World Cup 2018: Pháp đăng quang, nhưng Croatia là ‘nhà vô địch của NHM'

27/12/2018 18:30 (GMT+7)

Thể Thao 247 - Câu chuyện cổ tích của Croatia và sự can thiệp mạnh mẽ của công nghệ VAR tại World Cup 2018 khiến ngôi vô địch của người Pháp bỗng trở nên 'bình thường'.

VIDEO: World Cup 2018 - Những hình ảnh đáng nhớ (Video FIFA)

ĐT Pháp đăng quang xứng đáng

NHM bóng đá thế giới đã có thể trải qua vô vàn cảm xúc ở World Cup 2018. Họ thất vọng với hình ảnh bạc nhược của những nhà đương kim vô địch Đức, đã bất ngờ với nước chủ nhà Nga, ngả mũ trước tinh thần chiến đấu không bao giờ bỏ cuộc của ĐT Croatia, và cùng chúc mừng chức vô địch xứng đáng của người Pháp. Bên cạnh những điều đó, VAR cũng là một trong những chủ đề đáng bàn tán nhất kỳ đại hội bóng đá 4 năm mới tổ chức một lần.

Người ta gọi ngôi  vô địch của Pogba và các đồng đội là kết quả của một thứ bóng đá "thực dụng đến mức tàn nhẫn". ĐT Pháp khởi đầu và kết thúc World Cup với một vẻ xù xì dù trong đội hình của họ luôn có những ngôi sao kỹ thuật nhất nhì thế giới. Họ không tấn công mãn nhãn và phòng ngự cũng không phải là quá chắc chắn. Thế nhưng, Pháp vô địch bởi họ có được những cái tên đủ chất lượng để tận dụng những cơ hội của mình.

Les Bules mở màn World Cup 2018 bằng trận thắng nhọc nhằn trước ĐT Úc. Họ có bàn mở tỷ số của Antoine Griezmann trên chấm 11 mét, nhưng trung vệ Samuel Umtiti đã mắc sai lầm khiến Pháp chịu phạt đền và dẫn tới bàn gỡ hòa 1-1 của Australia. Dù chơi khá bế tắc nhưng Les Bleus vẫn giành chiến thắng 2-1 nhờ pha đá phản lưới nhà của Aziz Behich. Rồi sau đó, họ thi đấu phòng ngự trước Peru và thành công với bàn thắng duy nhất của tài năng trẻ Kylian Mbappe ở phút 35. Thầy trò HLV Deschamps kết thúc vòng bảng với trận hòa không bàn thắng trước Đan Mạch.

Gặp một Argentina trồi sụt tại vòng 1/8, Les Bules cũng phải rất vất vả để giành chiến thắng 4-3 trước đối thủ Nam Mỹ. Trận đấu này chứng kiến sự tỏa sáng của Mbappe với 2 bàn thắng và những pha nước rút đẹp mắt.

Tới vòng tứ kết và bán kết, Les Bules khóa chặt những mũi tấn công của cả Uruguay và Bỉ, rồi thắng nhờ những pha phối hợp cố định bài bản. Vào chung kết và gặp một Croatia kiệt sức với câu chuyện cổ tích của mình, ‘Gà trống’ thắng dễ 4-2 để lên ngôi vô địch.

World Cup 2018, Pháp, Croatia

ĐT Pháp đã vô địch nhờ một tập thể gắn kết và những chiến thuật tình huống xuất sắc. Cái tên Didier Deschamps cũng sẽ được nâng đến tầm huyền thoại khi ông là người tiếp theo vô địch thế giới trên cả cương vị cầu thủ lẫn HLV (sau Mario Zagallo và Franz Beckenbauer). Nhưng ở World Cup, tất cả mọi người lại dành tình cảm cho một đội bóng khác, đó là Croatia.

Croatia, nhà Á quân thế giới, nhà vô địch của NHM

Đội bóng áo sọc caro vẫn luôn là một đối trọng có tiếng nói ở châu Âu, nhưng chưa bao giờ người ta nghĩ đến một trận chung kết World Cup cho Luka Modric và các đồng đội. Bản thân thành tích giành HCĐ tại World Cup 1998 của thế hệ Davor Suker và Z. Boban đã được coi là một kỳ tích. Nhưng người Croatia chứng minh, kỳ tích có thể lập lại một lần nữa.

