Nhà báo Bruno Vespa khiến người hâm mộ bóng chuyền nước Ý bất bình khi có những phát ngôn được cho là phân biệt chủng tộc đối với hai cầu thủ Paola Egonu và Myriam Sylla.
Đội tuyển bóng chuyền nữ Ý có lần đầu tiên trong lịch sử đứng trên bục cao nhất tại một kỳ Thế vận hội với tấm HCV tại Paris 2024. Các tuyển thủ áo thiên thanh đánh bại Mỹ với tỉ số 3-0 trong trận chung kết, qua đó khép lại giải đấu với thành tích bất bại.
Tuy nhiên, ngay sau chiến thắng phi thường của tuyển bóng chuyền nữ nước nhà, một cuộc tranh cãi lớn đã nổ ra xoay quanh phát ngôn của của một nhân vật "cộm cán" trong giới báo chí Ý.
Trong nỗ lực cung cấp một góc nhìn xã hội-chính trị về chiến thắng lịch sử của bóng chuyền nữ, nhà báo kiêm người dẫn chương trình truyền hình, Bruno Vespa đã gây ra làn sóng phẫn nộ trên mạng.
Trong một bài đăng trên X, Vespa viết: “Đội tuyển bóng chuyền nữ quốc gia thật phi thường. Chúc mừng Paola Enogu và Myriam Sylla: giỏi, da đen, người Ý. Ví dụ của sự hòa nhập thành công”. Thậm chí, ông còn viết sai tên của đối chuyền Paola Egonu thành "Enogu".
Ngay lập tức, những ý kiến phản bác xuất hiện, trong đó nhấn mạnh rằng hai vận động viên này là người Ý chính gốc: “Họ sinh ra ở Ý, ông ta đang nói về sự hòa nhập gì vậy?"; “Da đen? Ông nhất thiết phải nhấn mạnh màu da của họ sao?”.
Nhiều bài đăng khác củng cố cùng một quan điểm, đến mức bây giờ bài viết của Bruno Vespa phải đi kèm với một cảnh báo chung của độc giả: “Egonu và Sylla là người Ý và sinh ra ở Ý. Nói 'hòa nhập' là sai và gây hiểu lầm”.
Để chứng minh phát ngôn của Vespa thiếu căn cứ, cộng đồng mạng đã chỉ ra rằng Paola Egonu sinh ra tại Cittadella, tỉnh Padova, trong khi Myriam Sylla là người Palermo.
Ông Bruno Vespa sau đó đã phản hồi các chỉ trích qua mạng xã hội: “Tôi biết rất rõ rằng Egonu và Sylla sinh ra ở Ý. Nhưng điều này có đủ để đưa họ khỏi những tranh cãi khi họ sinh ra với màu da như vậy không? Ngay cả họ cũng phải hòa nhập vào một thế giới phân biệt chủng tộc hơn chúng ta tưởng tượng”.