Quảng cáo

Nếu không có chiêu mới, Pep sẽ đo ván trước Mourinho

Thứ tư, 07/09/2016 22:59 PM (GMT+7)
A A+

Trận derby Manchester vào ngày 10/9 tới đây không phải là lần đầu tiên Pep Guardiola và Jose Mourinho chạm trán. Trừ khi, HLV của Man City có mảng miếng nào bất ngờ, bằng không, ông sẽ dễ dàng chịu khuất phục trước cái đấu lắm mưu nhiều mẹo của “Người đặc biệt”.

derby Manchester, Pep Guardiola, Jose Mourinho, HLV của Man City, Người đặc biệt

Cuộc đấu trí giữa Mourinho và Pep luôn rất thú vị

Chiến thuật của Pep là gì?

Đầu tiên, chúng ta sẽ đi vào chiến thuật mà Guardiola áp dụng tại các đội bóng mà ông dẫn dắt. Điểm chung dễ thấy nhất ở các đội bóng đó nằm ở khả năng kiểm soát bóng vượt trội. Barcelona , Bayern Munich trung bình luôn giữ bóng trên 60% mỗi trận đấu.

Man City hiện nay cũng không phải ngoại lệ. Sau 3 trận đầu mùa, con số này của nửa xanh thành Manchester là 62,2%, cao nhất giải đấu. Một điểm chung nữa, quan trọng hơn, cả 3 đội bóng này đều không chơi Tiqui – Taca.

Vâng. Không phải là Tiqui-taca mà ta vẫn thường được nghe. Thực chất, Tiqui-taca là từ mà một bình luận viên người Tây Ban Nha miêu tả những đường chuyền đều đặn như tiếng tích tắc đồng hồ trong trận Tây Ban Nha gặp Tunisia.

Chứng kiến các đội bóng do Pep nắm quyền cũng dùng nhiều đường chuyền ngắn để triển khai bóng, người ta vội liên tưởng tới. Từ đó, cái tên “Tiqui – taca” do Pep khai sáng bỗng xuất hiện mặc cho nhà cầm quân này ra sức nói mình căm ghét cái Tiqui – taca đó tới chừng nào.

“Đối với tôi, những đường chuyền đều phải có ý nghĩa. Tiqui – Taca chỉ là thứ rác rưởi mà thôi”

Để dễ hình dung, bạn hãy xem lại những màn chuyền bóng vô vị của cầu thủ Man United thời Van Gaal, đó có lẽ mới là Tiqui – taca … đích thực.

Vậy, lối chơi mà Pep muốn đội bóng thực hiện là gì?

Đó là việc triển khai bóng từ dưới lên dựa vào những tam giác. Các cầu thủ, kể cả thủ môn và hậu vệ, đều phải chơi chân và chuyền bóng ngắn tốt (một lý do quan trọng khiến Joe Hart bị hất cẳng) để có thể luân chuyển trái bóng liên tục.

Trong thế trận mà cựu HLV Bayern áp dụng, các cầu thủ sẽ xây dựng thành các nhóm, di chuyển liên tục luôn sẵn sàng hỗ trợ mỗi khi đồng đội có bóng. Chính vì vậy, anh ta sẽ không bao giờ lo thiếu địa chỉ để điều bóng, bất kể là khi đang bị muôn trùng đối thủ bao vây.

Để có thể làm được điều đó, việc chiếm số đông ở khu trung tuyến là tối quan trọng. Chắc chắn người yêu bóng đá không lạ gì chuyện Pep ám ảnh bởi các tiền vệ. Thậm chí, ông đã từng khẳng định mong muốn đưa ra sân đội hình… 11 tiền vệ.

Các tiền vệ sẽ di chuyển liên tục, đảm bảo bóng luôn được luân chuyển và hơn hết, tìm khoảng trống. Xavi, trái tim trong lối chơi của Barca dưới thời Pep, trong một bài phỏng vấn cho biết anh hơn người ở khả năng tìm khoảng trống.

Chính lối chơi của Pep đã giúp những người như Xavi có đất dụng võ. Khi tấn công với số đông các cầu thủ tuyến trên, nếu đối phương giữ cự ly đội hình không tốt, khoảng cách giữa các hậu vệ mở ra, đấy sẽ là lúc kết cục trận đấu được ấn định.

