Nhật Bản - Hai tờ báo lớn của Nhật Bản cho rằng Toyota và Daihatsu cần phối hợp chặt chẽ để giải quyết vấn đề hiện tại
Nội dung chính
Tuần trước, Bộ Giao thông và Hạ tầng đất, Công trình và Du lịch Nhật Bản đã thông báo rằng họ sẽ thu hồi chứng nhận sản xuất của ba mẫu xe Daihatsu (hãng con của Toyota), do gian lận trong các bài kiểm tra an toàn.
Daihatsu sẽ không thể sản xuất các phương tiện này cho đến khi hãng lấy lại được chứng chỉ.
Truyền thông Nhật Bản nói gì về bê bối của Daihatsu?
Mới đây, hai tờ báo nổi tiếng tại Nhật Bản là Yomiuri và Sankei đã đề cập đến chủ đề này trong các bài viết của họ, cho rằng Toyota và Daihatsu cần thay đổi để cải thiện tình hình
Cải cách văn hóa doanh nghiệp
Trong bài viết mới đăng tải, Yomiuri đặt tiêu đề, "Hệ thống an toàn quốc gia đã bị rúng động," và chỉ ra rằng "Daihatsu phải hợp tác với công ty mẹ của mình là Tập đoàn Toyota, để cải cách văn hóa doanh nghiệp."
Báo cáo của tờ Sankei cũng cho biết, "Việc gian lận trong kiểm tra an toàn là một hành vi xấu và đòi hỏi sự trừng phạt nghiêm khắc”. Thêm vào đó, Daihatsu phải ngay lập tức thực hiện các cải cách cơ bản trong quản lý để ngăn chặn tình trạng này tái diễn."
Tập đoàn Toyota có thể bị suy giảm lòng tin từ khách hàng
Tờ Yomiuri cho biết: "Tập đoàn Toyota đã trải qua một loạt vi phạm tại các công trường sản xuất và các công ty con của nó, như Hino Motors và Toyota Industries, cũng đã bị thu hồi chứng nhận sản xuất. Nếu tính cả Daihatsu, có tổng cộng ba công ty trong tập đoàn Toyota bị ảnh hưởng."
"CEO Toyota Koji Sato đã công bố ý định cải cách cơ cấu quản lý của Daihatsu. Chúng tôi hy vọng ông sẽ xem xét lại cơ cấu quản trị của tập đoàn và thể hiện sự kiên định mạnh mẽ trong việc loại bỏ gian lận", Yomiuri nhấn mạnh.
Nhật báo Sankei viết, "Sự quản trị tập đoàn (quản trị doanh nghiệp) cũng đang bị đặt ra câu hỏi. Chủ tịch Akio Toyoda đang tiến hành xem xét và sẽ sớm có lời giải thích."
"Để dừng lại vấn đề này, việc điều tra nguyên nhân cốt lõi là rất cần thiết. Nếu tình hình tiếp tục, Toyota có thể mất uy tín, vì vậy tôi hy vọng họ sẽ luôn ghi nhớ điều này trong tâm trí và làm việc chăm chỉ để thực hiện cải cách."
Theo trang Response (Nhật Bản), một số người tin rằng nguyên nhân khiến các vụ bê bối của Tập đoàn lan rộng đến như vậy là do chủ tịch Akio Toyoda đã nắm giữ vị trí này trong vòng 13 năm.
Nikkei Asia dự tính Daihatsu Motor có thể phải chịu thiệt hại hơn 100 tỷ yên (tương đương gần 17.000 tỷ đồng) do vụ scandal gian lận an toàn, bao gồm khoản chi phí đến từ việc đóng cửa nhà máy và bồi thường cho các nhà cung cấp.