Garena: Trả giá cho đỉnh cao bằng sự cô độc?

Thứ tư, 13/05/2015 09:22 AM (GMT+7)
A A+

(Thethao247.vn) - Những năm 2010 trở về trước thực sự là kỷ nguyên của ông hoàng game online: VNG. Nhưng chỉ một thời gian sau đó, khi công ty này loay hoay dồn tiền và sức để giải quyết những bài toán về công nghệ Internet như: mạng xã hội (ZingMe), Thương mại điện tử (123mua) v..v… thì bất ngờ các thế lực khác vùng lên mạnh mẽ, trong đó có một đối thủ lớn nhất mang tên Garena.

Hiện tại trong ngành game, có một số không nhỏ người cho rằng Garena đang thực sự ở đỉnh cao vinh quang. Có lúc hào quang đó còn che lấp cả vinh quang và sử thi hơn chục năm VNG để lại. Nhưng ít ai biết rằng Garena đang đứng trên một ngọn núi cao, đầy…. cô đơn. Chúng ta cần phải có một cái nhìn sâu hơn, xa hơn để thấy được tại sao một công ty lớn như vậy lại có nhiều kẻ thù hơn là bạn.

Từ chú bò non gặm cỏ hiền lành….

Nhìn lại lịch sử phát triển của ngành game online, ta sẽ thấy Garena xuất hiện như một ngôi sao nhỏ giống như bao công ty game  mới khác. Nhưng họ lại có một màu sắc rất riêng thời bấy giờ, đó là kết nối những fan hâm mộ của thể loại game eSports cụ thể là: Dota, Age of Empires, Starcraft…. Thời điểm đó những người chơi thể loại này không tạo ra những cú bật lớn về doanh số, doanh thu có chăng thì chỉ đến chủ yếu từ việc nạp gold member từ cá nhân và các tiệm net…

Chính vì Garena cứ một mình một đường không ảnh hưởng đến các NPH khác nên có thể gọi họ là những nhà làm game một mình một thế giới cũng không sai. Họ gần như đứng ngoài cuộc chiến của game online cụ thể là không phải đối mặt với những ông lớn như: VNG ở mảng game cài đặt hay Sgame ở mảng webgame và vô số nhà phát hành nhỏ lẻ khác. Đối thủ lớn nhất của Garena lúc đó chắc chỉ có VTC nhưng mức độ phát triển và độ lớn của công ty này cách đây gần 10 năm cũng khiến NPH đến từ Singapore trở thành một kẻ cản đường tí hon, không đáng để ý. Tuy nhiên mọi chuyện bắt đầu thay đổi kể từ lúc Liên Minh Huyền Thoại chính thức cập bến Việt Nam.

Đến gã bạch tuộc khổng lồ

Nếu như chỉ nhìn vào Liên Minh Huyền Thoại và nghĩ rằng Garena đang tập trung cho sản phẩm đó thì không hoàn toàn đúng. Bởi công ty này mang đúng tinh thần của một công ty làm Internet hơn là NPH game, họ đã và đang hướng đến hàng loạt sản phẩm khác để tạo ra một hệ sinh thái vững bền, Tham vọng của họ chính là tạo ra một hệ sinh thái như VCCorp làm với Sohagame và hàng loạt website tin tức, thương mại điện tử khác. Hay như VNG với hàng loạt sản phẩm nội dung số như Zing News, Zing Mp3… Chính điều này đã vô tình khiến họ rơi vào cảnh một mình chống “Mafia” khi phải cạnh tranh với quá nhiều đối thủ mà kinh nghiệm Internet tại Việt Nam chưa có nhiều.

Hệ sinh thái có thể được hiểu là một hệ thống mà các sản phẩm tự nuôi nhau, đẩy nhau phát triển như hệ sinh thái trong tự nhiên

Cụ thể:

Về phía game Garena thì hiện nay thị phần của LMHT quá lớn, việc tựa game eSports này bùng nổ khiến thị phần của các game online khác giảm xuống. Độ cạnh tranh của thị trường trở nên cao hơn bao giờ hết. Bản thân đối thủ của LMHT chính là tựa game 3Q Củ Hành nhưng tựa game của VNG có vẻ không có nhiều lợi thế cạnh tranh cho lắm.

Ngoài ra trong quá khứ Garena từng có những xích mích không hề nhỏ với VTC khi họ nẫng tay trên tựa game FIFA Online 3. Trong khi VTC đã từng bỏ rất nhiều công sức truyền thông, marketing, tạo sự kiện cho dòng FIFA Online cũ. Đầy là đòn giáng thật mạnh của Garena bởi lẽ thành công của FIFA hiện nay có sự đóng góp không nhỏ từ phía VTC

Cũng liên quan đến game, nhưng là chiến trường vô cùng khốc liệt giữa công ty này và VNG đó là cuộc chiến phòng máy. Nhân đà thắng lợi của mình Garena tiếp tục mở thêm phần mềm Gcafe với nhiều ưu đãi cho tựa game LMHT. Cuộc chiến này được đánh giá là cuộc chiến khốc liệt nhất hiện nay khi Gcafe liên tục ép các phòng máy nhằm chiếm phần lớn thị phần. Trong khi VNG bắt đầu hòa hoãn hơn với các NPH game khác, nhượng bộ và kiên trì từng bước tìm lại vinh quang. Câu truyện cuộc chiến phòng máy giữa Gcafe và CSM có lẽ sẽ còn phải rất lâu nữa mới đến hồi kết.

