Quảng cáo

5 chiến thắng điên rồ nhất lịch sử bóng đá Việt Nam

Thứ năm, 20/06/2019 17:50 PM (GMT+7)
A A+

30 năm kể từ ngày bóng đá Việt Nam hội nhập, chúng ta đã chứng kiến không ít những trận đấu căng thẳng và NHM chỉ vỡ òa khi tiếng còi kết thúc vang lên.

Việt Nam 3-0 Thái Lan (Tiger Cup 1998)

Kể từ năm 1989, bóng đá Việt Nam đã hội nhập trở lại đấu trường khu vực. Thực tế dưới sự dẫn dắt của các HLV ngoại như Edson Tavares, Karl Heinz Weigang, đội tuyển Việt Nam đã có những chiến tích đáng nhớ. Đặc biệt là tấm HCB ở SEA Games 1995 và HCĐ Tiger Cup 1996.

Nhưng với lứa Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Văn Sỹ Hùng thì trận đấu ấn tượng nhất trong sự nghiệp chỉ đến với họ sau đó 2 năm. Lần đầu tiên Việt Nam đăng cai giải đấu tầm cỡ khu vực với tên gọi lúc bấy giờ là Tiger Cup 1998. Ở trận bán kết, Việt Nam chạm trán Thái Lan, đối thủ được xem là thế lực ở đấu trường Đông Nam Á. Đêm Quốc khánh tại sân Hàng Đẫy đã diễn ra không thể tuyệt vời hơn khi các học trò của HLV Alfred Riedl chơi thăng hoa vượt sức tưởng tượng.

Tiền vệ Trương Việt Hoàng ghi bàn thắng để đời với cú vô lê ngoài vòng cấm địa. Sang hiệp 2, Hồng Sơn và Văn Sỹ Hùng ghi liên tiếp 2 bàn nữa để nhấn chìm ĐKVĐ Thái Lan với tỷ số 3-0. Hình ảnh Hồng Sơn sau khi xoay người dứt điểm vào góc chết khung thành Thái Lan rồi đứng hiên ngang, hai cánh tay làm động tác cầm súng chiến đấu đến bây giờ vẫn khắc khoải trong tâm trí người yêu bóng đá Việt Nam. Đúng. Những “chàng lính” khoác trên mình chiếc áo đỏ đã chơi đầy quả cảm, quyết tâm và đầy cống hiến. Họ đã làm nên một đêm Hàng Đẫy đầy thăng hoa.

Việt Nam 1-0 Hàn Quốc (Vòng loại Assian Cup 2004)

"Hàn Quốc bẽ mặt vì Việt Nam", AFC News giật tít. "Hàn Quốc choáng váng vì thất bại nhục nhã trước Việt Nam", AFP đưa tin. "Ngôi vị số một châu Á của chúng ta đang rung chuyển", Yonhap, Thông tấn xã Hàn Quốc bình luận. "Việt Nam đã kéo Hàn Quốc đang bay cao xuống mặt đất", Times Oman đưa tin...

Đó là những gì truyền thông quốc tế đã viết 15 năm về trước, sau khi đội tuyển Việt Nam đánh bại đội tuyển Hàn Quốc, đội bóng thời điểm đó là đệ tứ anh hào World Cup tại lượt về vòng loại Asian Cup 2004 diễn ra trên đất Oman.

Trước khi trận đấu diễn ra, chênh lệch đẳng cấp là điều dễ thấy, nhất là khi ĐT Hàn Quốc mang đến Oman tới 6 cầu thủ từng làm nên lịch sử tại World Cup 2002. Biết người biết ta, Việt Nam tổ chức lối chơi phòng ngự đông người bên phần sân nhà, chỉ bố trí duy nhất Văn Quyến len lỏi nơi hàng phòng ngự đối phương. Với sự vượt trội từ thể chất đến trình độ, ĐT Hàn Quốc dễ dàng làm chủ thế trận và tạo áp lực ngộp thở lên hàng thủ ĐT Việt Nam.

Tuy nhiên trong một ngày may mắn ngoảnh mặt cùng sự xuất sắc của thủ thành Thế Anh, Hàn Quốc đã nhận kết cục đau đớn. Phút thứ 73, Văn Quyến nhận bóng từ đường chuyền vượt tuyến của Tuấn Phong. Anh đỡ bõng bằng mũi giày cực kỳ tinh tế trước khi gẩy bóng khéo léo qua tay Lee Won Jae mang về 3 điểm ngoạn mục cho thầy trò HLV Alfed Rield.

