Quảng cáo

U23 VN và giấc mơ châu Âu: Vận may thuộc về người dũng cảm

Thứ bảy, 17/02/2018 09:04 AM (GMT+7)
A A+

Thành công của U23 Việt Nam lẫn các đội trẻ U20 và U16 gần đây đã dấy lên một câu hỏi đã từng được đặt ra trước đây, khi nào thì cầu thủ Việt Nam sẽ có cơ hội ra châu Âu?

U23 Việt Nam và giấc mơ châu Âu: Vận may thuộc về người dũng cảm - 1U23 Việt Nam làm nên lịch sử với ngôi Á quân châu Á 2018

Không ít cầu thủ ở ASEAN đã có mặt tại châu Âu. Thủ môn Neil Etheridge của Philippines đang thi đấu cho Cardiff City ở giải Championship, hậu vệ người Indonesia Arthur Irawan đã từng có thời gian đá cho đội B của Espanyol và Malaga, trong khi hậu vệ biên người Philippines Dennis Cagara đã khoác áo khá nhiều CLB Đan Mạch lẫn ở Đức.

Cầu thủ Việt Nam liệu có thể thi đấu ở châu Âu? Khó khăn tất nhiên sẽ rất nhiều, từ thể hình tới chiến thuật, chưa kể khác biệt văn hóa. Nhưng không ít người đã đánh giá cao khả năng của cầu thủ Việt Nam, tiền vệ người Việt kiều Tony Lê Tuấn Anh khi thử việc cho ĐT U20 Việt Nam hồi đầu năm 2017 đã nói vài đồng đội của anh đủ sức đá cho các CLB hạng trung của giải hạng nhất Czech.

Không ít trường hợp cầu thủ châu Á đã từ chối ra châu Âu vì những lý do như gia đình, không đúng thời điểm, không thích hợp với CLB đang mời gia nhập, hay đơn giản là họ muốn an phận. Ở một môi trường sống quen thuộc và thậm chí được xem là ngôi sao hàng đầu, có những cầu thủ sẽ ngại ngùng ra nước ngoài để chinh phục miền đất mới.

U23 Việt Nam và giấc mơ châu Âu: Vận may thuộc về người dũng cảm - 2Nghiêm Xuân Tú có cơ hội đi Đức cuối năm 2016 nhưng đã trở lại V-League

Những người được ra châu Âu hoặc là đã được động viên rất nhiều, hay thậm chí chủ động khiến các CLB ở cựu lục địa chú ý. Hidetoshi Nakata ở World Cup 1998 tự nhuộm tóc để khiến anh nổi bật trên sân, và danh thủ người Nhật sau đó đã tới Italia thi đấu cho Perugia, AS Roma và Parma.

Năm 1977, một cầu thủ nghiệp dư người Nhật mang tên Yasuhiko Okudera đã được mời thử việc ở Koln của Đức, đội bóng vào cuối thập niên 1970 là một ứng viên vô địch Bundesliga. Okudera là một kỹ sư điện cho công ty Furukawa Electrics, và vì bóng đá Nhật khi đó chưa có cầu thủ chuyên nghiệp nên Okudera ngần ngại không muốn đi, sợ rằng nếu thất bại thì cũng sẽ mất việc.

Tuy nhiên LĐBĐ Nhật Bản đã đến thuyết phục gia đình Okudera lẫn công ty điện Furukawa, công ty đồng ý giữ chỗ cho Okudera nếu ông trở lại. Okudera sau đó có 9 năm chơi bóng tại Đức, đá chính trong vai trò hậu vệ biên cho Werder Bremen trong giai đoạn 1981 – 1986. Cùng lúc đó, trung phong Hàn Quốc Cha Bum-kun cũng tới Đức và đã ghi 121 bàn để đoạt 3 danh hiệu cùng Frankfurt & Bayer Leverkusen.

U23 Việt Nam và giấc mơ châu Âu: Vận may thuộc về người dũng cảm - 3

Okudera là cầu thủ Nhật Bản đầu tiên đá ở châu Âu khi bóng đá Nhật Bản còn chưa chuyên nghiệp hóa

Okudera và Cha Bum-kun đều đã tới Đức ở tuổi 25, do vậy mà những Công Phượng, Quang Hải, Xuân Trường vẫn có thể nghĩ về cơ hội đến châu Âu khi họ vẫn đang ở độ tuổi U23. Có điều khi một lời mời xuất hiện, liệu họ có dám chịu rủi ro?

Tiền vệ chạy cánh Nghiêm Xuân Tú của Than Quảng Ninh đã được mời sang Đức thử việc hồi cuối năm 2016. Nhưng sau những lời mời của Fortuna Dusseldorf và Kaiserlautern, cũng như nhận được phản hồi rất tích cực từ hai CLB, Xuân Tú lại quyết định quay về V-League. Xuân Tú đã từ chối đợt thử việc thứ hai để tập trung cùng ĐTVN dự AFF Cup 2016, giải đấu mà chính anh lại không được dự do dính chấn thương.

Cơ hội đã đến với Xuân Tú không đúng thời điểm, và anh cũng đã không dám đi vì nghĩ về cơ hội ở ĐTQG. Câu trả lời của những Công Phượng, Quang Hải sẽ là gì nếu những người châu Âu xuất hiện trước mặt họ?

Author Thethao247.vn Nguồn: Khampha / Theo Tạp chí Người Đưa Tin - Copy
u23 viet nam chau au cau thu viet nam xuat ngoai
Xem thêm
TIN NỔI BẬT