Việt Nam rút quyền đăng cai Asiad 2019 & một gánh nặng như núi được giải

Chủ nhật, 20/04/2014 15:08 PM (GMT+7)
A A+

Hồi hộp dõi theo rồi thở phào như trút được cả một trái núi đè nặng khi Việt Nam xin rút đăng cai Asiad 2019. Bởi trong số những gánh nặng quá lớn, kinh phí chỉ là một nguy cơ, thậm chí còn không đáng lo bằng năng lực chuẩn bị, tổ chức cùng thành tích chuyên môn.

 

Nếu nhìn vào năng lực và nề nếp chuẩn bị, tổ chức các sự kiện quốc tế của thể thao Việt Nam rõ nhất với SEA Games 22 và Asian Indoor Games 2009, gắn trực tiếp với vai trò của ngành thể thao.

Rõ ràng, nhân lực của ngành thể thao hiện tại đang hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng so với đòi hỏi của việc lần đầu tiên đăng cai một Đại hội đỉnh cao châu lục. Càng đáng hơn với lâu nay của thể thao Việt Nam mỗi khi làm chủ nhà luôn rơi vào nếp nước đến chân mới nhảy, đặc biệt trong việc chuẩn bị cơ sở vật chất kỹ thuật, dẫn đến sự cập rập, vội vã và cả lãng phí không đáng có.

Điều này càng trở thành một nguy cơ lớn khi quỹ thời gian cho Việt Nam chỉ còn đúng 5 năm, với cả một núi công việc phải hoàn thành, trong đó có hàng loạt dự án, hạng mục ở tầm cao, đòi hỏi chưa từng có. Người ta không hiểu ngành làm sao để có thể hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng được hàng trăm công trình xây mới, nâng cấp, sửa chữa, mở rộng cho 36 môn.

 

xe dap long chao, Asiad 2019

Việc tổ chức môn đua xe đạp lòng chảo là một trong những khó khăn rất lớn


Rồi rất nhiều hạng mục quan trọng và khó, đơn cử như việc xây dựng hệ thống thông tin điện tử phục vụ Đại hội. Rồi chuyện tiếp thị tài trợ làm sao để đảm bảo mức 1.131 tỷ đồng như đặt ra trong đề án. Hay đơn giản nhất với khả năng điều hành thi đấu các môn, nhất là các môn chưa từng có tại Việt Nam như đua xe lòng chảo, đua ngựa... Đúng như đánh giá của các chuyên gia, nhìn vào đâu cũng thấy ngổn ngang, chưa biết bắt đầu từ đâu và liệu đáp ứng được đến mức nào.

Cùng với mảng chuẩn bị, tổ chức, trong vai trò chủ nhà, thể thao Việt Nam còn phải đối mặt với một bài toán cực khó chính là phải giành thành tích cao xứng tầm. Theo đề án đăng cai, ở kỳ Asiad 2019, Việt Nam sẽ quyết tâm đoạt từ 10-15 HCV, đứng thứ hạng từ 6-10 toàn đoàn.

Ngành thể thao đã xác lập mục tiêu kể trên dựa trên cơ sở về một sự chuẩn bị lực lượng kỹ lưỡng, với sự ưu tiên đặc biệt về đầu tư đào tạo, cũng như những lợi thế nhất định của chương trình thi đấu, quyết tâm và tinh thần thi đấu của VĐV, sự cổ vũ từ khán giả nhà.

Chỉ có điều, ngay cả các nhà chuyên môn cũng cảm thấy phải thực sự lo ngại nếu nhìn vào hiện trạng của thể thao Việt Nam, thậm chí nhiều người còn cho rằng mục tiêu này bất khả thi.

 

Asiad 2019, the thao viet nam

Những niềm hy vọng vàng của Thể thao Việt Nam tại Asiad là không nhiều


Tại Asian Games 2010, phải trầy trật mãi VN mới đoạt nổi 1 tấm HCV có phần xuất thần của võ sỹ karatedo Lê Bích Phương. Vậy mà chỉ sau đây 6 năm, chúng ta phải đột phá thành tích lên ít nhất cả chục lần, thì có lẽ phải cần tới cả 1 sự thần kỳ. Trong khi đó, thực tế hàng loạt các môn Olympic, Asiad đều đang thiếu hụt trầm trọng lực lượng mũi nhọn và đội ngũ trẻ chất lượng cao. Chưa kể, nhiều môn đại chúng, đơn của như bóng đá, bóng chuyền, tennis dù không phải chịu sức ép huy chương, song với những gì đang có, để có được một màn trình diễn, kết quả tốt cũng chẳng đơn giản chút nào.

Xét ở mặt nào đó, riêng với ngành thể thao, việc xin rút đăng cai Asiad 2019 giống như trút được cả một gánh nặng.

Ngành thể thao sẽ không phải gồng mình lên để chuẩn bị, tổ chức mà trên thực tế cũng chưa chắc chắn được điều gì. Riêng về chuyên môn thành tích, thể thao Việt Nam cũng khỏi phải tìm mọi cách để đưa vào chương trình Đại hội các môn mới như vovinam, đá cầu hay taekwondo quyền...

Xem ra như thế cũng là chuyện may mắn và đáng mừng.

Author Thethao247.vn Phú Văn / Theo Tạp chí Người Đưa Tin - Copy
Asiad 2019 Asian Games 18 the thao Viet Nam Đại hội thể thao
Xem thêm
TIN NỔI BẬT