Việt Nam 2-0 UAE (Vòng Bảng Asian Cup 2007)

Với vai trò là 1/4 đội chủ nhà, đội tuyển Việt Nam đã có lần đầu tiên trong lịch sử góp mặt ở một VCK Asian Cup. Phía bên kia là một UAE hùng mạnh khi vừa vô địch Cúp Vùng Vịnh và sở hữu trong tay HLV Metsu, người từng đưa Senegal vào đến tứ kết WC 2002.

Tuy nhiên chúng ta đã tạo nên cơn địa chấn khi đánh bại UAE với tỷ số 2-0 ở trận mở màn. Hai bàn thắng của Huỳnh Quang Thanh và Lê Công Vinh sau dấu ấn kiến tạo của Nguyễn Minh Phương đã giúp ĐT Việt Nam vượt qua đội bóng rất mạnh đến từ Tây Á. Chính thắng lợi đó đã khởi đầu cho câu chuyện thần kỳ sau đó, khi ngay ở lần đầu tiên dự giải, Việt Nam đã xuất sắc góp mặt ở vòng tứ kết – điều mà 3 đội đồng chủ nhà khác không thể làm được.

U23 Việt Nam 2–2 U23 Qatar (VCK U23 Châu Á)

Việt Nam tiến đến bán kết VCK U23 châu Á sau khi đánh bại U23 Iraq kịch tính. Tuy nhiên đối thủ Qatar ở một đẳng cấp thực sự khác khi sở hữu dàn cầu thủ trẻ được “nuôi dưỡng” cho VCK World Cup 2022. Rất nhiều cái tên mà đến bây giờ các CĐV ở châu Á không còn lạ mặt như Afif Akram hay Almoez Ali là bại tướng của các học trò HLV Park Hang Seo ngày hôm ấy.

Liên tiếp vươn lên dẫn trước cùng thế trận áp đảo, nhưng sự xuất sắc của ngôi sao Quang Hải đã đưa người Qatar vào loạt đá penalty may rủi. Nói là may rủi nhưng sự xuất sắc của Bùi Tiến Dũng đã giúp Việt Nam lần đầu tiền đi tới trận chung kết một kỳ U23 châu Á.

Gương mặt thất thần của HLV Felix Sanchez đã diễn tả hết nỗi bàng hoàng mà đội bóng của ông phải nhận khi đối đầu với thế hệ tài năng mới của bóng đá Việt Nam.

Việt Nam 1–1 Jordan (Asian Cup 2019)

Những chiến tích lẫy lừng của bóng đá Việt Nam dường như rất có duyên với người Tây Á và Jordan là nạn nhân tiếp theo trong danh sách này. Ở vòng bảng, thầy trò Bolkermans là một trong số ít những đội giữ thành tích trắng lưới, cùng với đó là lối chơi thiên về thực dụng của người châu Âu.

Thâm chí Jordan còn vươn lên dẫn trước từ cú đá phạt không thể cản phá của Rahman. Nhưng hiệp hai của trận đấu ấy chứng kiến một Việt Nam hoàn toàn khác. Từ bỏ lối chơi phòng ngự phản công, HLV Park Hang Seo yêu cầu các học trò đẩy cao đội hình và chơi bóng thật nhanh. Jordan tỏ ra lúng túng và có phần hoảng loạn trước cách chơi ấy. Điều gì đến cũng phải đến, Công Phượng ghi bàn tinh tế sau qua tạt đầy trí tưởng tượng của Trọng Hoàng.

Một lần nữa Việt Nam đưa trận đấu vào loạt đá penalty như cách chúng ta làm ở VCK U23 châu Á trước đó 1 năm. Và ở “trận địa” sở trường ấy, trung vệ Bùi Tiến Dũng kết liễu đối thủ bằng phát đạn cuối cùng đưa Việt Nam vào tứ kết, một chiến tích đáng tự hào.

Author Thethao247.vn Văn Hải / Theo Tạp chí Người Đưa Tin - Copy
Xem thêm
TIN NỔI BẬT