Nếu bắt buộc phải chạy xe qua vùng ngập lụt, tài xế cần tránh di chuyển qua đoạn đường ngập sâu, đi với tốc độ cao hoặc tăng giảm tốc đột ngột.
Nội dung chính
Các chuyên gia an toàn trên toàn thế giới không hề khuyến khích việc lái xe trong điều kiện ngập lụt do tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn cho cả người điều khiển và các phương tiện xung quanh.
Tuy nhiên, trong một số tình huống bắt buộc phải di chuyển qua khu vực ngập lụt, tài xế cần lưu ý tránh những sai lầm dưới đây để đảm bảo an toàn.
Di chuyển qua đoạn đường ngập sâu
Mức nước càng cao, nguy cơ nước thâm nhập vào họng gió và ống xả càng lớn, dễ gây ra tình trạng thủy kích và hư hại động cơ. Do đó, tài xế nên lựa chọn những đoạn đường ít ngập nhất để di chuyển.
Phần giữa tim đường thường là cao nhất, nước sẽ chảy về hai bên lề và xuống cống thoát nước, vì vậy đây là nơi an toàn hơn để xe di chuyển.
Tuy nhiên, tài xế cần lưu ý rằng một số đoạn đường có thể không đều, phần tim đường có thể thấp hơn các khu vực khác. Do đó, việc quan sát các xe đi trước là cần thiết để đánh giá độ sâu của nước và tránh những khu vực nguy hiểm.
Chạy với tốc độ cao qua đoạn ngập
Lái xe tốc độ cao qua vùng ngập sẽ tạo ra sóng nước mạnh, lan rộng ra hai bên. Sóng này có thể khiến nước tràn vào các phương tiện khác, đặc biệt là xe máy, thậm chí nguy hiểm hơn là khiến người điều khiển xe máy mất lái và bị cuốn trôi.
Do đó, tài xế nên di chuyển chậm rãi và đều đặn, nhằm hạn chế hiện tượng sóng nước. Khi di chuyển chậm, cần chuyển về số thấp để giữ tua máy ở mức cao, giúp hạn chế nước thâm nhập vào ống xả. Đặc biệt, tránh dừng xe hoàn toàn ở những đoạn ngập sâu, giữ cho xe di chuyển liên tục với tốc độ chậm, nối đuôi theo các xe phía trước.
Không nhường đường ở đoạn đường hẹp
Khi hai xe ô tô di chuyển cùng lúc qua đoạn đường ngập và hẹp, sóng nước do hai xe tạo ra có thể va vào nhau, khiến nước dao động mạnh và dễ xâm nhập vào họng gió, gây thủy kích.
Trong tình huống này, tài xế cần nhường nhau, di chuyển lần lượt từng xe qua đoạn ngập, hoặc nếu không thể chờ đợi, hãy di chuyển với tốc độ chậm để giảm thiểu nguy cơ.
Không làm khô phanh sau khi thoát ngập
Hệ thống phanh bị ướt sẽ làm giảm hiệu quả hoạt động. Sau khi di chuyển qua đoạn ngập, tài xế cần đạp phanh liên tục để tạo ma sát giữa má phanh và đĩa phanh, giúp làm khô bộ phận này và tăng hiệu quả phanh.
Nếu xe chết máy ở vùng ngập sâu, nước đã vượt quá mức đầu xe, tuyệt đối không khởi động lại động cơ. Hành động này có thể gây hư hỏng nghiêm trọng do thủy kích. Thay vào đó, hãy rời khỏi xe và di chuyển đến khu vực an toàn, sau đó liên hệ với lực lượng cứu hộ, chức năng và bảo hiểm để giải quyết sự cố.