Bóng chuyền nữ Việt Nam đang trong những ngày tháng cực thịnh khi chúng ta liên tục gặt hái được thành công với thế hệ cầu thủ chất lượng như Nguyễn Thị Bích Tuyền hay Đặng Thị Hồng, v.v.
Không quá khi nói rằng bóng chuyền nữ Việt Nam đang ở trong giai đoạn hoàng kim nhất từ trước đến nay. Chúng ta liên tục gặt hái được những thành công vang dội ở cấp độ châu lục cũng như quốc tế, sở hữu lứa cầu thủ có chất lượng chuyên môn cao ở các cấp độ tuổi; trong đó, sự tỏa sáng của cặp đôi Nguyễn Thị Bích Tuyền - Đặng Thị Hồng là minh chứng, là hình ảnh rõ nét nhất về hiện tại và tương lai của bóng chuyền nước nhà.
Sau gần 3 năm vắng bóng ở cấp độ đội tuyển quốc gia, Nguyễn Thị Bích Tuyền đánh dấu sự trở lại bằng việc cùng đội tuyển Việt Nam tham dự AVC Challenge Cup cuối tháng 5 vừa rồi. Trong suốt thời gian đó, Bích Tuyền đã phải vật lộn với chấn thương, chịu đựng áp lực từ một bộ phận NHM bóng chuyền nước nhà cũng như khu vực, đặc biệt là Thái Lan bởi những vấn đề liên quan đến giới tính, bị chỉ trích vì từ chối lên tuyển thi đấu bởi lí do cá nhân.
Gạt hết những lùm xùm sang một bên, Bích Tuyền đã có lời khẳng định đanh thép đến tất cả bằng màn trình diễn trên sân bóng của mình. Trong bối cảnh chủ công - đội trưởng Trần Thị Thanh Thúy dính chấn thương và chỉ mới trở lại ở giải thế giới FIVB Challenger Cup, Bích Tuyền chính là niềm hi vọng số 1 của bóng chuyền nữ Việt Nam, liên tục đưa chúng ta lên đến tột đỉnh vinh quang.
Tại AVC Challenge Cup 2024 - nơi Việt Nam bảo vệ thành công chức vô địch để giành quyền dự giải thế giới, Nguyễn Thị Bích Tuyền tỏ ra quá vượt trội để giành danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất giải. Đến giải FIVB Challenger Cup vừa qua, cô gái quê Vĩnh Long tiếp tục khẳng định đẳng cấp khi ghi đến 77 điểm sau 3 trận, viết nên lịch sử cho bóng chuyền nước nhà khi có lần đầu đạt huy chương ở giải đấu cấp độ thế giới.
Cá biệt như ở trận tranh hạng 3 với Bỉ, Bích Tuyền có 2 tình huống đập bóng ghi điểm với tốc độ 106km/h và 107km/h, chứng minh một điều rằng bản thân Tuyền hay các cầu thủ khác của nước nhà hoàn toàn có thể ghi dấu ấn mạnh mẽ ở đấu trường quốc tế.
Ở cấp độ trẻ, đàn em của Bích Tuyền - Đặng Thị Hồng cũng cho thấy tiềm năng phát triển to lớn của mình. Từng bị đánh giá có lối đánh thiên về sức mạnh, thiếu đi sự khéo léo dẫn đến việc dễ bị gặp khó khi gặp hàng chắn cao, Đặng Hồng đã nỗ lực từng ngày để cải thiện năng lực của mình từ những giải đấu trẻ tại Việt Nam, giải VĐQG cho đến sân chơi U20 châu Á.
Tại giải U20 châu Á, Đặng Thị Hồng chính là cây ghi điểm số 1 của đội tuyển U20 Việt Nam. Không chỉ có sức bật và lực đập rất ấn tượng, tuyển thủ thuộc biên chế Thái Nguyên chơi "khôn bóng" hơn rất nhiều: từ lách chắn, đánh lỏng tay cho đến bỏ nhỏ khiến không ít người bất ngờ. Phong độ chói sáng ấy của Đặng Hồng giúp U20 Việt Nam làm nên lịch sử khi cán đích ở vị trí thứ 5 chung cuộc, lần đầu giành quyền dự giải U21 thế giới.
Đặc biệt, ở trận đấu với Kazakhstan có tính chất quyết định đến cơ hội lọt top 5 giải đấu, Đặng Thị Hồng ghi tới 37 điểm - một con số có quá nhiều sức nặng.
Đáng chú ý, Đặng Hồng rất mến mộ, tôn trọng Bích Tuyền, coi người đàn chị như là một hình mẫu để bản thân hướng đến trong sự nghiệp. Đó thực sự là một tín hiệu tích cực với bóng chuyền nước nhà: chúng ta đang có thế hệ cầu thủ vừa tài năng, vừa ham học hỏi, nỗ lực hết mình để không ngừng nâng cấp bản thân.
Nếu có thêm cơ hội được cọ xát với các đội tuyển chất lượng ở khu vực và thế giới, bóng chuyền nữ Việt Nam hoàn toàn có thể tiến xa hơn trong tương lai gần.