Người thầy vĩ đại của Pep, thánh Johan Cruyff tóm gọn tư duy chiến thuật của ông bằng câu nói sau: “Khi có bóng, phải làm cho sân lớn nhất có thể”. Ngụ ý rằng: lúc kiểm soát bóng, phải kéo dãn hàng thủ đối phương bằng quân số đông.

Một lần nữa, vai trò của các tiền vệ lại được đề cao. Họ có thể là những người kiến tạo nhưng cũng bất thình lình hóa hỏa lực sau tay áo. Đó mới là sự ảo diệu mà lối chơi của HLV người Catalan mang tới.

Nhưng đối thủ của Pep là Mourinho

Vỏ quýt dày có móng tay nhọn. Cũng như Kiều Phong có Giáng long chưởng kinh hồn bạt vía thì Mộ Dung Phục lại biến hóa khôn lường khắc chế trong nháy mắt.

Với những đội chơi một kèm một, hoặc giữ cự ly kém, hầu hết sẽ bị đoàn quân của Pep nghiền nát. Nhưng với chuyên gia phòng ngự như Mourinho, câu chuyện lại khác hẳn.

Một trong những thắng lợi vang dội nhất của Mourinho trước người đồng cấp diễn ra vào năm 2010. Với Inter Milan, Người đặc biệt đã giành chiến thắng Barca, ĐKVĐ Champions League, thời điểm gần như là mạnh nhất lịch sử.

 Không có gì là bí mật ở đây cả. Tất cả chỉ dựa vào việc nhường quyền chủ động cho đối phương và phòng ngự theo khu vực.

Trở lại với trận đấu diễn ra sau đây 3 ngày. Với sự vắng mặt của Aguero, hàng tiền vệ của Man City gần như sẽ là:  Nolito đá cánh trái, De Bruyne cánh phải, Silva ở giữa và Sterling là một số 9 ảo.

Có thể hình dung ra viễn cảnh bộ tứ này di chuyển, hóan đổi vị trí liên tục để khoét vào các lỗ hổng nơi hàng thủ Man United. Với một người lão luyện như Mourinho, ông quá hiểu phải đối phó với bài toán này thế nào.

Ở đây, cặp tiền vệ MarouaneFellaini – Paul Pogba sẽ chơi thấp hơn thường lệ với mục đích che chắn cho tuyến dưới. Đồng thời, bộ đôi này sẽ có nhiệm vụ “hủy diệt” lối chơi đối thủ, chủ động áp sát và bắt chết các cây làm bóng . Giống với cái cách mà Mourinho để Cambiasso (ở Inter) hoặc Pepe (ở Real) cày nát tuyến tiền vệ Barca trước đây.

Một lý do nữa cho thấy nếu Pep vẫn rập khuôn lối chơi sẽ chuốc lấy thất bại. Nó nằm ở vị trí hậu vệ cánh. Trong thắng lợi gần nhất trước West Ham, người ta thấy bộ đôi Pablo Zabaleta và Gael Clichy rất hay có xu hướng bó vào giữa để gia tăng quân số hàng tiền vệ. Hành động này không hiếm gặp thời chiến lược gia 45 tuổi dẫn dắt Bayern, với Alaba và Lahm chơi không khác gì tiền vệ.

Nhưng đó cũng có thể là những con dao 2 lưỡi. Nếu Mourinho nhìn thấu yếu huyệt này, Valencia, Martial hay Mkhitaryan, những máy chạy của Man United sẽ trừng phạt người hàng xóm bất cứ lúc nào. Zabaleta và Clichy đều đã ngoài 30, khó có thể đảm bảo thể lực để tấn công lẫn phòng ngự suốt 90 phút.

Bất cứ chiến thuật nào, dù hoàn hảo tới đâu cũng đều có ưu có nhược. Nếu không có một phương án B đề phòng, chưa biết chừng trận derby Manchester đầu tiên trong sự nghiệp của Pep sẽ hóa thảm họa khôn lường.

Toàn Vũ

Author Thethao247.vn Hóa Võ / Theo Tạp chí Người Đưa Tin - Copy
derby Manchester Pep Guardiola Jose Mourinho HLV của Man City Người đặc biệt
Xem thêm
TIN NỔI BẬT