Quảng cáo

Chiếc 'vòng kim cô' không chỉ của Bùi Tiến Dũng?

Thứ sáu, 02/02/2018 20:14 PM (GMT+7)
A A+

Những tranh cãi xung quanh Bùi Tiến Dũng có thể mở đường cho một kỷ nguyên mới của bóng đá Việt Nam - kỷ nguyên mà mọi cầu thủ đều cần và phải được tôn trọng như họ luôn xứng đáng.

Hợp đồng đào tạo trẻ kéo dài tới năm 25 tuổi là đặc trưng của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Hợp đồng này quy định một cầu thủ được xem là kết thúc thời gian đào tạo trẻ ở tuổi 25. Trước đó, cầu thủ ấy vẫn hưởng các chế độ, lương, thưởng theo diện đào tạo trẻ. CLB có toàn quyền sở hữu hình ảnh và các giá trị thương hiệu khác của cầu thủ trong giai đoạn này.

Hợp đồng đào tạo trẻ hay là chiếc "vòng kim cô"?

Hợp đồng này tồn tại ở gần như tất cả các đội bóng V.League và là chiếc “vòng kim cô” khóa chặt cuộc đời các cầu thủ. Bởi cầu thủ thường bước vào thi đấu chuyên nghiệp ở quãng 20 tuổi nhưng phải tới 25 tuổi mới được hưởng thu nhập của cầu thủ trưởng thành.

Trước đó, họ phải nhận thu nhập thấp hơn giá trị thực, hưởng các chế độ đãi ngộ kém hơn. Hợp đồng này bất hợp lý vì nó không mang tới thu nhập tương xứng với lao động của cầu thủ. Chế độ  này cũng là nguồn gốc tiềm tàng cho những tiêu cực liên quan tới tiền bạc trong giới thể thao.

Tiền vệ Trần Phi Sơn là nạn nhân mới nhất của hợp đồng đào tạo trẻ. Dù đã thành danh ở U23 và tuyển Việt Nam từ 5 năm trước, Phi Sơn vẫn phải chờ tới lúc tròn 25 tuổi mới có thể rời SLNA để gia nhập CLB TP.Hồ Chí Minh.

Tiến Dũng tạo dáng, Tiến Dụng chơi bắn súng với con trẻ Trở về sau chuyến hành trình lịch sử, cả hai anh em họ Bùi đều có những khoảnh khắc dễ thương bên gia đình và người thân.

Hợp đồng đào tạo trẻ thường được ký khi cầu thủ còn nhỏ tuổi, có ít hiểu biết về pháp luật. Bản thân các cầu thủ thường không được trang bị nền tảng học thức tốt. Như thủ thành Bùi Tiến Dũng đã chia sẻ với Zing.vn: “Ở trường thì tôi là lười trong việc học hành, ngồi trong lớp chỉ mong hết giờ để ra chơi đá bóng cùng các bạn”.

Nhiều CLB coi hành động ký hợp đồng với cầu thủ như một sự ban ơn. Cầu thủ ký vào những bản hợp đồng mà họ không hiểu rõ thậm chí không đọc hết. Họ tự trói mình vào những ràng buộc khắc nghiệt.

Mâu thuẫn ấy là lý do dẫn tới sự ra đời của những người đại diện.

Người đại diện vẫn là khái niệm xa lạ ở Việt Nam

Vậy người đại diện hay người trung gian nghĩa là gì? Theo Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA), “người trung gian là người đứng giữa các bên để hỗ trợ họ đạt được một thỏa thuận”. Trên thực tế, vai trò của người đại diện cầu thủ còn lớn hơn như vậy. Họ vừa là người định hướng đường đi, vừa là người chăm sóc, quan tâm tới mọi vấn đề của cầu thủ. Họ thay cầu thủ truyền đạt các đề nghị tới CLB và cũng chính họ, bảo vệ quyền lợi cho cầu thủ mỗi khi xảy ra tranh chấp.

Bóng đá Việt Nam tự hào vì đã lên chuyên nghiệp hơn 15 năm. Nhưng văn hóa người đại diện vẫn chưa ra đời.