Croatia sở hữu một tập thể mạnh ở World Cup 2018, với Modric, Rakitic ở trung tuyến và Perisic, Mandzukic trên hàng công. Trong số này, có lẽ chỉ mình Modric là có thể sánh ngang với các huyền thoại tầm cỡ thế giới, nhưng chừng đó là đủ để HLV Z. Dalic viết lên câu chuyện cổ tích cho đội bóng quê hương.

ĐT Croatia chưa bao giờ chịu nhường thế trận cho những đối thủ của mình, dù đó có là Argentina ở vòng bảng hay ĐT Anh ở bán kết. Modric và Rakitic trở thành 2 trụ phân phối bóng hiệu quả, trong khi Perisic thi đấu xông xáo ở hành lang biên. Ở phía trên, Mandzukic là một tiền đạo hỗ trợ đúng nghĩa, nhưng anh cũng sẵn sàng dứt điểm nếu cơ hội tới.

Bị đánh giá là sẽ phải cạnh tranh vị trí thứ 2 của bảng đấu với Nigeria, đội bóng áo sọc caro gây tiếng vang lớn khi đả bại Argentina với tỷ số 3-0. Họ cũng thể hiện được bản lĩnh khi loại Đan Mạch ở vòng 1/8 trên chấm 11m, bất chấp việc Rakitic chỉ vừa sút hỏng một quả penalty ở hiệp phụ thứ 2.

World Cup 2018, Pháp, Croatia

Con đường đến với chung kết của Croatia là dễ dàng hơn so với nhánh đối diện, nhưng để vượt qua ĐT Nga và ĐT Anh ở tứ kết và bán kết cần một bản lĩnh thép và một ý chí ngút trời. Họ đánh bại đội chủ nhà trước sức ép của hàng vạn khán giả nhà, trước khi hạ gục ĐT Anh trong hiệp phụ dù bị dẫn trước. Croatia kiệt sức với 3 trận đấu kéo dài 120 phút trước trận chung kết, nhưng chừng đó là quá đủ để chinh phục trái tim của NHM.

Và câu chuyện của VAR

‘Rác rưởi’, đó là những gì mà tiền vệ Nordin Amrabat của Marốc hét lên trước sóng truyền hình khi nói về công nghệ VAR. Thực sự thì công nghệ mới của FIFA không tệ đến thế, nhưng nó mang lại sự ảnh hưởng rất lớn tới World Cup 2018.

Chỉ trong vòng bảng, các trận đấu ở World Cup 2018 chứng kiến 20 quả 11m được công nhận, vượt xa con số 13 quả trong cả giải World Cup 2014 trước đó. Không chỉ là những quả phạt đền, VAR còn mang đến những quyết định mang tính bước ngoặt.

Ở trận đấu quyết định giữa Argentina và Nigeria, khi tỷ số đang là 1-1, hậu vệ Rojo để bóng chạm tay trong vòng cấm. Trọng tài Cakir ra dấu xem lại VAR, và xua tay từ chối quả penalty. Tình huống chạm tay của hậu vệ MU là rất rõ ràng, nhưng ông Cakir xác định anh chỉ vô tình chạm tay khi bóng bật ra từ... đầu anh ta.

Trước đó, ĐT Iran đã có một bàn thắng đẹp mắt vào lưới Tây Ban Nha, nếu trọng tài VAR không từ chối nó sau khi xem lại băng quay chậm. Ngoài ra, nhiều tình huống mà công nghệ này không phát hiện ra cũng bị giới chuyên môn và các HLV đem ra bàn tán. Giả dụ như ở trận đấu giữa Brazil và Thụy Sĩ, trung vệ Miranda bị phạm lỗi rõ ràng trước khi tiền đạo Zuber đưa bóng vào lưới nhưng trọng tài rốt cục lại cho qua. Việc khó chịu nhất là khi VAR được thực hiện, trận đấu buộc phải dừng lại, tạo ra những quãng nghỉ không đáng có.

World Cup 2018, Pháp, Croatia

Tới vòng đấu loại trực tiếp, VAR được sử dụng một cách thầm lặng hơn, mang trận đấu về với đúng bản chất của nó. FIFA công bố rằng VAR đã thành công tại World Cup 2018, và giờ đây các giải đấu trên khắp thế giới đều chuẩn bị áp dụng công nghệ này. Nhưng rõ ràng, tác động của VAR tại World Cup 2018 sẽ thật khó quên.

Theo Tạp chí Người Đưa Tin - Copy 27.12.2018