Thể Thao 247 - Theo tiết lộ của một số cựu nhân viên của Tesla, hãng xe này đã bất chấp tất cả để có thể đạt được tiến độ sản xuất và phớt lờ nguy cơ xảy ra lỗi trên các sản phẩm của hãng.
9 nhân viên cũ và những người đang làm việc tại Tesla đã tiết lộ với hãng tin Reuters rằng, Tesla thường rất mất thời gian ở khâu sửa lỗi, vì 90% số lượng xe Model S và Model X còn tồn tại khiếm khuyết ngay cả khi đã rời khỏi dây chuyền lắp ráp. Thậm chí, họ còn dẫn số liệu từ hệ thống theo dõi nội bộ của hãng xe Mỹ tính đến tháng 10/2017, và cho biết thêm hiện tượng đã xuất hiện từ năm 2012.
Trong khi, Tesla khẳng định quy trình kiểm soát chất lượng của hãng cực nghiêm ngặt và được thiết kế để phát hiện những khiếm khuyết dù nhỏ nhất. Hãng xe điện từ chối cung cấp tỷ lệ các xe chưa "hoàn hảo" sau khi lắp ráp, đồng thời cho rằng phần lớn là những sự cố không đáng kể, chỉ cần vài phút để giải quyết. Và công ty cũng tuyên bố: "Mục tiêu của chúng tôi là sản xuất ra những chiếc xe hoàn hảo cho mọi khách hàng".
Nhưng theo một cựu giám sát viên ở Tesla, sau khi hoàn thiện một chiếc xe, hãng vẫn tốn khá nhiều công sức và chi phí vào việc khắc phục lỗi. Các nhân viên Tesla tiết lộ công ty còn có một bãi đậu xe ngoài trời dành cho những sản phẩm chờ đến lượt sửa chữa. Có thời điểm, con số vượt quá 2.000 phương tiện.
Nguyên nhân được cho rằng vì phải sản xuất một số lượng lớn, nên những nhân viên tham gia sản xuất Model S và Model X phải làm việc rất căng thẳng và áp lực, để đảm bảo dây chuyền lắp ráp hoạt động trơn tru, ngay cả khi xuất hiện vấn đề. Một số lô xe được chuyển đi mà không có những bộ phận như kính chắn gió, cản va... nhưng ai cũng ngầm hiểu những thiếu sót đó sẽ được bổ sung sau. Một phần nữa là vì CEO Musk muốn ra mắt xe sớm hơn các đối thủ trong ngành công nghiệp bằng cách rút ngắn quá trình thiết kế, bỏ qua một số công đoạn thử nghiệm trước sản xuất. Chính những bước đi tắt đó đã dẫn đến tỷ lệ xe phải "vá lỗi" ở mức cao.
Theo các chuyên gia trong ngành công nghiệp, tỷ lệ trung bình chỉ khoảng 10%, còn 90% là một con số thực sự đáng lo ngại. Việc đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng trong suốt quá trình lắp ráp đóng vai trò quan trọng, bởi công việc sửa chữa sau đó gây lãng phí cả thời gian và tiền bạc.
Mới đây, tạp chí Consumer Reports và hãng nghiên cứu thị trường J.D. Power đều không đánh giá cao Tesla về chất lượng, với những vấn đề được đề cập đến như tay nắm cửa hỏng, hay khe hở trên các tấm thân xe. Nhiều chủ xe Tesla cũng phàn nàn trên các diễn đàn về những tiếng lạch cạch gây khó chịu, lỗi phần mềm hay các vết ghép ẩu khiến nước mưa tràn vào nội thất.
Người tiêu dùng vốn có thiện cảm với Tesla nhờ những mẫu xe với kiểu dáng đẹp được quảng cáo là sử dụng công nghệ "sạch" cùng khả năng tăng tốc ấn tượng. Kết quả một cuộc khảo sát của tạp chí Consumer Reports cho thấy tới 91% chủ sở hữu xe Tesla có ý định sẽ tiếp tục mua xe từ hãng.
CEO Elon Musk cũng từng tuyên bố sẽ đưa Tesla sẽ trở thành nhà sản xuất xe hơi tốt nhất trên thế giới, nhờ sở hữu một dây chuyền lắp ráp mới với tính tự động hóa cao, cùng với đó là mẫu Model 3 với thiết kế đơn giản hơn. Nhưng những trục trặc ở khâu sản xuất khiến hãng chưa thể giao hàng đúng như dự kiến.
Hiện nay, Tesla có tiếp tục tồn tại được hay không, phụ thuộc vào việc công ty có thể cho ra những sản phẩm chất lượng khi sản xuất Model 3 hay không. Được biết, trong 12 tháng qua, Tesla đã tiêu tốn tới 4,2 tỷ USD (tương đương 8.000 USD/phút) nhằm đẩy nhanh tiến độ sản xuất mẫu xe Model 3 giá 35.000 USD. Với tốc độ này, có nguy cơ hãng sẽ cạn tiền vào ngày 6/8/2018, trước khi hoàn thành được những tuyên bố hùng hồn đã đưa ra trước đó.