỏng quả 11m ở phút bù giờ cuối cùng hiệp phụ thứ 2 trong trận đấu tứ kết gặp Uruguay (pha bóng mà Suarez dùng tay cản bóng đi qua vạch vôi).

Về thành tích cầm quân, HLV Park Hang-seo có lẽ khó lòng so sánh với 2 người đồng nghiệp. Tuy nhiên, về tính ‘thực chiến’ thì có lẽ đang có phần nhiều lợi thế dành cho ông Park.

Sau hơn 1 năm cầm quyền ở ĐT Việt Nam, có thể nhận thấy rõ HLV Park Hang-seo là một vị chiến lược gia rất biết cách sử dụng những cầu thủ đang có của bóng đá Đông Nam Á. Ông chú trọng vào phòng ngự nhiều hơn, nhưng lại có cách để tận dụng tối đa khả năng của các cầu thủ trên sân. Tính chiến thuật cũng được điều chỉnh để phù hợp với những con người mà ông đang có, đặc biệt là việc tận dụng các cầu thủ chạy cánh vốn ‘ham công hơn thủ’ của ĐT Việt Nam trong sơ đồ 5 hậu vệ. Khả năng thay người của vị chiến lược gia này là rất đáng nể, và trên hết mà cách gắn kết toàn đội của ông thầy người Hàn Quốc.

Park Hang-seo, ĐT Việt Nam, Việt nam, AFF Cup 2018

Trong khi đó, ông Milovan Rajevac của ĐT Thái Lan là một HLV chú trọng tới sức mạnh nhiều hơn là sự khéo léo. Dễ nhận thấy nhất khi ông loại toàn bộ các hậu vệ có khả năng cầm bóng tốt dưới thời HLV Kiatisuk để sử dụng những cầu thủ ‘lai Tây’ có chiều cao. Họ không tổ chức cầm bóng nhiều như xưa, thay vào đó là một chiến thuật trực diện hơn ở khả năng tấn công và chuyển đổi phòng ngự sang tấn công. Điều này có thể giúp họ thi đấu tốt với các đối thủ châu Âu hoặc Tây Á, nhưng ở Đông Nam Á, Thái Lan có thể sẽ đánh mất sức mạnh kiểm soát của mình.

Còn dấu ấn chiến thuật của HLV Sven-Goran Eriksson là một trong những điều mà người Anh từng cảm thấy chán ghét nhất. Ông cố gắng sử dụng một đội hình ‘toàn sao’ với những cặp Gerrard - Lampard hay Owen - Rooney, thậm chí là cả... Crouch, nhưng lại không giành được những hiệu quả cần thiết. Các bài vở của ĐT Anh khi đó chủ yếu là đánh biên và đá bóng dài, và khi Philippines không có 2 tiền vệ cánh đủ chất lượng, điều đó sẽ thực sự khó khăn. Ngoài ra, ông Sven-Goran Eriksson còn để lại nhiều ấn tượng xấu bên ngoài sân cỏ.

HLV Park Hang-seo có thể thua kém về danh tiếng và thành tích so với những người đồng nghiệp ở Đông Nam Á, nhưng về thực chiến và khả năng gắn kết toàn đội, chắc chắn vị chiến lược gia người Hàn Quốc không hề kém cạnh. Hãy cùng chờ xem tại AFF Cup 2018, ai mới thực sự chứng tỏ được bản thân.

* HLV ngoại thành công nhất AFF Cup là Peter Withe (người Anh), từng vô địch AFF Cup 2 lần cùng Thái Lan và 1 lần á quân với Indonesia. Tương tự, ông Alfred Reidl (người Áo) từng 3 lần Á quân AFF Cup (cùng Indonesia và Việt Nam) và 3 lần Á quân SEA Games (cùng Việt Nam). Các ông thầy nổi tiếng như Bryan Robson (HLV cũ của Thái Lan) hay Peter Reid (Thái Lan) đều trắng tay rời giải.

Xét về thành tích huấn luyện, chưa ai đạt tới khả năng của những HLV đương nhiệm là ông Sven-Goran Eriksson và ông Milovan Rajevac.

Theo Tạp chí Người Đưa Tin - Copy 31.10.2018