Bài học về văn hóa đổ lỗi!

Thứ năm, 22/01/2015 17:23 PM (GMT+7)
A A+

(Thể thao 247) - Mình phải thấy cái nhược của mình. Không thấy ra thì còn khuya. Còn đổ hết chuyện nọ qua chuyện kia thì còn khuya.

Tôi thường chứng kiến, có những đứa bé, khi bị ngã-khóc, các bà mẹ thường đánh vào vô số thứ xung quanh đứa bé để đổ lỗi. Khi đi học, những đứa trẻ đó hư, bố mẹ chúng lại đổ lỗi cho môi trường giáo dục ở nhà trường không tốt để chúng học theo những bạn xấu. Còn nhà trường thì lại đổ lỗi cho việc dạy con của cha mẹ chúng.

Ở góc độ nào đó, thay vì ngồi lại tìm bàn ra cách tốt hơn để hướng tới những mục tiêu cao hơn thì những người có trách nhiệm thường tìm ra một ai đó để đổ trách nhiệm, luôn “chuyền bóng” sang cho người khác mang lại sự “thanh thản” cho mình. Vô hình chung, những việc này sẽ khiến những đứa trẻ kia lớn lên hình thành trong đầu một thứ văn hóa xấu – văn hóa đổ lỗi.

Vậy đâu là nguyên nhân cho sự đổ lỗi này của những “người có trách nhiệm”? Đó là do họ muốn che giấu sự mất kiểm soát của mình trước hoàn cảnh. Họ không dám đối mặt, sẵn lòng nhận trách nhiệm về những lựa chọn của mình và chỉ còn cách vin vào một lí do ngoại cảnh nào đó để đổ lỗi. Có thể khi tìm ra lý do để đổ lỗi họ thấy thoải mái hơn khi có người khác giơ đầu đón lỗi hộ mình. Nhưng thật ra họ đâu biết rằng chính khi họ đổ lỗi trách nhiệm thì họ đã bỏ lỡ cơ hội thay đổi cách suy nghĩ, bỏ lỡ những cơ hội để hoàn thiện mình tốt hơn.

Nếu câu chuyện chỉ ở trong phạm vi nhỏ thì độ ảnh hưởng không lớn và có thể kiểm soát được. Thế nhưng, với những việc lớn, với những “người của công chúng” thì điều này cứ tái diễn thì hậu quả của nó sẽ khôn lường.

hoàng anh gia lai, cong phuong, tuan anh, xuan truong

Hậu quả, điều tôi nghĩ và nhớ tới, xung quanh câu chuyện của HA.GL ở V.League 2015. Còn nhớ gần 2 năm trước, sau thất bại của U.19VN với nòng cốt là các cầu thủ lứa đầu Học viện HA.GL Arsenal JMG trước Indonesia ở trận CK U.19 ĐNÁ 2013, rất nhiều lời đổ lỗi, từ việc đối thủ đá rắn, trọng tài nương tay với bạo lực, bắt sai… Đó là lý do khi tiếp xúc cử tri quận Hải Châu, Bí thư thành ủy Đà Nẵng khi đó, ông Nguyễn Bá Thanh đã mang câu chuyện bóng đá ra để truyền tải"Mình phải thấy cái nhược của mình. Không thấy ra thì còn khuya! Còn đổ hết chuyện nọ qua chuyện kia thì còn khuya!".

U19 VN của hai năm trước, giờ còn khoác áo HA.GL. Vẫn còn đó Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Thanh Tùng… những cầu thủ tài năng mà theo lời HLV Lê Thụy Hải '50 năm bóng đá Việt Nam mới có lứa cầu thủ kỹ thuật như thế'. Họ tài và tiềm năng, hứa hẹn sẽ là tương lai của bóng đá nước nhà. Cái họ còn thiếu chính là thời gian cùng cơ hội cọ xát để học hỏi, trưởng thành. Và bầu Đức, với quyết định táo bạo, cho nguyên cả đội 1ra đường khi bốc cả lứa U.19 lên đá V.League.

Mọi thứ thật đẹp với chiến thắng tưng bừng trận khai mạc, trong ngày vỡ sân Pleiku và HA.GL của những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… tạo ra một cơn sốt tại V.League 2015. Thế nhưng HA.GL lại đón nhận 2 thất bại liên tiếp. Thất bại theo đúng cái cách mà số đông từng cảnh báo, nhìn thấy hàng loạt vấn đề hạn chế lộ ra, trong đó có chính sự chủ quan và cả ảo tưởng của những người có trách nhiệm, trong đó có bầu Đức.

Có ai nhìn những bước chạy miệt mài của Công Phượng mà cảm thông cho em khi đang phải gồng lên cố gắng cho sự kỳ vọng, trọng trách được đặt lên vai? Công Phượng và các cầu thủ trẻ ở HA.GL  họ đang cố phải chứng minh quá nhiều thứ, khi phải đá tốt, đá hay, đá đẹp và chiến thắng để xứng đáng với kỳ vọng và vị thế của những thần tượng, vốn được đẩy lên như một phần nhờ công nghệ lăng xê như showbiz.

Có một điều, ở góc nhìn của một khán giả, tôi thấy đáng sợ.

Sau những trận thua của HAGL không ai đứng ra phân tích nguyên nhân dẫn đến thất bại của đội. Thậm chí, người ta còn ru ngủ, lấp liếm và đổ lỗi cho trọng tài, đối phương đá rắn và lý do muôn thủa: Truyền thông và dư luận quan tâm quá mức khiến các cầu thủ bị xao nhãng.

Bạn có thấy, nó giống với chuyện những ông bố, bà mẹ dọa “đánh chừa” bất cứ thứ gì khi con họ bị ngã, bị khóc? Và không biết những Phải chăng ban huấn luyện câu lạc bộ HAGL muốn Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… suy nghĩ rằng đội bóng của các em thua là do đối thủ đá rắn, đối thủ đá phòng ngự, do trọng tài bắt lỗi, hay do truyền thông, người hâm mộ quan tâm quá mức…?

Các em rất giỏi, rất tài năng nhưng đừng ru ngủ các em trong cái gọi là “ảo tưởng sức mạnh” Điều này sẽ làm thui chột về ý chí vươn lên của các em. Thanh gươm chỉ quý khi được tút ra khỏi vỏ và áp chế được kẻ đối địch chứ không phải treo trong thư phòng để hàng ngày lau chùi cho sáng bóng.

Nhớ lại lời của ông Nguyễn Bá Thanh vẫn trong buổi nói chuyện kia, ông nói: "Đá thì có tiến bộ đó nhưng hỏi kết quả sao thì cuối cùng cũng... thua thôi! Nói thì ghê gớm lắm. Mấy bữa ni là cho bay lên mây, bay lên trên trời rồi, ngó như làm mưa làm gió cả châu Á đến nơi. Tới chừ thì lại đổ lỗi trọng tài không bắt lỗi…”

"Mình phải thấy cái nhược của mình. Không thấy ra thì còn khuya. Còn đổ hết chuyện nọ qua chuyện kia thì còn khuya!" - ông Nguyễn Bá Thanh nhấn mạnh.

Author Thethao247.vn Độc Giả / Theo Tạp chí Người Đưa Tin - Copy
HAGL Công Phượng Tuấn Anh Xuân Trường HAGL Arsenal JMG HLV Lê Thụy Hải
Xem thêm
TIN NỔI BẬT