Chuyện sẽ bi hài nếu bóng chuyền nữ không tham dự Asiad 18

Thứ ba, 16/01/2018 11:14 AM (GMT+7)
A A+

Thể Thao 247 - Trong khi, ASIAD 17 bóng chuyền phải ở nhà vì đó là một sân chơi quá tầm thì đội nữ lại tham dự Cup Liên đoàn châu Á mà như đánh giá, đó là cuộc đấu của 8 đội hàng đầu châu lục.

Còn nhớ như in khi kết thúc VTV Cup 2014, những người có trách nhiệm của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam đã rất tự hào vì Việt Nam vượt qua tuyển U23 Thái Lan khi ấy được bổ sung Jutarat để giành ngôi vô địch. Mặc dù hừng hực khí thế nhưng cuối cùng cả 2 đội tuyển vẫn ngậm ngùi làm khán giả Asiad 17 và những tay đập triển vọng khi ấy như Bùi Ngà, Lê Thúy, Trần Thúy... đến giờ vẫn chưa được biết không khí Asiad là như thế nào.

Có những VĐV nhiều năm liền khoác áo ĐTQG nhưng không được biết không khí Asiad như thế nào

Các VĐV luôn mong muốn 1 ngày bóng chuyền Việt Nam vươn tầm, trước mắt có thể thi đấu ở những giải có trình độ cao như nhóm 3 World Grand Pix, tuy nhiên khi chưa thể cải thiện thứ hạng trên BXH của FIVB thì sân chơi Asiad cũng không phải "xoàng". Bởi lẽ chất lượng môn bóng chuyền tại Asiad chắc chắn sẽ cao hơn Cup Liên đoàn châu Á do các đội tuyển tham dự đều cố gắng mang đến đội hình mạnh, cạnh tranh huy chương cho thành tích chung của đoàn thể thao.

Asiad 15 (năm 2006) là kỳ Asiad duy nhất của bóng chuyền nữ cho đến nay, xếp hạng 7/9

Cách đây 4 năm, giải thích cho việc không đưa đội nữ đến Hàn Quốc dự Asiad 2014, ông Trần Đức Phấn - Tổng thư ký Liên đoàn bóng chuyền VN và cũng là tân Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT khi ấy giải thích với báo chí rằng: “Tình hình kinh tế năm 2014 như thế nào thì ai cũng có thể thấy, chúng ta không thể đầu tư dàn trải. Chỉ riêng môn bóng chuyền nếu dự giải thì sẽ phải cử đi khoảng 40 người (cả hai đội nam và nữ), trong khi trình độ của chúng ta không thể cạnh tranh được với các nước khác. Chưa kể, đội nữ đang trong giai đoạn trẻ hóa, nếu cố gắng tham dự cũng rất khó khăn về mọi mặt, thậm chí có thể dẫn đến những hệ lụy tiêu cực về sau”.

Có một điều mà ai cũng biết, đó là không phải môn thể thao nào cũng giống nhau. Vẫn biết VĐV nào thì cũng nỗ lực như nhau trong tập luyện, thi đấu nhưng sức hút thì hoàn toàn khác nhau. Bóng chuyền luôn được xem là môn thể thao được yêu thích thứ 2 tại Việt Nam, chỉ xếp sau bóng đá. Không thể lấy thành tích, khả năng thuần túy như hầu hết môn khác để suy xét chuyện có dự hay không. Đáng tiếc thay, cơ quan quản lý thể thao Việt Nam vì không đủ sức nâng cao trình độ cho những môn thể thao mà người dân yêu thích, thế là họ chọn cách hết sức tiêu cực: Cho ở nhà!

Không leo núi sao vượt qua núi. Cứ theo kiểu tiếp cận không có kết quả cao là cho ở nhà, biết đến khi nào những môn quan trọng mà khó làm như bóng chuyền mới vươn tầm nổi? Và sẽ thật khôi hài nếu chỉ vì sợ dẫn đến hệ lụy tiêu cực mà để những lứa VĐV triển vọng thiếu đi những sân chơi tầm cỡ, bởi lẽ thiếu sân chơi lớn như vậy, cơ hội đâu để họ bứt phá?

Chưa biết số phận của 2 đội tuyển bóng chuyền nam và nữ sắp tới ra sao. Tuy nhiên sau 4 năm, tình hình kinh tế cũng đã có chuyển biến tích cực hơn và các VĐV trẻ khi ấy giờ đã lớn, nếu không tham dự 4 năm sau họ sẽ già, có lẽ nào khi ấy bóng chuyền lại trẻ hóa và vì trẻ, ít kinh nghiệm nên sẽ tiếp tục ở nhà? Chính vì vậy, sẽ thật buồn cho các chàng trai - cô gái chân dài và cũng thật thất vọng với quan điểm của quan chức ngành thể thao nếu như kỳ Asiad 18 bóng chuyền tiếp tục trở thành khán giả.

Thể thao 247 - Đồng hành cùng bóng chuyền Việt Nam

Author Thethao247.vn Duy Dũng / Theo Tạp chí Người Đưa Tin - Copy
Xem thêm
TIN NỔI BẬT