Tay vợt người Iran tiếp tục làm hài lòng người hâm mộ mặc dù đã bước sang tuổi 64.
Vua hài của làng tennis Mansour Bahrami khẳng định: “Chúng tôi ở đây để khiến mọi người vui vẻ. Bạn không thể vừa làm trò hề và giành chiến thắng cùng một lúc. Nếu muốn giành chức vô địch, bạn phải thực sự nghiêm túc”.
Có thể nói tay vợt người Iran đã chọn đóng vai một chú hề khi ông chỉ mới đi được đến vòng thứ hai trong sự nghiệp đánh đơn của mình tại Grand Slams. Tuy nhiên, điều đó không thể hiện sự thiếu tôn trọng với Bahrami, vì ông đã mang lại rất nhiều niềm vui cho những người hâm mộ trên toàn thế giới trong suốt sự nghiệp kéo dài hơn 40 năm của mình.
Người xem có thể dễ dàng nhận ra Bahrami với bộ ria mép đặc biệt, chiếc áo sơ mi hở cổ và khiếu hài hước tuyệt đỉnh. Những trò đùa của ông đều hết sức giá trị, dù đó chỉ là giả vờ ăn một quả bóng tennis, một cú đánh lừa điên rồ hay bắt chước một người xem đang ngạc nhiên thán phục cú giao bóng của chính mình.
Rod Laver, một trong những tay vợt thành công nhất trong lịch sử quần vợt, cho rằng Bahrami là tay vợt có tài nhất từ trước đến nay. Nhưng nếu như vậy, tại sao ông lại không tiến xa hơn ở Wimbledon? Có thể nói đó là do sự cản trở từ các nhà cầm quyền ở quê hương ông.
Trò chuyện với kênh tin AlJazeera về thời thơ ấu, ông cho biết: “Cha tôi là người làm vườn trong khu liên hợp thể thao lớn nhất ở Iran. Từ hồi mới hai, ba tuổi, tôi đã đặt chân đến rất nhiều loại sân thể thao. Tôi được phép chơi bất cứ môn thể thao nào ngoại trừ quần vợt vì nó chỉ dành cho giới thượng lưu và những người giàu có”.
Nhưng điều đó không thể ngăn cản ông. Bahrami dùng chảo kim loại, miếng gỗ để tự làm vợt thủ công. Ông nhớ lại: “Vào năm tôi 13 tuổi, liên đoàn cần những tay vợt mới nên họ đã đưa cho tôi hai cây vợt và cho phép tôi thi đấu. Ba năm sau, tôi có mặt trong đội tuyển quốc gia và chơi ở Davis Cup”.
Ở tuổi 16, Bahrami có vẻ đang trên con đường trở thành một tay vợt vĩ đại khi được tham gia một trong những giải đấu nổi tiếng nhất. Tuy nhiên, khi nhà lãnh đạo Hồi giáo lên nắm quyền Iran vào năm 1980, các sân tennis bị đóng cửa và môn thể thao này bị cấm. Mansour đã có thể từ bỏ cuộc sống, gia đình và quốc tịch của mình để tiếp tục sự nghiệp, nhưng ông từ chối.
Ba năm sau, khi các điều lệ được nới lỏng, Bahrami trở lại sân đấu. Sau khi vô địch một giải đấu ở Tehran, ý kiến từ người bạn gái đã giúp ông mở ra cánh cửa đến với sự nghiệp quần vợt chuyên nghiệp.
Bahrami chia sẻ: “Tôi đã thắng giải đấu với phần thưởng là một tấm vé đến Athens và tôi tặng nó cho bạn gái của mình. Hôm sau, cô ấy quay lại và nói rằng tôi nên giữ nó và trả thêm 200 đô la để đổi vé đến Nice, như vậy tôi sẽ có cơ hội chơi quần vợt”.
Nhưng trước khi đạt được thành công, ông gặp phải một khó khăn mới. Để chi trả cho chi phí sinh hoạt ở Pháp, ông cần kiếm được nhiều tiền hơn trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, ông lại đổ hết tiền của vào sòng bạc ngay trong đêm đầu tiên!
Ông cho biết: “Tôi chọn Pháp vì ở đó có hàng trăm giải đấu cỡ nhỏ. Nhưng phải thắng thì mới nhận được tiền thưởng. Tôi lang thang trên đường phố Paris trong nhiều tuần liền vì không kiếm được chỗ ngủ”.
Cuối cùng, khi thị thực Pháp của Bahrami hết hạn, ông trở thành một người nhập cư bất hợp pháp. Ông sợ gặp phải cảnh sát bởi nếu họ yêu cầu cung cấp giấy tờ hoặc ID, ông sẽ bị đưa về Iran ngay lập tức.
May mắn thay, kỹ năng quần vợt và nỗ lực của ông đã được đền đáp. Bahrami được phép tham gia giải ATP với tư cách là một tay vợt chuyên nghiệp ở tuổi 30. Mặc dù tất cả những thành tựu tốt nhất của Bahrami đều đến sau khi ông ba mươi tuổi, nhưng ông không buồn hay tức giận mà luôn cảm thấy mình là một người may mắn.
Bước sang tuổi 65 vào tháng 4 này, Bahrami vẫn tiếp tục gắn bó với bộ môn quần vợt và mang đến những phút giây giải trí cho khán giả tại các giải đấu Invitational. Sau nhiều thập kỷ tham gia thi đấu đôi chuyên nghiệp, hợp tác với những tay vợt như Henri Leconte và Yannick Noah, Bahrami vẫn là một trong những ngôi sao quần vợt đầy thu hút.
Ông chia sẻ với Al Jazeera: “Kể từ năm 15 tuổi, tôi luôn đặt niềm vui của người hâm mộ lên trước hết. Tôi muốn mọi người có một khoảng thời gian vui vẻ. Có hàng trăm trận đấu mà tôi có thể thắng với tỷ số 6-2, 6-3, nhưng tôi cố tình kéo dài thời gian thi đấu và thắng 7-5 ở hiệp thứ ba, nhiều trận tôi đã thua”.
Cơ hội để giành được vinh quang cho riêng mình của Bahrami có thể đã không còn nữa nhưng ông vẫn là một trong những vận động viên quần vợt nổi tiếng nhất trong 50 năm qua. Bahrami cho rằng nụ cười của khán giả là điều khiến ông trở thành người hạnh phúc nhất trên toàn thế giới.
Nếu đột nhiên thấy Mansour Bahrami xuất hiện trên ti vi hay trên mạng, bạn sẽ bị cuốn vào và đắm chìm trong những trận cười sảng khoái hàng giờ liền. Đó là sức mạnh của vua hài giới quần vợt.