Cùng tìm hiểu về VNG, kỳ lân công nghệ tỷ đô, công ty game lớn nhất tại Việt Nam.
Nội dung chính
VNG là cái tên đã không còn xa lạ với cộng đồng game thủ. Họ là nhà phát hành game lớn nhất, có mặt từ rất sớm và đứng sau nhiều sản phẩm đình đám đã gắn liền với tuổi thơ của nhiều game thủ Việt. Trong bài viết này, hãy cùng chúng tôi điểm qua tất tần tật các thông tin quan trọng về kỳ lân công nghệ VNG.
Tiểu sử công ty VNG
- Tên đầy đủ: Công ty cổ phần VNG.
- Tên cũ: VinaGame.
- Thành lập: 09/09/2004.
- Trụ sở: VNG Campus, Z06 Đường số 13, Phường Tân Thuận Đông, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Nhà sáng lập: Lê Hồng Minh.
- Khẩu hiệu: Kiến tạo công nghệ và phát triển con người. Từ Việt Nam vươn tầm thế giới.
Đi lên từ con số không
VNG được thành lập vào ngày 9 tháng 9 năm 2004 với tên gọi VinaGame và nguồn vốn ít ỏi từ Founder Lê Hồng Minh cùng một vài người bạn. Tựa game đầu tiên được VNG đem về Việt Nam là Võ Lâm Truyền Kỳ.
Nhờ sự đồng điệu về văn hóa, tựa game MMORPG từ Trung Quốc này nhanh chóng tạo được thành công vang dội tại thị trường Việt Nam, trở thành bệ phóng vững chắc cho VNG từng bước trở thành một gã khổng lồ trong lĩnh vực công nghệ.
Nhà phát hành của nhiều siêu phẩm
Sau Võ Lâm Truyền Kỳ, VNG tiếp tục phát hành nhiều tựa game nổi tiếng như:
- Gunny
- Khu Vườn Trên Mây
- Nhà Hàng Vui Vẻ
- Võ Lâm Chi Mộng
- Võ Lâm Truyền Kỳ II
- Kiếm Thế
- Boom Online
- PUBG Mobile
- VALORANT
- Liên Minh Huyền Thoại
- Liên Minh Huyền Thoại: Tốc Chiến
Lấn sân sang mảng công nghệ
VNG lấn sân sang mảng ứng dụng công nghệ từ rất sớm với phần mềm CSM và trang thương mại điện tử 123 và thương vụ mua lại cổng thông tin Zing năm 2006 - 2007.
Đến năm 2009, VNG cho ra đời mạng xã hội Zing Me và thu về 4 triệu người dùng chỉ trong vòng một năm. Tuy nhiên, mạng xã hội này sau đó không thể cạnh tranh với các đối thủ cùng ngành, tụt hạng dần từ năm 2012 và cuối cùng đóng cửa vào tháng 01/2020.
Năm 2012, VNG ra mắt Zalo, ứng dụng di động cho phép người dùng nhắn tin và gọi điện miễn phí. Đây là ứng dụng thành công nhất của hãng.
Năm 2017, VNG tiến vào mảng thanh toán trên đi dộng với ứng dụng ZaloPay.
"Kỳ lân công nghệ" đầu tiên của Việt Nam
Năm 2014, VNG được World Start-up Report định giá 1 tỉ USD, trở thành "kỳ lân" đầu tiên tại Việt Nam. Như vậy, chỉ sau 10 năm ra mắt, với số vốn ban đầu ít ỏi, VNG đã từ một công ty nhỏ vô danh trở thành một đế chế hùng mạnh trong làng công nghệ.
Tính đến năm 2023, Việt Nam cũng chỉ có 4 công ty kỳ lân là VNG, VNLIFE, Sky Mavis và MoMo. Trong đó, cả VNG và Sky Mavis đều hoạt động trong mảng game.
VNG phát hành cổ phiếu
Ngày 05/01/2023, VNG chính thức đưa công ty của mình lên sàn chứng khoán với mã giao dịch là VNZ. Bạn không nên nhầm lẫn với mã chứng khoán VNG của VINAGOLF, nay là CTCP Du lịch Thành Thành Công.
Lộ thông tin hàng triệu người dùng
Vào ngày 24/04/2023, dữ liệu tài khoản từ hơn 163 triệu khách hàng Zing ID của VNG bị hacker rao bán công khai trên Raidforums. Các thông tin bị rò rỉ bao gồm: mật khẩu, tên đăng nhập, code game, email, số điện thoại, tên đầy đủ, ngày sinh, địa chỉ, IP, thành phố, quốc gia sinh sống... Đây là những thông tin vô cùng nhạy cảm có thể bị lợi dụng nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và giả mạo danh tính.
Đến tối ngày 27/04/2023, phía VNG tuyên bố đã ghi nhận sự việc và có các biện pháp xử lý nhằm giới hạn số lượng người dùng bị ảnh hưởng. Công ty này cũng tiết lộ rằng nạn nhân của sự cố chủ yếu tập trung vào tệp khách hàng game thủ, không ảnh hưởng tới các sản phẩm khác.
Bị phạt do chậm công bố thông tin
Tháng 08/2024, VNG bị phạt 92.5 triệu đồng do vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán. Được biết, công ty này đã không công bố thông tin đầy đủ và kịp thời theo quy định (các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán phải công khai một số thông tin cho công chúng).