Bùi Tiến Dũng từng nói anh chỉ muốn tập trung vào bóng đá và không quan tâm tới thế giới bên ngoài. Ảnh: Hoàng Hà.

Phần lớn cầu thủ Việt Nam chưa có người đại diện. Những cầu thủ có đại diện ở Việt Nam hầu hết là ngoại binh nước ngoài. Lương Xuân Trường cũng phải tới khi sang Hàn Quốc mới có người đại diện đầu tiên.

Nói vậy để thấy, trường hợp của Bùi Tiến Dũng có lẽ là lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam, một nội binh trẻ có người đại diện. Đại diện của Tiến Dũng đã lên tiếng, ra giá cho thân chủ của mình. Họ nói về cầu thủ với tư cách một người nổi tiếng, có giá trị hình ảnh, thương hiệu được nhận diện và định giá một cách rõ ràng.

Sự kiện Bùi Tiến Dũng gây ra vô số tranh luận. Nhưng rõ ràng, nó là bước phát triển tất yếu của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Bởi khi cầu thủ càng có giá trị (trong trường hợp của Tiến Dũng, ảnh hưởng xã hội của anh được đo cụ thể bằng gần 3 triệu lượt theo dõi trên Facebook), họ sẽ nhận thức được nó. Đó là lúc mâu thuẫn giữa cầu thủ và CLB xuất hiện.

Tiến Dũng là cái tên đầu tiên nhưng sẽ không phải trường hợp cuối cùng. Đã đến lúc, ai đó phải đứng lên bảo vệ các cầu thủ.

Phải cân bằng quyền lợi giữa các bên

Thế giới, cụ thể là FIFA đã thừa nhận vai trò trung gian của người đại diện trong mối quan hệ giữa cầu thủ và CLB. Bóng đá Việt Nam sẽ sớm phải thừa nhận chuyện này

Thực ra, người đại diện, người trung gian hay nhà môi giới đều đã xuất hiện ở Việt Nam từ lâu. Nhưng họ không được thừa nhận công khai, không trực tiếp bước ra ánh sáng. Các giao dịch chuyển nhượng của họ đều được thực hiện trong bóng tối. Nhiều HLV, cựu danh thủ đều từng tham gia hoạt động này. Tiền đạo Mạc Hồng Quân từng kể rằng HLV Mai Đức Chung là người giúp đỡ để anh trở về Việt Nam khoác áo CLB Thanh Hóa.

Không khí phấn khích khi anh em thủ môn Tiến Dũng về quê Hàng trăm người vây lấy anh em Bùi Tiến Dũng chúc mừng, chụp ảnh lưu niệm. Với họ, 2 tuyển thủ U23 Việt Nam là người hùng của quê hương.

Để quyền lợi của cầu thủ được đảm bảo, để người đại diện thực sự có chỗ đứng, VFF và VPF phải là những đơn vị đầu tiên lên tiếng. Giống như FIFA, họ phải có những quy chế minh bạch và rõ ràng cho nhóm người này. Bản thân các nhà môi giới phải bước ra ánh sáng, hoạt động dựa trên đăng ký và luật pháp. VFF có thể tham khảo cách FIFA đăng ký cho người đại diện.

Các CLB cũng phải thay đổi tư duy người ban ơn - kẻ chịu ơn với cầu thủ. Họ phải coi cầu thủ là một đối tác, cùng chia sẻ quyền lợi, bình đẳng như nhau trước pháp luật. Nếu CLB có phòng truyền thông để phát ngôn, phòng pháp lý để phục vụ tranh chấp thì cầu thủ cũng cần người đại diện bảo vệ họ.

Quá trình thay đổi ấy không thể ngày một ngày hai và chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng tranh cãi quanh Bùi Tiến Dũng có thể mở ra một sự phát triển mới, vượt ngoài mong đợi của tất cả chúng ta.

Sau cùng, bóng đá Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ điều đó.

Author Thethao247.vn Thanh Hà / Theo Tạp chí Người Đưa Tin - Copy
U23 Việt Nam Bùi Tiến Dũng
Xem thêm
TIN NỔI BẬT
Quảng cáo