Ngoài ra, hiện nay cũng có 2 cuộc chiến vô cùng căng thẳng là cuộc chiến của 2 sản phẩm Internet hỗ trợ game: Alo Alo đến từ Garena với CCtalk đến từ VNG. 2 bên liên tục tung ra những chiêu trò mới như mời hot girl, người nổi tiếng và hỗ trợ người chơi một cách tối đa để dạnh thị phần. Cuộc chiến này cũng là một cuộc chiến dai dẳng vì đẳng cấp và độ dày về vốn của 2 công ty này đều rất lớn.

Cuộc chiến tiếp theo là cuộc chiến đến từ mobile và một lần nữa Garena gây thù chuốc oán với VNG khi tung ra sản phẩm Beetalk để đối chọi với Zalo. Tuy nhiên có vẻ hiện nay Beetalk đã thực sự lép vế và mặc cho Zalo tung hoành với thị trường cực lớn tại Việt Nam.

Cuối cùng là việc gần đây nhiều thông tin cho biết Garena sẽ quyết định nhảy vào thị trường mobile game. Nếu điều này là đúng thì rõ ràng công ty đến từ Singapore sẽ chinh thức tuyên chiến với rất nhiều công ty, trong đó có một đối thủ đáng gờm là VCCorp với một hệ sinh thái rất mạnh.

Bản thân Garena hiện nay cũng đang phát triển hệ thống truyền thông riêng của mình đặc biệt là cổng thông tin riêng. Tuy không công khai cạnh tranh với các trang tin game. Nhưng sẽ có rất nhiều công ty sẽ cẩn trọng và đề phòng hơn rất nhiều vì dù sao việc này cũng sẽ xé nhỏ miếng bánh của thị trường này.

Cả Garena và CCtalk liên tục mời người nổi tiếng và hot girl để quảng bá cho sản phẩm của mình

7 vấn đề trên chính là 7 vòi bạch tuộc mà Garena đã và đang vươn rộng ra. Tất nhiên một khi đã đầu tư và phát triển một mảng nào đó thì họ luôn muốn mình trở thành kẻ chiến thắng và cạnh tranh hết mức có thể. Chính điều này đã dẫn đến một hậu quả là Garena đang ngày càng trở nên cô độc trong làng game Việt. Vậy họ có thực sự nên sợ hãi với điều đó?

Cô độc hay độc tôn?

Nếu nói rằng hiện nay Garena đang ở đỉnh cao mà nhiều công ty game khác phải thèm muốn thì cũng không có gì là sai. Nhưng họ đang lâm vào thế cô độc khi hầu hết các NPH đều coi đây là đối thủ tiềm tàng cho các tựa game của mình. Bởi lẽ người chơi LMHT và FIFA Online 3 nhiều thì quỹ thời gian cho các trò chơi khác khác càng thấp. Họ hoàn toàn có khả năng không cần đếm xỉa gì đến sự cạnh tranh và đối phó với các công ty khác và đi theo hướng riêng của mình.

Ai cũng hiểu LMHT là ông vua trò chơi điện tử hiện nay

Tuy nhiên những ai làm Internet đều thừa hiểu sao đổi ngôi là điều hoàn toàn bình thường ở ngành này. Ví như Yahoo hay MySpace một thời thịnh vượng và tàn lụi. Những gì Garena đang làm chính là tạo ra những nền tảng và hệ sinh thái thuận lợi cho việc phát hành game và điều kiện để các game cũ phát triển hơn nữa. Nhưng giả sử trường hợp xấu nhất xảy ra: LMHT sẽ được Riot nhập sever chung với thế giới như Dota đã và đang làm, Garena chỉ nắm quyền kiểm soát thanh toán. Cùng với đó là các sản phẩm của họ không thể cạnh tranh nổi trên thị trường thì liệu công ty này có còn đường phát triển? Liệu họ có dẫm phải vết xe đổ mà nhiều công ty khởi nghiệp trong ngành này đã từng vấp phải?

Hiện nay kình địch lớn nhất của Garena chỉ có thể là VNG

Đó là cái giá phải trả khi cạnh tranh với quá nhiều bên. Nhưng đây cũng là điều mà họ buộc phải làm để tiếp tục tồn tại và phát triển. Nếu có bất kỳ công ty hay cá nhân nào sở hữu được những lợi thế lớn như vậy thì chắc chắn họ cũng sẽ buộc phải làm. Hy vọng rằng trong quá trình phát triển và cạnh tranh của mình họ sẽ vẫn tạo ra những giá trị tốt cho cộng đồng game thủ cũng như người dùng Internet Việt Nam. Đó mới là điều quan trọng nhất mà Garena cần hướng tới.

Author Thethao247.vn / Theo Tạp chí Người Đưa Tin - Copy
Aloalo BeeTalk cctalk CSM dota FIFA Online 3 Garena Gcafe LMHT mobile game Singapore sohagame StarCraft vng vtc zalo
Xem thêm
TIN NỔI BẬT